TRIỂN KHAI ĐẦY ĐỦ, KỊP THỜI CÁC CHƯƠNG TRÌNH, KẾ HOẠCH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ XỬ LÝ NỢ XẤU

03/06/2022

Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các UBND tỉnh, thành phố đã chủ động xây dựng, triển khai đầy đủ, kịp thời các chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ và chức trách được giao tại Nghị quyết số 42.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng  

Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, căn cứ quy định tại Nghị quyết số 42, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 19/7/2017 (Chỉ thị số 32) về triển khai thực hiện Nghị quyết số 42, trong đó giao nhiệm vụ cho các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh, thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết số 42 với lộ trình cụ thể bảo đảm tính khả thi, kịp thời. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các UBND tỉnh, thành phố đã chủ động xây dựng, triển khai đầy đủ, kịp thời các chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ và chức trách được giao tại Nghị quyết số 42 và Chỉ thị số 32.

Cụ thể, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nêu rõ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9/2017 hướng dẫn Ðiều 9 Nghị quyết số 42 về quyền nhận thế chấp, đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là tài sản bảo đảm của khoản nợ đã mua của VAMC.

Để giải quyết các vướng mắc trong quá trình xử lý các khoản nợ là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất để thu hồi nợ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan hoặc chủ trì tham mưu cho Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm giải quyết vấn đề nợ xấu. Tổ chức các đoàn kiểm tra công tác đăng ký, cấp Giấy chứng nhận và phối hợp với Bộ Tư pháp kiểm tra công tác đăng ký giao dịch bảo đảm tại các địa phương, trong đó, kiểm tra việc giải quyết thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản do xử lý nợ. Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có các văn bản hướng dẫn các Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng đăng ký đất đai, các tổ chức tín dụng thực hiện việc đăng ký tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng theo quy định tại Nghị quyết số 42 về thành phần hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai, thủ tục chuyển quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất chuyển từ bên thế chấp sang cho bên thứ ba…

Toàn cảnh phiên họp

Đồng thời, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan, đặc biệt là Ngân hàng nhà nước đề xuất giải pháp tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42.

Bên cạnh đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, Bộ Tư pháp đã ban hành Chương trình công tác trong lĩnh vực thi hành án dân sự (THADS), theo dõi thi hành án hành chính hàng năm, trong đó xác định việc thi hành án tín dụng là nhiệm vụ trọng tâm; ban hành Công văn số 2744/BTP-TCTHADS ngày 07/8/2017 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42 và thường xuyên có văn bản tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 42. Ban hành Kế hoạch triển khai Luật Đấu giá tài sản trong đó có quy định liên quan đến đấu giá khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu do VAMC thực hiện. Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng nhà nước cho ý kiến hướng dẫn khoản 4 Điều 65 Luật Đấu giá tài sản về thẩm định giá khởi điểm và việc thành lập Hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có giá trị lớn do VAMC tự đấu giá hoặc thuê tổ chức đấu giá thực hiện đấu giá tài sản; kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đấu giá tài sản là khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.

Bộ Tư pháp cũng đã chỉ đạo Tổng cục THADS kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai Nghị quyết số 42; tổ chức tập huấn trực tuyến về các nội dung của Nghị quyết số 42, Chỉ thị số 32 trong hệ thống cơ quan THADS; đẩy mạnh việc tổ chức thi hành các bản án, quyết định tại Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Thường xuyên chỉ đạo Tổng cục THADS tập trung đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thi hành án nhằm nâng cao hiệu quả công tác này; đồng thời, tích cực chỉ đạo các cơ quan THADS địa phương tổ chức thực hiện hiệu quả, đúng tinh thần Nghị quyết số 42 và pháp luật về THADS. Do đó, công tác thi hành án đã thu được kết quả khả quan, góp phần thúc đẩy công tác thu hồi nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Để có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh (khoản tiền hỗ trợ thuê nhà cho người phải thi hành án, khoản tiền thuế thu nhập cá nhân, khoản án phí trong các vụ việc tín dụng ngân hàng), Bộ Tư pháp đã phối hợp với các đơn vị có liên quan báo cáo Chính phủ và chỉ đạo Tổng cục THADS tham mưu ban hành văn bản hướng dẫn trong toàn hệ thống THADS.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong gần 05 năm thực hiện Nghị quyết số 42, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo Tổng cục THADS ban hành hơn 400 văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, trả lời kiến nghị và giải quyết đơn thư liên quan đến hoạt động tín dụng ngân hàng; đã phối hợp với các tổ chức tín dụng tiến hành rà soát, thực hiện kiểm tra, phúc tra nhằm đánh giá công tác phối hợp, tổ chức thi hành để kịp thời chỉ đạo và có biện pháp nâng cao hiệu quả công tác này. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, cơ quan, tổ chức liên quan, đặc biệt là Ngân hàng nhà nước để hoàn thiện hơn pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Cụ thể, Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, góp phần hạn chế hơn nguy cơ phát sinh nợ xấu, đảm bảo thuận lợi, kịp thời, minh bạch và hạn chế tối đa rủi ro pháp lý, giảm thiểu chi phí trong xử lý tài sản bảo đảm, thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu.

Đối với Bộ Công an, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Bộ dã ban hành Kế hoạch số 244/KH-BCA-A61 ngày 17/8/2017 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42 và Quyết định số 1058; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng nhà nước triển khai các biện pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 42. Bộ cũng đã tổ chức khảo sát, đánh giá công tác hỗ trợ tổ chức tín dụng đảm bảo an ninh, trật tự quá trình thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định tại Nghị quyết số 42 tại Công an một số địa phương trọng điểm. Trên cơ sở kết quả khảo sát, Bộ Công an đã có Quyết định số 9018/QĐ-BCA-A04 ngày 19/11/2019 ban hành “Quy trình công tác đảm bảo an ninh trật tự quá trình thu giữ tài sản bảo đảm theo Nghị quyết số 42” để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp đảm bảo an ninh, trật tự trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm theo Nghị quyết số 42.
Ngoài ra, Bộ cũng chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương trong toàn quốc chủ động phối hợp với các tổ chức tín dụng và VAMC triển khai đảm bảo tốt an ninh, trật tự cho hàng trăm lượt thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu với giá trị lớn, chỉ đạo Cơ quan điều tra các cấp đẩy mạnh việc điều tra; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức liên quan đẩy nhanh việc xét xử và thi hành án đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

Minh Hùng

Các bài viết khác