Đại biểu Vương Thị Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang
Theo Tờ trình của Chính phủ, việc sửa đổi Luật Thanh tra hiện hành nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng liên quan đến công tác thanh tra; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ về thanh tra, kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; khắc phục những bất cập, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Thanh tra; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) gồm 8 chương và 116 điều (trong đó bổ sung thêm 61 điều, sửa đổi 41 điều và lược bỏ 24 điều so với Luật Thanh tra năm 2010), quy định về trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong công tác thanh tra, kiểm tra; về tổ chức, chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính; về tổ chức, chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực; về thanh tra viên; về hoạt động thanh tra; về thực hiện Kết luận thanh tra; về phối hợp trong hoạt động thanh tra và việc xử lý chống chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, giữa thanh tra và kiểm toán nhà nước; về thanh tra nhân dân;...
Tham gia vào Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Vương Thị Hương tán thành với sự cần thiết xây dựng dự án Luật và nhất trí với quan điểm việc sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra 2010 nhằm khắc phục 05 hạn chế cơ bản được Chính phủ thẳng thắn chỉ ra, gây khó khăn, vướng mắc, làm giảm hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra trong Luật Thanh tra năm 2010. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu đề xuất đối với hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính cần giữ nguyên hệ thống thanh tra theo 3 cấp (Chính phủ, Tỉnh và huyện). Theo đại biểu, không nên bỏ cơ quan thanh tra cấp huyện, vì cơ quan thanh tra cấp huyện thay mặt nhà nước để thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, việc quản lý, sử dụng ngân sách; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật ở huyện, xã.
Về trình tự, thủ tục thanh tra, đại biểu nhấn mạnh, cần phân định một cách rõ ràng, không quy định chung một quy trình, thủ tục như nhau cho cả thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Bởi hai hoạt động này có sự khác biệt về tính chất, mục đích, đối tượng thanh tra, chủ thể thanh tra, về yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ đối với chủ thể có thẩm quyền tiến hành hoạt động thanh tra.
Liên quan đến trách nhiệm, cơ chế phối hợp, đại biểu đề xuất bổ sung quy định rõ trách nhiệm, cơ chế phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương, các cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong việc xây dựng định hướng, kế hoạch thanh tra nhằm lược bỏ ngay từ đầu những nội dung có nguy cơ dẫn đến chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra; chỉnh lý quy định về xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước, bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Kiểm toán nhà nước.
Ngoài ra, đại biểu còn góp ý cụ thể vào các điều, khoản của dự thảo Luật như: Nguyên tắc hoạt động thanh tra (Điều 4); Quyền và nghĩa vụ của đối tượng thanh tra, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan (Điều 7); Nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng Thanh tra Chính phủ (Điều 13); Vị trí, chức năng của Thanh tra Tổng cục, Cục và Thanh tra Bộ (Điều 15 và Điều 19); Nguyên tắc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra (Điều 52); Xây dựng dự thảo Kết luận thanh tra (Điều 83); Ban hành Kết luận thanh tra (Điều 85)…/.