CHUYẾN THĂM CỦA CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TỚI HUNGARY & VƯƠNG QUỐC ANH: MỞ RA TRIỂN VỌNG GIAO LƯU, HỢP TÁC MẠNH MẼ VỀ GIÁO DỤC- ĐÀO TẠO

02/07/2022

Theo dõi chuyến thăm chính thức Hungary và Vương Quốc Anh của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Ngọc Chiến- Nhà nghiên cứu, Giảng viên Đại học Quốc gia Seoul - Hàn Quốc cho rằng, chuyến thăm với nhiều nội dung được trao đổi, ký kết, trong đó có lĩnh vực giáo dục- đào tạo đã cho thấy sự quan tâm, chú trọng của Nhà nước ta đối với lĩnh vực này...

GS.TS Vương Đình Huệ - Chủ tịch Quốc hội dự Diễn đàn Giáo dục Việt Nam - Anh 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Diễn đàn hợp tác giáo dục Việt Nam - Vương quốc Anh

Thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại năm 2022, nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Hungary, Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện Vương quốc Anh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dẫn đầu Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thăm chính thức Hungary và Vương quốc Anh từ ngày 26/6 - 30/6/2022.

Phóng viên: Theo Tiến sĩ, chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Hungary, Anh có ý nghĩa như thế nào trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và nước bạn, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục- đào tạo?

Tiến sĩ Phạm Ngọc Chiến- Nhà nghiên cứu, Giảng viên Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc: Theo quan  điểm cá nhân của tôi nhận thấy, đây là sự kiện có ý nghĩa rất lớn góp phần duy trì và làm sâu sắc quan hệ hợp tác song phương của Việt Nam với Anh Quốc và Hungary; khẳng định sự coi trọng của Việt Nam đối với quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hungary và quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Anh. Đặc biệt, trên kênh hợp tác nghị viện, chuyến thăm này sẽ là dấu mốc quan trọng, nâng tầm hợp tác nghị viện song phương trong giai đoạn mới; tạo động lực mới cho quan hệ giữa Việt Nam với Hungary và Anh Quốc trên các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại, an ninh - quốc phòng, đặc biệt trong đó có giáo dục - đào tạo.

Tiến sĩ Phạm Ngọc Chiến- Nhà nghiên cứu, Giảng viên Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc

Tôi được biết, trong chuyến thăm tới Hungary vào chiều 27/06 tại Trường Đại học Eötvös Loránd, Thủ đô Budapest, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tham dự Diễn đàn hợp tác giáo dục Việt Nam – Hungary và chứng kiến lễ trao 7 Biên bản ghi nhớ (MOU) hợp tác giữa các trường đại học của hai nước, gồm các trường đại học hàng đầu của hai nước như: Đại học Quốc gia Hà Nội với Đại học Eotvos Lorand, Đại học Szeged; Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường đại học Obuda; Trường Đại học kinh tế quốc dân và Trường đại học Obuda; Trường Đại học Mỏ địa chất và Trường đại học Obuda; Trường Đại học Y dược Hồ Chí Minh và Trường Đại học Semmelweis; Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Corvinus, Budapest.

Đặc biệt, trong chuyến thăm đến Vương quốc Anh của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Tọa đàm về hợp tác giáo dục được tổ chức với sự tham gia của các trường Đại học hàng đầu, các tập đoàn, tổ chức giáo dục của Việt Nam và Anh nhằm thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công cuộc phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn mới.

Tôi cho rằng, đây là cơ hội lớn giúp các trường đại học của Việt nam tiếp cận, mở rộng, giao lưu, hợp tác mạnh mẽ, thực chất với các trường đại học, những tổ chức giáo dục nổi tiếng hàng đầu của Hungary và Anh Quốc. Các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đã và đang tăng cường hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, nâng cao vị thế các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam trên thế giới. Tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục của Việt Nam với Hungary và Anh Quốc còn rất lớn. Những cam kết, hợp tác mới sẽ giúp ích cho chúng ta trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ công cuộc phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam trong tương lai.  

Phóng viên: Tiến sĩ có đánh giá như thế nào về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục- đào tạo giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, đặc biệt với Hungary và Anh thời gian qua?

Tiến sĩ Phạm Ngọc Chiến- Nhà nghiên cứu, Giảng viên Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc: Việt Nam hiện đã thiết lập quan hệ hợp tác giáo dục với hơn 100 quốc gia. Theo đó, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục- đào tạo của Việt Nam thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng, giúp nâng cao hiệu quả về hợp tác quốc tế và vị thế của Việt Nam trên thế giới. Hiện nay Việt Nam vẫn đang tích cực giao lưu hợp tác trong  lĩnh vực văn hóa, giáo dục với các nước trên thế giới nhằm quảng bá hình ảnh văn hóa Việt Nam đến bạn bè thế giới cũng như tiếp thu những tinh hoa văn hóa của các nước khác. Nhất là trong lĩnh vực giáo dục, Việt Nam cũng thế, luôn tiếp thu trình độ công nghệ hiện đại và hợp tác trao đổi giáo dục- đào tạo với các nước nhằm mục đích nâng cao chất lượng giáo dục- đào tạo.

Tôi cho rằng, hợp tác văn hóa, giáo dục- đào tạo giữa Việt Nam và Hungary, cũng như Anh Quốc đang trên đà phát triển. Trong thời gian qua, Hungary và Anh Quốc là hai quốc gia đã giúp Việt Nam đào tạo hàng ngàn cán bộ, kĩ sư giỏi… Hàng năm, Hungary cũng là nước cung cấp nhiều học bổng cho sinh viên Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động quảng bá văn hóa Việt nam được tổ chức tại hai quốc gia. Hiện tại, Hungrary đang tích cực triển khai thành  lập trung tâm văn hóa Hungary tại Hà nội. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Diễn đàn hợp tác giáo dục Việt Nam - Hungary

Cũng như Hungary, Anh Quốc là một đất nước tiên tiến, phát triển mạnh về nhiều lĩnh vực, đặc biệt nền giáo dục của Anh Quốc xếp hạng hàng đầu trên thế giới với nền tảng khoa học kỹ thuật hiện đại. Đây cũng là quốc gia có số lượng lớn các trường đại học có quan hệ đối tác với các trường đại học tại Việt Nam. Hiện nay, cơ quan phát triển văn hóa giáo dục Anh đã mở tại Hà Nội, Đà Nẵng, và thành phố Hồ Chí Minh. Tôi cho rằng, đây cơ hội rất lớn để hai nước tiếp tục hợp tác sâu rộng, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, là nơi thúc đẩy các trường đại học hàng đầu của Anh liên kết đào tạo cũng như hợp tác xây dựng và phát triển các cơ sở giáo dục đại học trên lãnh thổ Việt Nam.

Phóng viên: Theo Tiến sĩ, hợp tác quốc tế về giáo dục có vai trò như thế nào để thúc đẩy sự phát triển của đất nước? Và để hợp tác giáo dục của Việt Nam với các nước trên thế giới ngày càng được mở rộng, phát triển mạnh mẽ, chính sách pháp luật của Việt Nam cần có những cơ chế như thế nào?

Tiến sĩ Phạm Ngọc Chiến- Nhà nghiên cứu, Giảng viên Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc: Trong bối cảnh hiện nay, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục là một điều tất yếu đối với nền giáo dục của đất nước chúng ta. Khi đó chúng ta có thể mang được những kiến thức tiến bộ, tinh hoa và hiện đại của các nước trên thế giới vào Việt Nam, thông qua đó chúng ta học hỏi, mở mang và đón nhận được nhiều kiến thức mới, cách giáo dục mới, tư duy mới trong giáo dục- đào tạo. Chính điều này sẽ giúp nâng cao trình độ giáo dục của Việt Nam không bị lạc hậu so với các nước khác trên thế giới, giúp nền giáo dục của chúng ta sánh ngang tầm các nước trên thế giới. Hợp tác quốc tế về giáo dục có vai trò đặc biệt để thúc đẩy sự phát triển của đất nước; giúp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, tiếp thu những trình độ và kĩ thuật hiện đại trên thế giới, đào tạo ra những cán bộ, nhân viên tri trí thức, kỹ sư giỏi với tay nghề cao... Đây là nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triến của đất nước.

Hiện nay, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu và giáo dục - đào tạo cần được xác định là chìa khóa quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp phát triển quốc gia.  Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã ghi nhận những thành công lớn trong hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo, đã có nhiều chương trình hợp tác đào tạo, dự án ODA, dự án trao đổi giáo viên, sinh viên, giảng viên và các chương trình liên kết đào tạo thực tế giữa Việt Nam và các trường của quốc gia khác.

Sau chuyến thăm chính thức của, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Hungary và Anh Quốc với nhiều nội dung quan trọng được trao đổi, ký kết, trong đó có lĩnh vực giáo dục, tôi tin tưởng các bên sẽ sớm xúc tiến, triển khai các mục tiêu đã đề ra; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục của Việt Nam với Anh Quốc và Hungary sẽ ngày càng được củng cố, phát triển mạnh mẽ và đi vào chiều sâu hơn nữa.

Để hợp tác giáo dục của Việt Nam với các nước trên thế giới ngày càng được mở rộng và phát triển, tôi cho rằng, Việt Nam cần xây dựng hành lang pháp lý thông thoáng, thủ tục đơn giản, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức giáo dục của các nước vào xây dựng và hợp tác giáo dục tại Việt Nam.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!

Thu Phương