MỞ RA GIAI ĐOẠN HỢP TÁC VỀ GIÁO DỤC ĐÀO TẠO BỀN VỮNG, HIỆU QUẢ GIỮA VIỆT NAM VÀ VƯƠNG QUỐC ANH

04/07/2022

Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Vương quốc Anh và Bắc Ireland được kỳ vọng mở ra giai đoạn hợp tác về giáo dục đào tạo bền vững, hiệu quả vì tiềm năng trên lĩnh vực này của hai nước được đánh giá là rất lớn.


PGS.TS Hoàng Văn Nghĩa: Kỳ vọng quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Vương quốc Anh góp phần thúc đẩy lợi ích chung giữa các quốc gia trên thế giới

Việt Nam và Vương quốc Anh có thể tăng cường hợp tác đào tạo xuyên quốc gia sau đại dịch Covid-19

Quan hệ hợp tác giáo dục - đào tạo giữa Việt Nam  và Vương quốc Anh được thiết lập từ năm 1989. Tháng 3/2008, hai nước ký kết Hiệp định cấp Chính phủ về hợp tác giáo dục - đào tạo. Năm 2019, Bản ghi nhớ hợp tác giáo dục giữa Chính phủ hai nước được ký kết. Trong hơn 30 năm qua, quan hệ hợp tác giáo dục - đào tạo giữa Việt Nam và Vương quốc Anh luôn đảm bảo tốc độ và mức độ phát triển phù hợp với nhu cầu và mong muốn hợp tác của hai Chính phủ cũng như các đối tác công tư của hai bên, đóng góp quan trọng cho việc đáp ứng các nhu cầu về nhân lực của nền kinh tế Việt Nam. Sự hợp tác về giáo dục và đào tạo giữa hai nước tiếp tục được khẳng định và kỳ vọng phát triển hơn nữa thông qua chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tới Vương quốc Anh và Bắc Ireland vừa qua.

Giáo dục là một trong những ưu tiên hàng đầu trong hợp tác giữa Việt Nam và Vương quốc Anh

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dự Diễn đàn hợp tác giáo dục Việt Nam - Vương quốc Anh. Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: Giáo dục là quốc sách hàng đầu tại Việt Nam, phát triển giáo dục được xác định là một trong ba khâu đột phá để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn hợp tác giáo dục Việt Nam - Vương quốc Anh.

Nhấn mạnh đến vai trò và sự quan tâm đến lĩnh vực giáo dục đào tạo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết: Hiện nay, hằng năm, Quốc hội Việt Nam đều quyết định dành đến 20% ngân sách quốc gia cho giáo dục và đào tạo. Đây là một chỉ tiêu bất di, bất dịch. Để thực hiện mục tiêu tạo bước chuyển mạnh về phát triển nguồn nhân lực, Việt Nam xác định cần chủ động hội nhập quốc tế, đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục để nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam.

Quốc hội Việt Nam cũng đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học vào năm 2018 và ban hành Luật Giáo dục năm 2019. Điều này đã tạo cơ sở pháp lý thuận lợi, thúc đẩy hợp tác và đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, kèm theo đó là luật pháp về đầu tư và doanh nghiệp đều được hoàn thiện. Đến nay, Việt Nam đã thu hút được hơn 500 dự án đầu tư của nước ngoài  trong lĩnh vực giáo dục với tổng số vốn đầu tư lên tới trên 4 tỷ USD. Mặc dù còn nhiều thách thức và khó khăn nhưng tiềm năng đầu tư vào giáo dục tại Việt Nam vẫn còn rất lớn.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Vương quốc Anh có nền giáo dục lâu đời, phát triển, thành công hàng đầu thế giới và có ảnh hưởng không nhỏ đến nền giáo dục toàn cầu. Quan hệ giữa Việt Nam và Vương quốc Anh, nhất là sau khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2010 đến nay có nhiều bước tiến tích cực trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực giáo dục.

Quốc hội Việt Nam luôn ủng hộ việc phát triển quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước, trong đó có quan hệ hợp tác trong lĩnh vực giáo dục. Diễn đàn hợp tác giáo dục Việt Nam và Vương quốc Anh sẽ mở ra một giai đoạn mới cho sự hợp tác bền vững, lâu dài, hiệu quả trong lĩnh vực giáo dục giữa hai nước. Nhất là sau những ngày ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.

Góp phần tăng cường mối quan hệ Đối tác chiến lược của hai nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng bày tỏ mong muốn quan hệ hợp tác giáo dục giữa hai nước trong thời gian tới sẽ được cụ thể hóa bằng các con số ấn tượng. Một số lĩnh vực hai bên cần quan tâm hợp tác được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề cập như: Chính phủ Anh tiếp tục hỗ trợ cho việc dạy và học tiếng Anh tại Việt Nam, trong đó có việc chia sẻ nguồn học liệu; tiếp tục tăng học bổng cho sinh viên Việt Nam ngoài số du học tự túc; tăng số lượng các chương trình liên kết đào tạo với các trường đại học có xếp hạng của Anh, trong đó có quan tâm đến lĩnh vực khoa học, công nghệ và đào tạo bậc tiến sĩ; tăng cường việc trao đổi sinh viên, giảng viên cũng như đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu giữa các trường đại học của Anh và Việt Nam.

Việt Nam khuyến khích, mong muốn và sẽ tạo mọi điều kiện để sớm có các trường uy tín của Anh mở phân hiệu tại Việt Nam. Vì vậy, đề nghị các trường đại học thực hiện ký cam kết hợp tác sẽ xây dựng kế hoạch triển khai đảm bảo thiết thực, hiệu quả; phối hợp cùng nhau thực hiện hiệu quả Đề án của Chính phủ Việt Nam về “Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030”. Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục Anh và Hiệp hội các trường đại học ở Anh đảm bảo việc hợp tác của hai bên đạt được hiệu quả cao. Còn Đại sứ quán Việt Nam tại Anh tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy hợp tác giáo dục giữa hai nước.

Đề cập về sự hợp tác về giáo dục đào tạo giữa hai nước, tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch Hạ viện Vương quốc Anh Nigel Evans khẳng định: Giáo dục là một trong những ưu tiên hàng đầu trong hợp tác giữa Việt Nam và Vương quốc Anh. Điều này được thể hiện qua con số 12.000 du học sinh của Việt Nam đang theo học tại Anh. Hiện có 40 dự án đầu tư trực tiếp trong lĩnh vực giáo dục từ Anh tới Việt Nam. Vương quốc Anh mong muốn hỗ trợ để tăng cường đào tạo ngôn ngữ tiếng Anh, phát triển chất lượng giáo viên tiếng Anh, đánh giá trình độ tiếng Anh, cũng như số hóa để có một nền giáo dục bao trùm hơn. Đặc biệt, Vương quốc Anh muốn hỗ trợ phát triển các ngành then chốt như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để giúp cho lực lượng lao động Việt Nam có thể bước vào thời kỳ số.


Toàn cảnh Diễn đàn hợp tác giáo dục Việt Nam - Vương quốc Anh.

Phó Chủ tịch Hạ viện Vương quốc Anh Nigel Evans cho biết: Năm 2020, một tuyên bố chung giữa Anh và Việt Nam đã được ký kết, Anh cam kết hỗ trợ chiến lược cải cách giáo dục của Chính phủ Việt Nam. Theo đó, cho phép các trường đại học và khối tư nhân có thêm khoản đầu tư để mang lại cơ hội giáo dục của Anh đến Việt Nam. Anh mong muốn hỗ trợ các nỗ lực tăng cường đào tạo ngôn ngữ phát triển theo chất lượng. Vì thế, các trường đại học của Anh đang tăng cường hợp tác với các trường Đại học của Việt Nam trên tinh thần này.

Ngoài ra, tháng 4/2019, hai bên đã ký kết một thỏa thuận ghi nhớ về khuôn khổ pháp lý hợp tác giáo dục giữa hai nước. Theo thỏa thuận này, hai quốc gia sẽ chia sẻ kinh nghiệm trong giáo dục đào tạo nghề tại Việt Nam; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào đào tạo nghề.  Việt Nam sẽ tập trung vào việc tăng cường chất lượng và sự hiệu quả của đào tạo nghề, để đáp ứng nhu cầu các ngành nghề sản xuất hiện đại tới năm 2030 và tương tác với các chương trình thị trường đào tạo nghề thế giới. Nước Anh sẽ chia sẻ để có thể tăng cường chất lượng của giáo dục đào tạo nghề và xây dựng các chính sách đào tạo nghề bền vững.

Hợp tác về giáo dục tiếng Anh và đào tạo đại học nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho nguồn nhân lực

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc của Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tới Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có cuộc hội đàm song phương với Bộ trưởng Bộ Giáo dục Vương quốc Anh Nadhim Zahawi.

Tại cuộc hội đàm, hai Bộ trưởng vui mừng thông báo cho nhau những kết quả hợp tác chung và kết quả hợp tác ngày càng hiệu quả, bền chặt trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo giữa hai nước trong giai đoạn vừa qua, cũng như triển vọng hợp tác trong thời gian tới. Hai Bộ trưởng cũng đã trao đổi một số nội dung cụ thể mà hai bên cùng quan tâm và mong muốn thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới như: hợp tác đào tạo đại học, sau đại học, trao đổi sinh viên, giảng viên; dạy và học tiếng Anh tại Việt Nam; chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo…

Nhấn mạnh tới việc thúc đẩy dạy và học tiếng Anh tại Việt Nam với quan điểm, tiếng Anh sẽ trở thành ngôn ngữ thứ hai, chứ không chỉ đơn thuần là một môn ngoại ngữ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn mong muốn Chính phủ Anh và Hội đồng Anh sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc phổ biến tiếng Anh cho học sinh. Trong đó, có những hỗ trợ về học liệu, bài giảng trực tiếp hoặc trực tuyến để trẻ em, học sinh ở những khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số tại Việt Nam được tiếp cận với tiếng Anh thuận lợi. Hỗ trợ để nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên tiếng Anh tại các trường sư phạm; nâng cao chất lượng giáo viên dạy tiếng Anh trong các trung tâm ngoại ngữ, cũng như kiểm soát được năng lực của đội ngũ này. Đồng thời, hỗ trợ Việt Nam về phương pháp kiểm tra đánh giá dạy và học tiếng Anh.

Đối với đào tạo đại học, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn mong muốn các trường đại học của Anh sẽ có đầu tư chiều sâu hơn ở Việt Nam, đặc biệt trong các ngành đào tạo có thế mạnh như tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin…, để trong tương lai không chỉ là các chương trình liên kết đào tạo, mà sẽ có các phân hiệu trường đại học hàng đầu của Anh được mở tại Việt Nam. Ngoài ra, các trường đại học hai bên cũng cần triển khai các nghiên cứu chung, cần có sự trao đổi sinh viên trên quy mô rộng lớn hơn.

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, thực chất các trường đại học của Việt Nam và Vương quốc Anh đang hợp tác theo chiều rộng mà chưa theo chiều sâu. Với năng lực tiếng Anh của sinh viên Việt Nam ngày càng tốt hơn, đây sẽ là tiềm năng cho sự phát triển các chương trình trao đổi ở quy mô rộng lớn hơn. Việt Nam hoàn toàn có thể đón một số lượng lớn hơn sinh viên của Anh sang học tập tại Việt Nam. Hy vọng hợp tác giáo dục và đào tạo giữa Việt Nam và Vương quốc Anh sẽ đi vào chiều sâu trong giai đoạn tới.


Bộ trưởng Bộ Giáo dục Vương quốc Anh Nadhim Zahawi.

Chia sẻ với Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn về mối quan tâm dành cho hợp tác giáo dục giữa Vương quốc Anh và Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Vương quốc Anh Nadhim Zahawi nhất trí hai bên có thể thúc đẩy hợp tác giáo dục hơn nữa, đặc biệt trong lĩnh vực chuyển đổi số trong giáo dục - lĩnh vực quan trọng không chỉ với Anh mà cả Việt Nam bởi mang lại lợi ích lớn cho việc học. Bộ trưởng Nadhim Zahawi khẳng định, Anh sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để nâng cao chất lượng giáo dục và chất lượng đào tạo giáo viên; đào tạo tiếng Anh và giáo viên tiếng Anh; nâng cao năng lực kiểm định chất lượng giáo dục.

Nhận định về sự hợp tác giáo dục và đào tạo giữa hai nước, Thạc sĩ Trần Hương Ly, Bí thư Thứ nhất phụ trách về Giáo dục, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland khẳng định: Trong các cuộc tiếp xúc song phương giữa ngành giáo dục và đào tạo hai nước, cũng như tại các diễn đàn, tọa đàm về hợp tác giáo dục, các bên tham gia đều cho rằng, hợp tác về giáo dục đào tạo giữa Việt Nam và Anh đang phát triển tốt, tuy nhiên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và hai nước có nhiều cơ hội để phát triển mối quan hệ đối tác lâu dài, bền vững và chất lượng cao về giáo dục.

Việt Nam có lợi thế mạnh mẽ về chính sách cởi mở, hội nhập quốc tế cao trong giáo dục và đào tạo cũng như sự gia tăng mạnh mẽ về nhu cầu đối với các chương trình giáo dục bằng tiếng Anh ở mọi cấp học nhằm đáp ứng nhu cầu toàn cầu hóa cũng như mô hình xây dựng công dân trẻ toàn cầu của Việt Nam để cạnh tranh với các quốc gia phát triển trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia... Từ phía Vương quốc Anh, Chính phủ nước này ưu tiên và xếp Việt Nam nằm trong số 5 nước ưu tiên trong chiến lược giáo dục quốc tế của Anh được xây dựng năm 2019. Như vậy có thể thấy, tiềm năng phát triển, hợp tác giáo dục và đào tạo giữa hai nước là rất lớn.

Việt Nam có sức hút của một thị trường người học lớn mạnh, có khả năng và sẵn sàng chi trả để nhận được các nội dung giáo dục quốc tế ở mọi bậc học. Vương quốc Anh là quốc gia xuất khẩu giáo dục hàng đầu thế giới. Nếu nhìn nhận về thương mại, ta nên thấy rằng đây không phải là ta cần nắm bắt cơ hội để hợp tác giáo dục với Anh quốc, mà hai bên cần hợp tác chặt chẽ để khai thác đúng, đủ và phù hợp với nhu cầu của hai phía. Bên phía Anh có thể thu về lợi nhuận tài chính cũng như những lợi thế vô hình về quảng bá văn hóa, giáo dục. Phía Việt Nam chúng ta cần xác định rõ các lĩnh vực trọng điểm để hợp tác giúp đôi bên cùng có lợi.


Thạc sĩ Trần Hương Ly, Bí thư Thứ nhất phụ trách về Giáo dục, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland.

Ngoài hai lĩnh vực trọng tâm đã nhắc đến ở trên là hợp tác về giáo dục đại học xuyên quốc gia và du học sinh Việt Nam tại Vương quốc Anh, Việt Nam xác định giáo dục ngoại ngữ, cụ thể là tiếng Anh là biện pháp hiệu quả nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho nguồn nhân lực trong bối cảnh toàn cầu hóa, tạo nền tảng để phổ cập giáo dục phổ thông vào năm 2025. Hội đồng Anh là cơ quan thực địa tại Việt Nam đã hỗ trợ tổ chức nhiều chương trình đào tạo tiếng Anh cho giáo viên cũng như cán bộ của các cơ quan Bộ ngành địa phương của Việt Nam cũng như kết nối hai nền giáo dục đại học Việt Nam và Vương quốc Anh. 

Ứng dụng công nghệ giáo dục tiên tiến là một trong những lĩnh vực hợp tác quốc tế ưu tiên của ngành giáo dục thời gian qua. Hợp tác về nghiên cứu khoa học ứng dụng, nghiên cứu phát triển, xây dựng các trung tâm nghiên cứu khoa học giữa các trường đại học hàng đầu của Việt Nam với các đối tác phù hợp ở Vương quốc Anh đều là những nội dung quan trọng hai bên đều quan tâm.

Về du học sinh quốc tế giữa hai nước, hiện mới chỉ có chiều từ Việt Nam sang Anh quốc hoạt động mạnh mẽ với hơn 3.500 sinh viên trong hai năm qua. Theo chiều ngược lại, hiện chỉ có 244 sinh viên Anh đã và đang học tập/thực tập tại các trường đại học hoặc công ty ở Việt Nam. Theo đại diện Cơ quan giáo dục Anh quốc, vẫn còn rất nhiều cơ hội đối với các trường đại học và công ty tại Việt Nam trong việc hợp tác và trao đổi sinh viên với các cơ sở giáo dục tại Anh thông qua Đề án Turing là một chương trình trao đổi sinh viên quốc tế. Theo đó, Chính phủ Anh sẽ tài trợ cho 35.000 sinh viên Anh ra nước ngoài học tập. Năm nay, chương trình sẽ có khoảng 200 sinh viên Anh sang Việt Nam theo chương trình này và con số này dự kiến sẽ tăng nhiều trong năm tới. Hợp tác giáo dục phổ thông, giáo dục đại học- nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và tăng cường chất lượng dạy và học tiếng Anh là những lĩnh vực được hai nước ưu tiên trong nhiều năm qua.

Thạc sĩ Trần Hương Ly nhấn mạnh: Trong bối cảnh sau đại dịch Covid-19, cũng như các điều kiện địa chính trị, kinh tế thay đổi thời gian qua, phía Việt Nam cần đánh giá thực tế tình hình và điều chỉnh để phù hợp với các điều kiện bình thường mới. Tăng cường hợp tác khai thác các công nghệ giáo dục tiên tiến nhằm cắt giảm chi phí trong công tác giảng dạy và học tập nói chung và trong lĩnh vực tiếng Anh nói riêng cho học sinh, sinh viên Việt Nam. 

Hai nước có thể tăng cường các chương trình hợp tác đào tạo xuyên quốc gia, các chương trình đào tạo kết hợp trực tuyến để khắc phục sự khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra đối với vấn đề di chuyển quốc tế cũng như các điều kiện tài chính thay đổi./.

Bích Lan