Ngày 23/11/2009, Quốc hội đã thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập trong thực tiễn chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết.
Do đó, xây dựng dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của công tác quản lý nhà nước về hoạt động khám, chữa bệnh. Đồng thời, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế.
Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) gồm 12 chương và 106 điều, thêm 3 chương so với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009. Đó là Chương VI, Chương X và Chương XI. Tại cuộc họp, các đại biểu đã nghiên cứu, thảo luận về chính sách của nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh; quy định nhằm nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề; quy định nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; các điều kiện bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi tổ chức họp lấy ý kiến góp ý dự án Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi).
Cũng trong sáng 20/5, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi tổ chức lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức liên quan về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Dự thảo Luật gồm 6 chương, 62 điều. Trong đó, sửa đổi, bổ sung nội dung 42 điều; xây dựng mới hoàn toàn 17 điều; bỏ 3 điều. Luật tập trung vào 3 nội dung chính, gồm: Các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, tăng cường bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình; khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
Các cơ quan, tổ chức liên quan dự họp đã nghiên cứu, thảo luận về xác định, sửa đổi, bổ sung các hành vi bạo lực gia đình; về quyền, trách nhiệm của thành viên gia đình, người bị bạo lực; trách nhiệm của cá nhân, cơ quan chức năng về phòng ngừa bạo lực gia đình; về bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình; điều kiện đảm bảo cho hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong phòng, chống bạo lực gia đình.
Những thông tin, ý kiến góp ý của đại diện các cơ quan, tổ chức tại cuộc họp sẽ được tổng hợp, làm cơ sở để Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục nghiên cứu, đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo luật tại 2 kỳ họp Quốc hội trong năm.