CHƯA KỊP THỜI XÂY DỰNG NỘI DUNG THAY THẾ CÁC QUY HOẠCH HẾT HIỆU LỰC TRONG NGÀNH NÔNG NGHIỆP

03/04/2022

Báo cáo trước Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, do nhiều nguyên nhân khác nhau, việc xác định và xây dựng các nội dung thay thế đối với các loại hình quy hoạch hết hiệu lực chưa thực sự kịp thời, đồng bộ.

 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến trình bày báo cáo

Báo cáo về việc rà soát các quy hoạch hết hiệu lực theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch và việc ban hành chính sách, văn bản quy phạm pháp luật thay thế, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nêu rõ, ngay khi Luật Quy hoạch được ban hành, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 05/2/2018 về triển khai thi hành Luật Quy hoạch. Trên cơ sở quy định tại Luật Quy hoạch và các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng, ban hành kế hoạch hành động của Bộ tại quyết định số 1005/QĐ-BNN KH ngày 21/3/2018 đề cụ thể hóa, giao nhiệm vụ cho các đơn vị trong Bộ thực hiện các nội dung triển khai thi hành Luật Quy hoạch trong đó có nội dung và soát các quy hoạch ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn hết hiệu lực theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch.

Qua raf soát cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, danh mục quy hoạch hết hiệu lực thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã trình, ban hành tại Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 26/8/2019 của Chính phủ gồm 04 quy hoạch; danh mục hết hiệu lực thuộc thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành tại Quyết định số 591/QĐ-BNN-KH ngày 21/02/2019 gồm 31 quy hoạch.

Thứ trưởng nêu rõ, việc rà soát các quy hoạch ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn hết hiệu lực theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát tổng thể các ngành, lĩnh vực thực hiện đảm bảo đúng quy định pháp luật về quy hoạch và thẩm quyền ban hành.

Qua ra soát các nội dung quy hoạch ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn hết hiệu lực theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận thấy cơ bản là các nội dung mục tiêu, định hướng phát triển ngành hàng, sản phẩm, lĩnh vực không bao gồm các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh; riêng đối với hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành đã và đang thường xuyên hàng năm được rà soát điều chỉnh, ban hành theo Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Toàn cảnh cuộc làm việc giữa Đoàn Giám sát của Quốc hội chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Do vậy, khi các quy hoạch ngành hàng, sản phẩm hết hiệu lực, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập trung xây dựng các Chiến lược, chương trình, đề án phát triển các ngành, lĩnh vực nhằm đảm bảo phục vụ công tác quản lý, định hướng, điều hành phát triển ngành và hướng dẫn, có ý kiến đối với phương án phát triển nông nghiệp tại quy hoạch tinh của các địa phương.

Theo Thứ trưởng, đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình, ban hành theo thẩm quyền cơ bản đầy đủ các nội dung mục tiêu, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực được giao quản lý, cụ thể gồm: Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tại Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được hoàn thiện, dự kiến trình Chính phủ trong năm 2021; Chiến lược phát triển ngành thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 tại Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/03/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đã soạn thảo, trình ban hành nhiều nội dung khác như: Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đang được hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành; Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Quyết định số 324/QĐ-TTg ngày 02/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 – 2025, 2026 – 2030 tại Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 05/8/2021 của Chính phủ; Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030 tại Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/06/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo đến năm 2025 và 2030 tại Quyết định số 555/QĐ-BNN-TT ngày 26/01/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Đề án bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2030 tại Quyết định số 1662/QD-TTg ngày 04/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030 tại Quyết định số 1408/QĐ-TTg ngày 16/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án phát triển mía đường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 1369/QĐ-BNN-CBTTNS ngày 18/4/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại Quyết định số 3550/QĐ-BNN-TCTS ngày 12/08/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thẳng thắn nhìn nhận việc xác định và xây dựng các nội dung thay thế đối với các loại hình quy hoạch hết hiệu lực chưa thực sự kịp thời, đồng bộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định nguyên nhân của tình trạng này đến từ cả những yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Nguyên nhân khách quan là số lượng các quy hoạch ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thời kỳ 2011 - 2020 lớn, phạm vi rộng cả về số lượng, nội dung, liên quan nhiều lĩnh vực, địa phương và thẩm quyền phê duyệt thuộc của cả Chính phủ, Bộ và địa phương. Về nguyên nhân chủ quan, đây là nội dung quy định mới tại Luật Quy hoạch, một số chưa nhận thức, hiểu đúng và đầy đủ. Sự phối hợp trong rà soát danh mục các quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt chưa thực sự đồng bộ giữa các ngành và địa phương dẫn tới một số chậm ban hành danh mục hết hiệu lực, việc ban hành các nội dung thay thế chưa kịp thời, đồng bộ./.

Minh Hùng