Tạo điều kiện cho doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế
Về chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, cơ quan thẩm tra đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội về việc nghiên cứu, bổ sung thêm chính sách khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế.
Theo đó, khoản 3 Điều 5 của Dự thảo Luật được nghiên cứu bổ sung thành ”Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô đầu tư trở lại nền kinh tế, tái đầu tư, xây dựng thị trường bảo hiểm”, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp định hướng phát triển và điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã bỏ quy định về giới hạn đầu tư mà chỉ đưa ra nguyên tắc đầu tư để khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh
Về đề xuất nên có nhóm quy định riêng để tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế của Việt Nam tham gia thị trường bảo hiểm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, một trong những nguyên tắc lập pháp là các quy định của dự thảo Luật phải bảo đảm đúng theo các nội dung cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết. Việc quy định riêng để tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế của Việt Nam tham gia thị trường là chưa bảo đảm việc tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam phải thực hiện.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng nêu rõ, chính sách phát triển để doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm Việt Nam có thể xuất khẩu dịch vụ ra nước ngoài đã được quy định tại dự thảo Luật trong việc cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới; hoạt động kinh doanh tái bảo hiểm, đầu tư ra nước ngoài…
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, đối với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, doanh nghiệp bảo hiểm không phải chịu trách nhiệm bồi thường cho chủ xe cơ giới mà chỉ bồi thường cho người thứ ba khi có thiệt hại xảy ra. Trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm chỉ phát sinh nếu người thứ ba yêu cầu người được bảo hiểm bồi thường do có hành vi gây thiệt hại cho người thứ ba trong thời hạn bảo hiểm. Trường hợp chủ xe cơ giới tham gia giao thông nếu có nhu cầu tham gia bảo hiểm thì có thể lựa chọn tham gia các sản phẩm bảo hiểm vật chất thân xe, tính mạng, tai nạn và chăm sóc sức khỏe chủ xe tại các doanh nghiệp bảo hiểm.
Không quy định hành vi cấm đối với việc từ chối bán bảo hiểm
Về kiến nghị bổ sung thêm một nội dung nghiêm cấm hành vi từ chối bán bảo hiểm cho người có đủ điều kiện tham gia bảo hiểm để tránh việc doanh nghiệp bảo hiểm lựa chọn đối tượng khách hàng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, hợp đồng bảo hiểm được ký kết trên cơ sở phải có sự đồng ý thỏa thuận của bên mua và bán. Do đó, không thể quy định hành vi cấm đối với việc từ chối bán bảo hiểm. Thực tế, các điều kiện bảo hiểm tại quy tắc, điều khoản bảo hiểm đã xác định rõ đối tượng được bảo hiểm của từng sản phẩm bảo hiểm. Các doanh nghiệp bảo hiểm chỉ từ chối bảo hiểm khi bên mua bảo hiểm không đủ điều kiện tham gia bảo hiểm mà doanh nghiệp đã quy định tại quy tắc, điều khoản sản phẩm bảo hiểm. Riêng đối với bảo hiểm bắt buộc là loại bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội, khoản 4 Điều 8 đã có quy định doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được phép triển khai bảo hiểm bắt buộc không được từ chối bán khi tổ chức, cá nhân đáp ứng đủ điều kiện mua bảo hiểm bắt buộc theo quy định của pháp luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 9
Đối với vấn đề bảo hiểm bắt buộc đối với xe cơ giới, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, theo quy định pháp luật hiện hành, xe cơ giới (bao gồm không chỉ ô tô mà còn cả xe mô tô, xe gắn máy) được xác định là nguồn nguy hiểm cao độ. Theo số liệu thống kê của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia: Tổng số xe đã đăng ký tính đến ngày 14/10/2020 là 4.652.946 ô tô, 72.061.323 mô tô và 1.449.379 xe máy điện; Phân tích nguyên nhân gây ra tai nạn: Ô tô 30,24%, Mô tô 63,48%, phương tiện khác 6,28%.
Theo Báo cáo tổng kết thi hành pháp luật năm 2019 của Bộ Tài chính, sau hơn 10 năm thực hiện chính sách bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, số lượt xe cơ giới tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới lên đến trên 110,3 triệu (số lượt xe máy vào khoảng 93,5 triệu); đã giải quyết bồi thường bảo hiểm cho 593.658 vụ tai nạn giao thông, trung bình 9 triệu đồng/vụ (101.214 vụ tai nạn xe máy, trung bình 5 triệu đồng/vụ).
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, theo kinh nghiệm quốc tế, bảo hiểm trách nhiệm của chủ xe cơ giới (bao gồm xe mô tô, xe máy) là một giải pháp bảo đảm tài chính hỗ trợ nạn nhân kịp thời khắc phục thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và tài sản khi không may xảy ra tai nạn giao thông, được triển khai dưới hình thức bắt buộc tại hầu hết các nước trên thế giới.
Bên cạnh cơ chế bồi thường bảo hiểm, chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới cũng hình thành Quỹ bảo hiểm xe cơ giới để chi hỗ trợ nhân đạo cho các nạn nhân tai nạn giao thông không thuộc diện đối tượng được bồi thường bảo hiểm. Do đó, cơ quan thẩm tra đề xuất giữ nguyên quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới như dự thảo Luật. Đồng thời, cần tuyên truyền, giáo dục về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới với nhiều hình thức và trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng để bảo đảm bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm phân biệt rõ giữa loại hình bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới với các loại hình bảo hiểm tự nguyện khác./.