ĐBQH TRẦN THỊ VÂN: CẦN ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỤ THỂ VIỆC XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ PHÁT TRIỂN KHU KINH TẾ VÂN PHONG

24/05/2022

Tham gia ý kiến thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, Đại biểu Trần Thị Vân- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đề nghị cần có đánh giá tác động cụ thể và chi tiết để báo cáo Quốc hội xem xét, trước khi đưa ra quyết định về vấn đề xây dựng chính sách đặc thù phát triển Khu kinh tế Vân Phong.

 

Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa nêu rõ, dự thảo Nghị quyết được xây nhằm tạo công cụ pháp lý hữu hiệu để phát huy mọi tiềm năng, lợi thế tạo đột phá về phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 như mục tiêu Bộ Chính trị đã đặt ra tại Nghị quyết số 09-NQ/TW. Theo đó, dự thảo Nghị quyết dự kiến bố cục gồm 10 Điều, quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Khánh Hòa về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch, môi trường; tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; phát triển Khu Kinh tế Vân Phong và phát triển kinh tế biển tại tỉnh Khánh Hòa.

Tham gia ý kiến thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, đại biểu Trần Thị Vân- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh bày tỏ đồng tình nhất trí cao với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về một số các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển tỉnh Khánh Hòa nhằm hiện thực hóa Nghị quyết số 09-NQ/TW của Trung ương về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045, trong đó nói rất rõ giao cho Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo việc xây dựng thí điểm một số các cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, trong đó có tách dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi các dự án đầu tư, phân cấp quản lý cho tỉnh Khánh Hòa đảm bảo tương đồng với các thành phố lớn khác trong cả nước, phù hợp với vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Khánh Hòa trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như đảm bảo an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền quốc gia về biển đảo của Tổ quốc.

Đại biểu Trần Thị Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh tham gia ý kiến về Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa

Khánh Hòa có đặc thù về vị trí địa lý, nằm ở trung tâm các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ, giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của cả nước; có quần đảo Trường Sa, khu căn cứ quân sự Cam Ranh, tâm điểm kết nối giữa vùng Tây Nguyên với Nam Trung bộ. Phát triển tỉnh Khánh Hòa có vai trò quan trọng trong giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; tác động lan tỏa vùng miền. Đại biểu kỳ vọng việc hoàn thiện dự thảo Nghị quyết và sớm áp dụng vào thực tế sẽ giúp Khánh Hòa phát huy được nội lực, phát triển nhanh đáp ứng kỳ vọng.

Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, đại biểu cho biết, về thẩm quyền quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất, sử dụng đất rừng, khoản 1 Điều 5 dự thảo quy định: Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500ha, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng dưới 1.000ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ. Theo đại biểu, đây là một quy định mang tính đột phá và tăng tính chủ động, tạo môi trường thông thoáng để thu hút các dự án đầu tư, tạo động lực trên địa bàn tỉnh cũng như là tạo tính chủ động cho địa phương, giải quyết những vấn đề mang tính chất là yêu cầu cấp bách về quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên rừng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên để quy định đảm bảo tính hiệu quả, khả thi đại biểu đề nghị cần lưu ý 2 vấn đề:

Thứ nhất, đảm bảo chuyển đổi mục đích sử dụng đất, sử dụng đất rừng phù hợp với quy hoạch cũng như kế hoạch đã được phê duyệt, không ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội, môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh và đặc biệt là ổn định cho đời sống của nhân dân.

Thứ hai, phải gắn trách nhiệm cụ thể đối với các cá nhân cũng như các tổ chức có thẩm quyền trong việc quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất, sử dụng đất rừng, đảm bảo tính trách nhiệm và mang tính chất công khai, minh bạch và tránh trục lợi chính sách ở nội dung này.

Đối với việc nâng trần mức vay lên 60% theo khoản 2 Điều 3, đại biểu cho rằng nội dung này cũng sẽ góp phần tạo dư địa để Khánh Hòa huy động nguồn lực cần thiết, đáp ứng nhu cầu đầu tư cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đại biểu lưu ý rằng cần phải tính toán, đảm bảo được khả năng hấp thụ vốn cũng như là khả năng trả nợ ngân sách của địa phương, đồng thời phù hợp với mức bội chi ngân sách nhà nước đã được Quốc hội quyết định, ngoài ra thì không làm hạn chế dư địa vay đầu tư phát triển của các địa phương khác.

Đối với quy định tại Điều 7 của dự thảo Nghị quyết về thu hút đầu tư trong Khu kinh tế Vân Phong, đại biểu cho rằng, Quốc hội cũng đã từng xem xét dự thảo Luật Đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, tuy nhiên hiện nay việc quản lý Khu công nghiệp và Khu kinh tế thì được thực hiện theo Luật Đầu tư và đặc biệt là được thực hiện theo Nghị định 82 của Chính phủ năm 2018. Theo quy định quản lý các khu công nghiệp và khu kinh tế và các văn bản pháp luật Việt Nam, hệ thống pháp luật hiện hành không quy định các chính sách đặc thù như trong khoản 1 Điều 7. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị có đánh giá tác động cụ thể và chi tiết để báo cáo Quốc hội xem xét, trước khi đưa ra quyết định về vấn đề xây dựng cơ chế đặc thù cho Khu kinh tế Vân Phong./.

Hồ Hương