ĐBQH HOÀNG ANH CÔNG: TỌA ĐÀM LẬP PHÁP KHẲNG ĐỊNH TINH THẦN CHỦ ĐỘNG HỢP TÁC, CHIA SẺ KINH NGHIỆM GIỮA VIỆT NAM- HUNGARY ĐỐI VỚI CÁC VẤN ĐỀ CHUNG

02/07/2022

Theo dõi chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Hungary, đại biểu Hoàng Anh Công- Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên, Phó Trưởng Ban Dân nguyện cho rằng, thành công của Tọa đàm Lập pháp do Quốc hội hai nước phối hợp tổ chức đã khẳng định tinh thần chủ động hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm giữa Việt Nam- Hungary đối với các vấn đề chung, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Toạ đàm lập pháp giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Hungary

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi Toạ đàm lập pháp lần thứ 4 với chủ đề “Hoàn thiện khung pháp lý về giảm phát thải khí nhà kính, năng lượng tái tạo và kinh tế xanh” do Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Hungary phối hợp tổ chức, chiều 27/6/2022.

Việt Nam và Hungary đã có lịch sử 72 năm quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực như giáo dục đào tạo, pháp luật và tư pháp, văn hóa, thể thao, giao lưu nhân dân. Hai nước đã trở thành Đối tác toàn diện vào tháng 9/2018 qua chuyến thăm chính thức Hungary của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng thời có tiềm năng trong nhiều lĩnh vực như thương mại - đầu tư, nông nghiệp, y tế, du lịch, lao động…

Quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và Hungary đã và đang phát triển tốt đẹp. Hai bên cùng tích cực trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp, kể cả trong thời gian đại dịch COVID-19, hợp tác chặt chẽ, hiệu quả và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn Nghị viện đa phương, cùng nhau đóng góp nhiều sáng kiến cho các tổ chức Nghị viện khu vực và thế giới.

Tiếp nối thành công tốt đẹp của quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam – Hungary, chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tới Hungary đã tái khẳng định cam kết chính trị thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hungary phát triển sâu rộng, hiệu quả và làm sâu sắc hơn quan hệ Nghị viện giữa hai Quốc hội.

Đại biểu Hoàng Anh Công- Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội 

Theo dõi chuyến thăm này, đại biểu Hoàng Anh Công- Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên, Phó Trưởng Ban Dân nguyện cho rằng, thành công của Tọa đàm Lập pháp do Quốc hội hai nước phối hợp tổ chức đã khẳng định tinh thần chủ động hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm giữa Việt Nam- Hungary đối với các vấn đề chung, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Phóng viên: Mối quan hệ Việt Nam – Hungary đang phát triển tốt đẹp, ngày càng đi vào chiều sâu, đạt được nhiều thành quả tích cực. Đại biểu có đánh giá như thế nào về ý nghĩa chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đối với quan hệ ngoại giao hai nước?

Đại biểu Hoàng Anh Công- Phó Trưởng Ban Dân nguyện: Mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt Việt Nam – Hungary đã được đặt nền móng và xây dựng qua nhiều thế hệ. Đến nay, 72 năm kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Việt Nam đã trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của Hungary tại khu vực Đông Nam Á, trong khi Hungary cũng là đối tác tin cậy của Việt Nam tại khu vực Trung Đông Âu. Năm 2018, nhân chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Hungary, hai nước đã nâng khuôn khổ quan hệ lên “Đối tác toàn diện”, tạo tiền đề để tăng cường hợp tác, thúc đẩy đối thoại, chia sẻ, giao lưu văn hóa, kinh tế, mở ra các cơ hội lớn cho cả hai nước trong thương mại, đầu tư, liên kết phát triển giáo dục, đào tạo… Hai nước cũng tăng cường tham vấn về các vấn đề khu vực và quốc tế hai bên cùng quan tâm; hợp tác hiệu quả tại các tổ chức và diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên Hợp Quốc, Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM). Hai bên đã duy trì thường xuyên các cuộc gặp gỡ, trao đổi, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước; tăng cường tham vấn chính trị, đối thoại chiến lược trên tất cả các kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ban, ngành và địa phương. Hungary là một trong số các quốc gia đầu tiên phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).

Tiếp nối những thành công này, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là nền tảng thúc đẩy quan hệ "Đối tác toàn diện" Việt Nam-Hungary bước sang thời kỳ mới, mở ra nhiều triển vọng tiềm năng hợp tác nhiều mặt, nhấn mạnh dấu ấn ngoại giao nghị viện, ngoại giao Nhà nước trong hợp tác toàn diện, nâng cao tin cậy chính trị; thể hiện mong muốn đặt nền móng thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước trở thành hình mẫu của hợp tác nghị viện, là một trụ cột quan trọng trong quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hungary.

Chuyến thăm này cũng đã khẳng định quyết tâm chính trị của Lãnh đạo hai nước trong việc thúc đẩy hợp tác nghị viện ngày càng thực chất, hiệu quả hơn, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hungary trong bối cảnh hai nước đều đang bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid – 19. Không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ Nghị viện hai nước, với các hoạt động cụ thể và thiết thực cùng nhiều cơ quan, doanh nghiệp, chuyến thăm này còn mở ra tiềm năng hợp tác song phương trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, giáo dục và nghiên cứu khoa học.

Phóng viên: Trong chuyến thăm này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm thúc đẩy hợp tác nghị viện, gợi mở kết nối hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục. Đại biểu có đánh giá như thế nào về một số hoạt động nổi bật trong chuyến thăm này?

Đại biểu Hoàng Anh Công- Phó Trưởng Ban Dân nguyện: Theo dõi chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam, tôi nhận thấy Đoàn đã tận dụng tối đa thời gian, sắp xếp lịch trình hợp lý để tích cực tham gia, thực hiện nhiều hoạt động có ý nghĩa quan trọng. Trọng tâm của chuyến thăm là ở cuộc hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Hungary László Kövér, tại đây hai bên đã trao đổi nhiều vấn đề quan trọng về phương hướng, biện pháp để thúc đẩy phát triển quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước trong thời gian tới, nâng cao hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục đào tạo, lao động, khoa học và công nghệ. Ngay sau hội đàm cấp cao, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hungary László Kövér đã ký Thỏa thuận hợp tác mới giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Hungary.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gặp gỡ cộng đồng doanh nhân Việt Nam ở châu Âu, tiếp lãnh đạo một số doanh nghiệp Hungary đang hoạt động tại Việt Nam, dự Tọa đàm Kinh tế - thương mại – đầu tư Việt Nam- Hungary. Những cuộc gặp gỡ này thể hiện rõ tinh thần cởi mở, tích cực của Việt Nam đối với các vấn đề hợp tác thương mại, đầu tư. Xác định rõ sở trường của Hungary trong lĩnh vực nông nghiệp xanh, chế biến nông sản sạch chất lượng cao rất phù hợp với chủ trương của Việt Nam trong việc xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, tăng đầu tư cho nông nghiệp, Chủ tịch Quốc hội cũng đã đến thăm Công ty Mirelite Mirsa - một doanh nghiệp điển hình về sản xuất nông nghiệp xanh, sạch.

Không chỉ tích cực tham gia các hoạt động về lĩnh vực kinh tế, thương mại, cuộc gặp mặt cộng đồng người Việt Nam tại Hungary, tiếp Ban lãnh đạo Hội Hữu nghị Hungary - Việt Nam và sự có mặt của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Diễn đàn Hợp tác giáo dục Việt Nam – Hungary cũng để lại ấn tượng sâu sắc, gắn kết thêm tinh thần hữu nghị và mở rộng thêm tiềm năng phát triển quan hệ hai nước.

Trong các hoạt động của Chủ tịch Quốc hội tại Hungary, tôi đặc biệt chú ý tới Tọa đàm lập pháp được Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Hungary phối hợp tổ chức với chủ đề “Hoàn thiện khung pháp lý về giảm phát thải khí nhà kính, năng lượng tái tạo và kinh tế xanh”. Một trong những quyết tâm lớn của nước ta trong thời gian tới là ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải nhà kính, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, tuần hoàn. Điều này đã được thể hiện mạnh mẽ ở cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Việt Nam đã đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021. Mục tiêu thúc đẩy chuyển giao công nghệ, phát triển kinh tế xanh cũng được thể hiện nhất quán và rõ nét trong các hoạt động của Chủ tịch Quốc hội và Đoàn Việt Nam trong chuyến thăm chính thức lần này.

Phóng viên: Quan tâm đặc biệt đến Tọa đàm lập pháp về “Hoàn thiện khung pháp lý về giảm phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính, năng lượng tái tạo và kinh tế xanh”, đại biểu có đánh giá như thế nào về thông điệp của phía Việt Nam cũng như thành công mà Tọa đàm mang lại về lĩnh vực này?

Đại biểu Hoàng Anh Công- Phó Trưởng Ban Dân nguyện: Không thể phủ nhận rằng, biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ XXI vì biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái, tài nguyên môi trường và cuộc sống của con người. Biến đổi khí hậu luôn được xem là vấn đề cấp thiết, mang tính toàn cầu mà không một quốc gia, một cá nhân nào đứng ngoài cuộc bởi nó tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội và sức khỏe của con người. Hơn thế nữa, những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng hơn.

Do đó, tôi cho rằng, Tọa đàm về “Hoàn thiện khung pháp lý về giảm phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính, năng lượng tái tạo và kinh tế xanh” giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Hungary được tổ chức có ý nghĩa vô cùng thiết thực. Phát ngôn của Việt Nam tại Tọa đàm cũng khẳng định, Quốc hội luôn ủng hộ các sáng kiến của nghị viện các nước trong nỗ lực chung để ứng phó với biến đổi khí hậu tại mỗi quốc gia, cũng như trên quy mô khu vực và qui mô toàn cầu.

Tôi đánh giá, cuộc Tọa đàm lập pháp chung lần này giữa hai Quốc hội là sự kế thừa, tiếp nối của các hoạt động trước đó (Quốc hội hai nước đã 3 lần phối hợp tổ chức tòa đàm giữa hai Quốc hội vào các thời điểm tháng 4/2017, tháng 1/2019 và tháng 1/2022). Thông qua Tọa đàm, hai bên đã chia sẻ thông tin và kinh nghiệm hoạt động lập pháp phục vụ công cuộc phát triển và hội nhập của mỗi nước. Là một thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc, Việt Nam đã tham gia hầu hết các Điều ước quốc tế đa phương quan trọng liên quan đến Giảm phát thải khí nhà kính và năng lượng tái tạo, như:  Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC); Nghị định thư Kyoto (trong khuôn khổ UNFCCC) và Bản sửa đổi bổ sung Doha của Nghị định thư Kyoto; Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (COP21). Đặc biệt năm 2021, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại Vương Quốc Anh, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã khẳng định: “Mặc dù là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa trong hơn ba thập kỷ qua, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050", đồng thời tham gia nhiều cam kết, sáng kiến khác như: cam kết giảm phát thải mê-tan toàn cầu, cam kết toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch, Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất…

Sự thành công của Tọa đàm đã khẳng định đây là vấn đề mà hai bên hết sức quan tâm cùng nhau trao đổi, chia sẻ cởi mở về kinh nghiệm và cách thức lập pháp của nhau nhằm góp phần bảo đảm các công việc lập pháp về lĩnh vực này được thực hiện hiệu quả, đáp lại các thách thức của thời đại tốt hơn.

Tôi nhất trí cao với những đề xuất của phía Việt Nam đối với các giải pháp nhằm hoàn thiện khung pháp lý về giảm phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Để hiện thực hóa các mục tiêu đã đặt ra tại Tọa đàm và hướng tới phát triển bền vững của mỗi quốc gia, tôi cho rằng cần khẳng định lại một lần nữa và nhấn mạnh một số vấn đề sau:

Một là, cần nhận thức rõ những hậu quả nặng nề do biến đổi khí hậu đem lại; đây là vấn đề toàn cầu, do đó coi việc chống lại sự biến đổi khí hậu và tạo cơ chế pháp lý cho vấn đề này là hết sức quan trọng.

Hai là, khẳng định cam kết chính trị hết sức mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải nhà kính, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, tuần hoàn; đồng thời, thể hiện sự tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam trong những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế để giữ gìn, bảo vệ Trái Đất. Đây sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong thời gian tới của Việt Nam.

Ba là, Nghị viện Châu Âu (cụ thể là Nghị viện Hungary) cần tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm lập pháp, giám sát, thúc đẩy việc thực thi chính sách pháp luật về lĩnh vực này. Tăng cường hợp tác, đặc biệt là giữa các nước phát triển với các nước đang phát triển, các nước có mức thu nhập cao với các nước có mức thu nhập thấp trong việc chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ về tài chính, thúc đẩy chuyển giao công nghệ mới, công nghệ xanh trong các lĩnh vực sản xuất và đời sống xã hội, nhất là lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, xây dựng...

Bốn là, tăng cường trao đổi Đoàn các cấp giữa hai Quốc hội và trao đổi quan điểm về các vấn đề thuộc mối quan tâm chung tại các diễn đàn khu vực và quốc tế để thực hiện mục tiêu kiểm soát giảm phát thải nhà kính và chuyển đổi năng lượng tái tạo; mong muốn Hungary chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình xử lý, thực hiện các giải pháp đồng bộ để vừa đạt được mục tiêu cam kết vừa bảo đảm được sự cân bằng về lợi ích và chi phí cho nền kinh tế, cho người dân.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Bùi Hùng