ĐOÀN ĐBQH TỈNH NAM ĐỊNH GIÁM SÁT BỔ SUNG CHUYÊN ĐỀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ

05/07/2022

Chiều 04/7, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Nam Định đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về giám sát bổ sung chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”. Đồng chí Nguyễn Hải Dũng, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì buổi giám sát.


Dự buổi giám sát có các đồng chí: Mai Thanh Long, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định; Hà Lan Anh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành thành viên UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.

Tại buổi làm việc, Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định đã giám sát tập trung làm rõ 6 lĩnh vực trọng tâm trong quản lý, sử dụng ngân sách: việc quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước và vốn đầu tư công; việc quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước; việc quản lý, khai thác tài nguyên; việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; về hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, xử lý vi phạm theo quy định Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Nam Định, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo, thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cán bộ, đảng viên. Trong việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm giai đoạn 2016-2021, tỉnh Nam Định đã thực hiện đúng theo các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước; các Nghị định, Thông tư của Chính phủ hướng dẫn thi hành; các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020, giai đoạn 2021-2025... và hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương. Từ năm 2016, tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch vốn đầu tư công trên địa bàn theo hướng từng bước điều chỉnh cơ cấu đầu tư để nâng cao hiệu quả và tích cực huy động các nguồn vốn khác cho đầu tư phát triển. Hàng năm, nguồn vốn ngân sách tỉnh luôn giữ vai trò làm nòng cốt, lồng ghép với các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ để tập trung hoàn thành nhiều công trình, dự án góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. 

Về sắp xếp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, việc sắp xếp, kiện toàn các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2015-2021 trên địa bàn tỉnh Nam Định đã giúp giảm đầu mối, giảm cấp phó, giảm các phòng, ban, đơn vị nhỏ lẻ, trùng lặp và chồng chéo chức năng, nhiệm vụ; đồng thời tinh gọn bộ máy, biên chế giúp xác định rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu. Trong công tác thanh tra, giai đoạn 2016-2021, các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra đã thực hiện 225 cuộc thanh tra kinh tế - xã hội có nội dung liên quan đến việc thực hiện các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với 316 cơ quan, tổ chức, đơn vị. Qua thanh tra, đã xử lý sai phạm về kinh tế 60,250 tỷ đồng; xử lý thu hồi 37,937 tỷ đồng; xử lý khác 22,313 tỷ đồng. Trên cơ sở kết quả thanh tra, kiểm tra, cơ quan thực hiện việc thanh tra, kiểm tra đã kiến nghị xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan để tiến hành kiểm điểm do để xảy ra những sai phạm, tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra trong kết luận thanh tra, kiểm tra.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Hà Lan Anh đã làm rõ thêm một số vấn đề về đầu tư công; việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế; quản lý tài sản Nhà nước, tài nguyên môi trường.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hải Dũng, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định đánh giá cao kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, nhất là trong quản lý, sử dụng ngân sách, sử dụng tài sản công. Đồng thời nhấn mạnh cần có kế hoạch cụ thể, kịp thời rà soát, đánh giá hiệu quả thực chất trong nghiên cứu, ứng dụng các đề tài khoa học. Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm theo luật định; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

(Theo Báo điện tử Nam Định)