CẦN RÀ SOÁT CHẶT CHẼ ĐỂ XÁC ĐỊNH PHẠM VI, TÍNH CHẤT HOẠT ĐỘNG, CÁCH THỨC QUẢN LÝ CỦA QUỸ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN NGHỀ CÁ KHÁNH HOÀ

24/05/2022

Thảo luận tại Tổ về Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, các vị đại biểu Quốc hội cho rằng việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa là cần thiết, tuy nhiên cần rà soát chặt chẽ để xác định phạm vi, nội dung, hoạt động của Quỹ, đồng thời có chính sách thu hút đầu tư để hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển và phát triển nghề cá của tỉnh.

 

 

Toàn cảnh phiên thảo luận

Theo Báo cáo của Chính phủ, để phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển tại tỉnh Khánh Hòa cho phép thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa để bổ sung nguồn lực phục vụ việc phát triển nghề cá, đầu tư cho các hạng mục, công trình hạ tầng cảng cá, cơ sở chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá và các công trình thiết yếu khác phòng chống thiên tai, phục vụ dân sinh tại huyện Trường Sa chưa được ngân sách nhà nước đầu tư hoặc đầu tư chưa đủ.

Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa là Quỹ Quốc gia được Chính phủ thành lập và giao cho tỉnh Khánh Hòa trực tiếp quản lý. Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa được tiếp nhận từ nguồn ngân sách nhà nước của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hỗ trợ, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước và các nguồn thu hợp pháp khác. Không sử dụng ngân sách của tỉnh Khánh Hòa để hỗ trợ Quỹ. Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ cho Quỹ Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa. Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập và quy chế hoạt động của Quỹ.

Đại biểu Lê Văn Dũng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam

Thảo luận tại Tổ về nội dung này, đa số các vị đại biểu Quốc hội nhất trí với quy định thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa. Theo đó, quy định này phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế biển đã được Đảng và Nhà nước đề ra, nhằm hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển; góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Bên cạnh đó, khu vực biển đảo thuộc phạm vi tỉnh Khánh Hòa là ngư trường truyền thống rộng lớn, đa dạng về nguồn lợi thủy sản, có vị trí chiến lược về quốc phòng nhưng xa đất liền, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trên biển. Việc bổ sung nguồn lực sẽ phần nào giải quyết khó khăn này.

Bày tỏ đồng tình cao với việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa, đại biểu Lê Văn Dũng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho biết, Khánh Hoà là địa phương có tính chất đặc thù riêng so với các tỉnh khác, có sân bay, bến cảng, ba cảng biển lớn và bờ biển dài nhất miền Trung. Đặc biệt đây là tỉnh ven biển Nam Trung bộ, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng của cả nước, có nhiều tiềm năng, lợi thế để bứt phá phát triển và thúc đẩy lan tỏa tích cực đến phát triển vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Do đó, việc cho phép thành lập Quỹ để hỗ trợ ngư dân rất thiết thực, cần thiết nhằm bổ sung nguồn lực phục vụ việc phát triển nghề cá, đầu tư cho các hạng mục, công trình hạ tầng cảng cá, cơ sở chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá và các công trình thiết yếu khác phòng chống thiên tai và hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển, góp phần bảo vệ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc. Tuy nhiên, đại biểu Lê Văn Dũng cũng mong muốn Chính phủ điều hành hiệu quả, dành nguồn lực lớn để bảo đảm đạt được mục tiêu đã đề ra.

Đại biểu Phan Viết Lượng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước

Đồng tình với việc thành lập Quỹ này, tuy nhiên, đại biểu Phan Viết Lượng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước đề nghị cân nhắc việc so sánh Quỹ này tương tự như Quỹ bảo tồn di sản Huế. Theo đại biểu, hai Quỹ này chỉ giống nhau ở việc đưa vào Nghị quyết cơ chế đặc thù cho các tỉnh, nhưng cơ sở pháp lý về ý nghĩa kinh tế, chính trị khác nhau. Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hoà có ý nghĩa đặc biệt về kinh tế, chính trị và những điều khác. Bên cạnh đó, đại biểu Phan Viết Lượng đề nghị cần rà soát chặt chẽ để xác định phạm vi, nội dung, hoạt động của Quỹ. Ngoài việc thành lập Quỹ này tại Khánh Hoà, cần xem xét mở rộng phạm vi, trong trường hợp cần thiết có thể mở rộng phạm vi hoạt động và cơ chế linh hoạt cho các tỉnh khác.

Đại biểu cũng cho rằng, tỉnh Khánh Hoà ngoài tiềm năng về kinh tế biển, nuôi trồng thuỷ sản, đánh bắt thuỷ hải sản còn gắn với chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên, về kinh tế và biển đảo thì vẫn còn nhiều tỉnh khác trên cả nước có những ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Do đó, cần rà soát, cân nhắc thêm phạm vi, tính chất hoạt động và cách thức quản lý cơ chế quỹ này để đạt hiệu quả hơn nữa.

Ở khía cạnh khác, đại biểu Vương Quốc Thắng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam nêu rõ, qua giám sát, tỉnh Khánh Hoà có nhiều cảng cá lớn nhưng chưa thực hiện khai thác hết tiềm năng khi chủ yếu hoạt động theo cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp. Nếu vẫn tiếp tục theo cơ chế này thì việc đầu tư của ngân sách nhà nước và thu hút đầu tư rất khó khăn. Do đó, đại biểu đề nghị cần có cơ chế đặc thù để phát triển để phát triển tiềm năng các khu vực cảng cá. Đồng thời bổ sung chính sách thu hút đầu tư để phát triển nghề cá kết hợp với du lịch và bảo vệ môi trường, phát triển nơi đây thành các vựa đầu mối, chợ đầu mối lớn về các sản phẩm, kinh tế biển.

Phó Chủ tịch Quốc hội nguyễn Đức Hải

Lý giải cụ thể hơn về việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hoà, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, chính sách ngư dân phải sử dụng chính sách đầu tư của Nhà nước, Nhà nước hỗ trợ đầu tư qua các chương trình tín dụng, hỗ trợ bảo hiểm,…những vấn đề trên các quỹ nhỏ hỗ trợ thì hiệu quả có thể không cao. Đối với tỉnh Khánh Hoà, bên cạnh nhiệm vụ vươn khơi, bám biển còn nhiều nhiệm vụ khác, do đó thí điểm trước Quỹ này tại tỉnh Khánh Hoà. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, việc huy động các tổ chức xã hội, chỗ nào cũng huy động sẽ tản mạn nhanh; tỉnh cũng có rất nhiều tàu và ngư dân, trong khi nguồn lực còn hạn chế do đó đầu tư ngân sách nhà nước thì ngân sách không trùng lắp, tập trung có trọng tâm, trọng điểm sẽ đạt hiệu quả cao./.

Minh Thành