THẢO LUẬN TỔ 12 VỀ DỰ ÁN LUẬT DẦU KHÍ (SỬA ĐỔI): SỬA ĐỔI LUẬT HIỆN NAY LÀ PHÙ HỢP

03/06/2022

Chiều 03/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Tại Tổ 12 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Bắc Ninh, Kiên Giang và Tp.Hải Phòng, các đại biểu Quốc hội nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Dầu khí (sửa đổi) theo mục đích, quan điểm đã nêu tại Tờ trình và các nội dung báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, nhấn mạnh việc sửa đổi luật tại thời điểm hiện nay là phù hợp.

 

Tại Tổ 12 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Bắc Ninh, Kiên Giang và Tp.Hải Phòng

Nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Dầu khí, đại biểu Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh việc sửa đổi Luật Dầu khí là rất cần thiết và quan trọng bởi trong thời gian dài nữa đây vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn trong kinh tế biển, đóng góp cho đất nước và đặc biệt bảo đảm an ninh quốc phòng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Ngọc Bảo – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho biết, trong bối cảnh thời gian qua sản lượng khai thác dầu thô nước ta đã giảm dần trong giai đoạn 2016-2020. Hệ số bù trữ lượng dầu khí thì suy giảm ở mức báo động, trữ lượng mỏ hiện hữu đã vào các giai đoạn giảm sâu. Chính vì vậy, cần có các cơ chế chính sách để thu hút đầu tư cũng như có cơ sở pháp lý để đẩy mạnh các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí. Tiềm năng về các mỏ khai thác dầu trong giai đoạn tới rất khó khăn cần phải có một hành lang pháp lý, có các cơ chế, chính sách đủ mạnh để thu hút đầu tư cũng như phát triển đối với các hoạt động dầu khí.

Cùng với đó, trong quá trình hoàn thiện thể chế, nhiều chính sách, nhiều luật mới được ban hành có liên quan đến Luật Dầu khí và hoạt động dầu khí như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý vốn đầu tư nhà nước vào doanh nghiệp hay Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng và các luật khác cũng có tác động. Cho nên, việc sửa đổi Luật Dầu khí lần này để đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật hết sức cần thiết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, cũng cần phải rà soát lại hệ thống quản lý nhà nước trong lĩnh vực dầu khí để đảm bảo cho phù hợp trong cách tiếp cận và phương thức điều hành mới của quản lý nhà nước liên quan đến hoạt động dầu khí trong giai đoạn hiện nay.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Ngọc Bảo – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh

Luật Dầu khí có một ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ liên quan đến lĩnh vực kinh tế mà còn liên quan đến lĩnh vực an ninh, quốc phòng và chủ quyền biển đảo. Trong thời gian vừa qua dầu khí là một ngành hết sức quan trọng đối với nền kinh tế nước ta. Vì vậy, việc cần phải rà soát, xem xét sửa đổi toàn diện Luật Dầu khí để đảm bảo có được cơ sở pháp lý, cơ chế, chính sách đủ mạnh để hoạt động dầu khí phát triển.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho biết, Luật Dầu khí được ban hành từ năm 1993 và đã qua hai lần sửa đổi, bổ sung đến nay cần sửa đổi toàn diện. Cơ bản thống nhất với các nội dung sửa đổi của Luật, đại biểu đề nghị lưu ý thêm về quy định: trường hợp lựa chọn tổ chức, cá nhân ký kết hợp đồng dầu khí mà không áp dụng theo quy định của pháp luật về đấu thầu vì có tính đặc thù thì dự thảo Luật phải rõ về nội dung, về quy trình, thủ tục cần được cụ thể ở đây để các tổ chức, cá nhân thực hiện.

Đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát kỹ lưỡng để bảo sự thống nhất về nội dung điều tra cơ bản trong dự thảo Luật với các quy định của Luật Khoáng sản và Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo.

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm trong dự thảo Luật là quy định về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Về cơ bản các đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết có chương riêng quy định quyền, trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ của PVN. Song nhiều đại biểu cũng đề nghị rà soát đề phân định rõ phạm vi quyền hạn và nghĩa vụ cũng như trách nhiệm của PVN.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh cho biết, với tư cách là doanh nghiệp nhà nước, cũng là một doanh nghiệp rất đặc thù, dự thảo Luật quy định theo hướng PVN vừa tổ chức điều hành, vừa triển khai điều tra cơ bản, tìm kiếm, thăm dò, khai thác tài nguyên dầu khí, vừa giám sát hợp đồng dầu khí, phê duyệt chương trình công tác ngân sách, kiểm toán chi phí. Đại biểu cho rằng với quy định như vậy gần như chu trình khép kín và chỉ trong nội bộ. Do đó đòi hỏi phải có vai trò quản lý.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh

Đại biểu cũng nhấn mạnh cần phân định rõ phạm vi quyền hạn và nghĩa vụ cũng như trách nhiệm của PVN với vai trò là nhà đầu tư dầu khí độc lập nhưng ký kết hợp đồng dầu khí và thực hiện các nhiệm vụ theo ủy quyền của Chính phủ. Đại biểu đề xuất cần có nghị định quy định về nội dung ủy quyền cho PVN đồng thời quy định rõ trách nhiệm. Đây cũng là cơ sở để giám sát thực hiện.

Làm rõ vấn đề các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng cho biết cơ quan chủ trì soạn thảo giữ tên gọi của dự án luật là Luật Dầu khí (sửa đổi) bảo đảm bảo tính kế thừa liên tục của pháp luật về dầu khí, không làm ảnh hưởng đến hoạt động dầu khí, hợp đồng dầu khí đã ký kết, đặc biệt là không để xảy ra những sự hiểu lầm đối với các nhà thầu hiện hữu.

Về phạm vi điều chỉnh, dự án Luật quy định điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí hay gọi là hoạt động thượng nguồn; không điều chỉnh hoạt động trung và hạ nguồn. Làm rõ điều này, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, tính đặc thù của hoạt động thượng nguồn được quy định trong Luật Dầu khí hiện hành và xét thấy cần phải có sửa đổi. Nếu như không có những quy định đặc thù của hoạt động này sẽ không thu hút được thành phần tham gia. Các quy định về hoạt động thượng nguồn trong Luật Dầu khí hiện hành có nhưng không đủ rõ và không bảo đảm hệ số an toàn cho hoạt động ở thượng nguồn.

Trong khi đó, các hoạt động trung và hạ nguồn bao gồm vận chuyển, xử lý chế biến dầu khí hiện nay đang điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật có liên quan như là Luật Đầu tư xây dựng, môi trường hay là đất đai. Trong quá trình triển khai thực hiện nhận thấy các hoạt động ở hạ nguồn không vướng bởi luật nên Ban soạn thảo đã điều chỉnh một cách phù hợp.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng

Làm rõ các vấn đề mà báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã nêu như về trường hợp triển khai dầu khí theo chuỗi đồng bộ, nguyên tắc áp dụng Luật Dầu khí, về điều tra cơ bản, lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, hợp đồng dầu khí, ưu đãi trong hợp đồng dầu khí, công tác quản lý nhà nước Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Kinh tế để hoàn thiện dự thảo Luật. Theo đó sẽ tiếp tục rà soát kỹ hơn về kỹ thuật soạn thảo văn bản để làm rõ nội hàm về chức năng, nhiệm vụ của PVN, với tư cách là nhà thầu độc lập ký kết hợp đồng dầu khí, thực hiện quyền, nghĩa vụ như là các nhà thầu khác theo quy định; thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của Chính phủ. Tiếp tục rà soát, cụ thể hóa tối đa dự thảo Luật những nội dung đã được kiểm nghiệm và áp dụng ổn định trong thực tiễn, bảo đảm hiệu lực thi hành của pháp luật phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bộ trưởng khẳng định Bộ Công Thương với tư cách là cơ quan chủ trì soạn thảo cùng với các bộ ngành sẽ tiếp tục tiếp thu để hoàn chỉnh trình ra Kỳ họp thứ 4 có chất lượng tốt nhất.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi - Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng

Các đại biểu tại Tổ 12

Các đại biểu tại phiên thảo luận tổ

Đại biểu Vũ Thanh Chương – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang Đỗ Thanh Bình  điều hành phiên thảo luận

Các đại biểu tại phiên thảo luận.

Bảo Yến - Phạm Thắng

Các bài viết khác