Toàn cảnh hội nghị
Tham dự Hội nghị có Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hoà Lê Hữu Trí - chủ trì Hội nghị; đại biểu Quốc hội Phạm Thị Xuân Trang; đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; lãnh đạo Ban Pháp chế của HĐND tỉnh cùng lãnh đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong; lãnh đạo Thanh tra các Sở và Thanh tra các huyện, thị xã, thành phố.
Theo Chương trình xây dựng pháp luật năm 2022 và Chương trình công tác năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) đã trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại Phiên họp thứ 10 và trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 3 sắp tới. Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) gồm 08 chương và 116 điều, quy định về tổ chức, hoạt động thanh tra nhà nước. Cụ thể, Chương I về Những quy định chung (09 điều); Chương II về Tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra (27 điều); Chương III về Thanh tra viên (06 điều); Chương IV về Hoạt động thanh tra (57 điều); Chương V về Thực hiện kết luận thanh tra (06 điều); Chương VI về Phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra (05 điều); Chương VII về Điều kiện bảo đảm hoạt động của cơ quan thanh tra (03 điều); Chương VIII về Điều khoản thi hành (03 điều).
Đại biểu Quốc hội Lê Hữu Trí phát biểu kết luận hội nghị
Tại hội nghị, các đại biểu đề nghị cần chú trọng về một số vấn đề như quy định rõ về quyền thanh tra; việc thành lập cơ quan thanh tra của khu kinh tế, khu công nghiệp; xem xét về việc quy định ngạch thanh tra viên chính; xem xét đến tính độc lập của cơ quan thanh tra. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng dự án Luật lần này cần quy định rõ về sự tránh chồng chéo giữa thanh tra và kiểm toán, để góp phần phát hiện vi phạm, xử lý hiệu quả hơn.
Qua một buổi làm việc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hoà ghi nhận các ý kiến, đồng thời giao Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tổng hợp ý kiến gửi Đoàn đại biểu Quốc hội để tham gia góp ý tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV./.