Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Hoàng Ngọc Định – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang bày tỏ sự nhất trí với sự cần thiết phải ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cũng như mục đích, quan điểm chỉ đạo của Luật như đã nêu trong Tờ trình số 164 ngày 09/5/2022 của Chính phủ.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 đã tạo hành lang pháp lý, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước tại các cơ sở khám chữa bệnh, giúp xây dựng, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở và chuẩn hóa kỹ năng thực hành y khoa gắn với nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Đây cũng là đạo luật đầu tiên thể chế hóa quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về chăm sóc sức khỏe toàn dân, khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân; đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các mối quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh. Quyền và nghĩa vụ của người hành nghề được pháp luật bảo hộ. Hoạt động khám bệnh, chữa bệnh được quy định cụ thể hơn; công tác cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh nhanh và kịp thời. Sau khi nghiên cứu hồ sơ dự án Luật, đại biểu Hoàng Ngọc Định đóng góp một số ý kiến như sau:
Thứ nhất, tại Điều 21, điều kiện tham dự kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh và chữa bệnh trong khoản 2 dự thảo có quy định là việc kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh do Hội đồng Y khoa Quốc gia thực hiện. Đối với nội dung này, trước tiên là đề nghị Ban soạn thảo xem xét, điều chỉnh lại. Theo đại biểu Hoàng Ngọc Định, quy định này đồng nghĩa với việc tất cả người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đều phải trải qua kỳ kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh do Hội đồng Y khoa Quốc gia thực hiện. Phải nói đây là gánh nặng đối với Hội đồng Y khoa Quốc gia, khi vừa phải thực hiện việc đánh giá năng lực cho người hành nghề, vừa phải thực hiện nhiệm vụ cấp mới, cấp lại điều chỉnh và gia hạn giấy phép hành nghề theo quy định tại khoản 1 Điều 26 cho toàn bộ người hành nghề khám, chữa bệnh. Như vậy, ở đây cơ chế kiểm tra, giám sát liệu có minh bạch hay không, vấn đề này cần phải làm rõ hơn.
Đại biểu Hoàng Ngọc Định – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang.
Tiếp nữa, việc đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là cần thiết. Tuy nhiên, chỉ nên áp dụng kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh do Hội đồng Y khoa quốc gia thực hiện đối với người hành nghề là bác sĩ có nhu cầu cấp giấy phép hành nghề trong phạm vi toàn quốc, các đối tượng hành nghề khác nên giao về Sở Y tế, các tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá thì phù hợp hơn. Riêng đối với lực lượng vũ trang, đại biểu Hoàng Ngọc Định cũng đề nghị phải nói rõ riêng trong này là có hướng dẫn hoặc quy định riêng trong vấn đề kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Lý do thì hiện nay chính sách tiền lương đối với những người hành nghề tại những vùng thuận lợi hơn so với vùng đặc biệt khó khăn không chênh lệch nhau.
Chính sách tiền lương, các khoản phụ cấp và các vấn đề khác liên quan đến kinh phí là không chênh lệch nhiều. Vì vậy, nếu họ đã trải qua các kỳ kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh do Hội đồng Y khoa quốc gia thực hiện và được cấp giấy phép hành nghề có giá trị trong phạm vi toàn quốc. Việc thu hút những con người này về làm việc tại tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là những vùng miền núi, biên giới, hải đảo là khó khăn. Như vậy, chúng ta cũng hiểu rằng việc thiếu bác sĩ và nhân lực y tế tại những vùng khó khăn trong thời gian tới ngày càng trầm trọng hơn. Do vậy, đề nghị trong dự thảo luật có nội dung xem xét có chính sách riêng đối với việc cấp giấy phép hành nghề cho nhân lực y tế làm việc tại vùng khó khăn, vùng biên giới, hải đảo. Đại biểu Hoàng Ngọc Định cũng đề xuất đối với bác sĩ, điều dưỡng hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng có nguyện vọng làm việc tại những vùng khó khăn miền núi, biên giới, hải đảo áp dụng việc giấy cấp giấy phép hoạt động bằng hình thức xét hồ sơ do Giám đốc Sở Y tế cấp tỉnh cấp và giấy phép hành nghề này chỉ có giá trị trong phạm vi địa phương đó.
Đối với bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng có nhu cầu cấp giấy phép hành nghề có giá trị phạm vi toàn quốc thì thực hiện hình thức kiểm tra, đánh giá năng lực do Hội đồng Y khoa quốc gia thực hiện. Do vậy, khoản 2 Điều 21 đề nghị sửa đổi như sau: Việc kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh do Hội đồng Y khoa quốc gia thực hiện đối với người có văn bằng phù hợp với tổ chức danh chuyên môn quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và g khoản 1 Điều 18 của luật này làm cơ sở cấp giấy phép hành nghề có giá trị trong phạm vi toàn quốc. Giám đốc Sở Y tế cấp tỉnh kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với người có văn bản phù hợp với từng chức danh chuyên môn quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và g khoản 1 Điều 18 của Luật này làm cơ sở cấp giấy phép hành nghề có giá trị trong phạm vi cấp tỉnh.
Thứ hai, Điều 26 thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề, đình chỉ hành nghề, thu hồi giấy phép hành nghề, thu hồi giấy phép hành nghề, khoản 1 dự thảo quy định thẩm quyền cấp, thu hồi giấy phép hành nghề Hội đồng Y khoa học quốc gia với quy định này thì sẽ nảy sinh nhiều bất cập.
Đến nay, Hội đồng Y khoa quốc gia chưa có địa vị pháp lý cụ thể, nếu giao cho cơ quan này cấp giấy phép hành nghề thì khối lượng công việc phải thực hiện rất lớn. Thời gian thực hiện không kịp thời gây khó khăn trong công tác khám bệnh và thanh quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm y tế tại cơ sở. Đồng thời cũng gây khó khăn cho người hành nghề khi đề nghị cấp giấy phép hành nghề, đặc biệt là những người hành nghề tuyến y tế cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Vì vậy, khoản 1 Điều 26 đề nghị nên sửa lại là: Thẩm quyền cấp, thu hồi giấy phép hành nghề đối với người hành nghề là cơ quan có thẩm quyền được giao kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh quy định tại khoản 2 Điều 21 của Luật này.
Thứ ba, Điều 86, nội dung này tôi cũng cơ bản nhất trí với các ý kiến trước đó đã đề cập đến. Riêng cá nhân tôi dự thảo luật lần này cũng đã quy định tương đối là rõ ràng. Tuy nhiên, việc chia cấp theo khoản 1 của Điều 86, cấp ban đầu bao gồm các cơ sở khám chữa bệnh, thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, cấp cơ bản bao gồm các cơ sở thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh ngoại trú, nội trú tổng quát và cấp chuyên sâu, bao gồm các cơ sở thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh ngoại trú, nội trú chuyên sâu. Đây là điểm mới của dự thảo. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là sau khi phân cấp hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh như dự thảo luật đề ra thì việc quy định phân hạng bệnh viện còn tiếp tục được áp dụng hay không và quy định như thế nào, có cần được bổ sung trong dự thảo luật sửa đổi lần này hay không.
Ngoài ra, trước khi quyết định nội dung này, cần có sự đối chiếu với các quy định trong dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) để làm rõ việc quy định hưởng bảo hiểm y tế ở từng tuyến. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu xem xét nội dung này. Về lý do thì Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện hành trong Điều 81 đã quy định hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước có 4 tuyến gắn với tiến hành chính trung ương, tỉnh, huyện, xã và được phân theo 4 tuyến chuyên môn kỹ thuật tuyến 1, tuyến 2, tuyến 3 và tuyến 4. Đây là điều bất cập trong thanh quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, vì Luật Bảo hiểm y tế quy định dựa vào phân hạng bệnh viện để xác định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu, giá dịch vụ khám bệnh, tiền giường bệnh, bảo hiểm y tế được tính theo hạng bệnh viện, giá dịch vụ kỹ thuật được tính như nhau. Giá dịch vụ kỹ thuật thực hiện ở bệnh viện hạng 1 cũng bằng thực hiện ở bệnh viện hạng 3 thì điều này không khuyến khích được cơ sở y tế tuyến dưới phát triển.
Thứ tư là Điều 103, lộ trình thực hiện tại điểm c khoản 2 dự thảo quy định: Trong thời gian từ ngày luật có hiệu lực đến hết ngày 31 tháng 12/2029 giao Chính phủ tổ chức thí điểm giao cho cơ quan độc lập tổ chức cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Quy định như vậy nghĩa là từ ngày luật có hiệu lực đến ngày 31/12 năm 2029 mới chỉ thí điểm giao cho cơ quan độc lập tổ chức cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, vậy còn ở những địa phương chưa ra thí điểm thì giao cho cơ quan nào cấp giấy phép hành nghề? Chỗ này đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm cho rõ thêm.
Thứ năm, Điều 104 Điều khoản chuyển tiếp đối với giấy phép hành nghề, khoản 2 dự thảo quy định không cấp mới giấy phép hành nghề đối với người có văn bằng đào tạo là y sĩ kể từ ngày mùng 1/1/2025, trừ y sĩ lực thuộc lực lượng vũ trang. Vậy những người là y sĩ đã cấp chứng chỉ hành nghề theo luật năm 2009 trước ngày mùng 1/1/2025 thì xử lý việc cấp đổi, cấp lại và gia hạn như thế nào và đề nghị cần làm rõ đối với đối tượng này. Đại biểu Hoàng Ngọc Định khẳng định: Việc sửa đổi ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi lần này là vô cùng cần thiết, cũng nhằm tăng cường công tác quản lý người hành nghề và cơ sở khám chữa bệnh, bảo đảm cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh có chất lượng cao cho cộng đồng và cũng như thể chế hóa các đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc hội nhập quốc tế và chăm sóc sức khỏe toàn dân./.