Toàn cảnh hội nghị
Tham dự buổi làm việc có các đại biểu Quốc hội tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan của tỉnh Đắk Lắk.
Dự thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình gồm 6 Chương, 62 Điều quy định các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình; quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân và các điều kiện bảo đảm thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình.
Góp ý Dự thảo Luật, các đại biểu đều thống nhất việc sửa đổi dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình là điều cần thiết để góp phần bảo vệ người bị bạo lực gia đình, xử lý các hành vi, vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình hiện nay. Theo các đại biểu, cần bổ sung Quy định thiết lập đường dây nóng để người bị bạo lực gia đình liên hệ, giúp đỡ khi cần thiết. Tại Điều 12. Trách nhiệm của người có hành vi bạo lực gia đình, cần quy định về trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể cơ sở nhằm hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình; đảm bảo quy định của luật không chồng chéo đối với các luật khác; quy định rõ Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc triển khai phòng, chống bạo lực gia đình…
Có ý kiến đề nghị xem xét, làm rõ hơn nội dung quy định hành vi bạo lực gia đình tại điểm g, khoản 1, Điều 4 “Phát tán hình ảnh, thông tin, tài liệu riêng tư của thành viên gia đình khi chưa được sự đồng ý của người đó”. Vì khoản 1 Điều 3 định nghĩa: bạo lực gia đình là hành vi cố ý gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế, tình dục đối với thành viên khác trong gia đình. Do đó, nếu việc phát tán hình ảnh, thông tin, tài liệu riêng tư của thành viên gia đình là hành vi không cố ý và không làm tổn hại, ảnh hưởng đến tinh thần, thể chất, kinh tế, tình dục của thành viên đó thì không phải là hành vi bạo lực gia đình. Thực tiễn cho thấy, hiện nay việc người dân chia sẽ hình ảnh của bản thân và gia đình, nhất là trên các ứng dụng mạng xã hội là việc thường xuyên; vì vậy cũng cần làm rõ hơn nội dung “hình ảnh, thông tin, tài liệu riêng tư” là như thế nào?
Các đại biểu đóng góp ý kiến tại hội nghị
Đối với dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), các đại biểu đề nghị cần quy định chặt chẽ hơn về nghĩa vụ chấp hành các quy định trong khám bệnh, chữa bệnh, đồng thời có chế tài xử lý nghiêm đối với hành vi hành hung nhân viên y tế của người đại diện, người đến thăm hoặc người chăm sóc bệnh nhân; đề nghị bổ sung quy định về nguyên tắc và trách nhiệm ban hành “Tiêu chuẩn xác định tình trạng cấp cứu”, “Tiêu chuẩn nhập viện nội trú, nội trú ban ngày” tại Điều 53 về Cấp cứu; Điều 58, 59 về Điều trị nội trú và Điều trị nội trú ban ngày nhằm đảm bảo thuận lợi trong tổ chức thực hiện, cũng như hướng tới việc cung ứng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hợp lý, hiệu quả.
Đối với quy định tại Khoản 1, Điều 20 về “Dinh dưỡng, tiết chế trong điều trị gồm dinh dưỡng lâm sàng và việc sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng trong điều trị”, đại biểu đề nghị cần làm rõ “sản phẩm dinh dưỡng” có phải là “thực phẩm dinh dưỡng y học” được quy định tại Luật An toàn thực phẩm hợp nhất không? Trường hợp “sản phẩm dinh dưỡng” không phải là thuốc và cũng không phải là thực phẩm chức năng, “sản phẩm dinh dưỡng” cần sử dụng trong điều trị bệnh suy dinh dưỡng theo quy trình chuyên môn, đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể tại Luật khái niệm về “sản phẩm dinh dưỡng” và giao trách nhiệm Bộ Y tế ban hành danh mục, cơ chế cung cấp, quản lý và sử dụng “sản phẩm dinh dưỡng điều trị” trong khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, đại biểu đề nghị tại khoản 4, Điều 20a cần trao thẩm quyền cho Chính phủ quy định về hiệu quả sử dụng băng tần, kênh tần số chứ không phải Bộ Thông tin và Truyền thông; cần bổ sung trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng thiết bị và tần số vô tuyến điện hoặc có liên quan trong việc phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xử lý nhiễu có hại…
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk Y Vinh Tơr
Phát biểu kết luận hội nghị, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk Y Vinh Tơr ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu. Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp thu, tổng hợp các nội dung kiến nghị, chuyển tới cơ quan soạn thảo và làm cơ sở để tham gia thảo luận tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV./.