TẠO ĐIỀU KIỆN CẢNH SÁT CƠ ĐỘNG THỰC HIỆN NHIỆM VỤ BẢO VỆ AN NINH QUỐC GIA, BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN XÃ HỘI

12/07/2022

Tại họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về các luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, Luật Cảnh sát cơ động được xây dựng nhằm đảm bảo phù hợp với tính chất đặc thù của Cảnh sát cơ động và yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về các Luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 3

Toàn cảnh họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về các luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 3

Giới thiệu về Luật Cảnh sát cơ động tại cuộc họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về công bố các luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết,  Luật Cảnh sát cơ động được xây dựng để đảm bảo phù hợp với tính chất đặc thù của Cảnh sát cơ động và yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới. Theo đó, Cảnh sát cơ động là lực lượng có tính chất đặc thù so với các lực lượng khác trong Công an nhân dân, được thể hiện ở một số điểm nổi bật như: Có chức năng nòng cốt áp dụng biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Nhiệm vụ chính của Cảnh sát cơ động là xây dựng các dạng phương án, thường xuyên tổ chức huấn luyện, ứng trực, đảm bảo quân số, vũ khí, trang bị sẵn sàng giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự, biểu tình, bạo loạn, khủng bố, bắt cóc con tin, trấn áp các đối tượng có hành vi phạm tội nguy hiểm, vũ trang tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự… Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Cảnh sát cơ động tác chiến theo đội hình, cơ động nhanh, đấu tranh vũ trang trực diện, xử lý những vụ việc, tình huống phức tạp mà nếu chỉ sử dụng biện pháp, lực lượng khác trong Công an nhân dân thì không giải quyết được.

Đối tượng đấu tranh của Cảnh sát cơ động đa dạng, phức tạp, số lượng đông từ các băng, ổ nhóm, tội phạm hình sự, ma túy nguy hiểm có sử dụng các loại vũ khí nóng, đến các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự, biểu tình, bạo loạn với số lượng lớn người tham gia, ngoài số đối tượng phản động, cơ hội chính trị cầm đầu xúi dục, còn có sự tham gia của đông đảo người dân bị kích động, lôi kéo. Hoạt động vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội theo chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động có liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, đến đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm. Cảnh sát cơ động ở Trung ương và địa phương được tổ chức theo mô hình đơn vị vũ trang chiến đấu tập trung, quân số đông, được trang bị nhiều loại vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật đặc chủng, hiện đại như: súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng đại liên, súng chống tăng, B40, B41, xe thiết giáp, chống đạn; tàu thủy, máy bay trực thăng… Để thực hiện nhiệm vụ đòi hỏi lực lượng Cảnh sát cơ động phải được tổ chức huấn luyện thường xuyên, chuyên sâu về võ thuật, quân sự, kỹ chiến thuật chiến đấu ở cường độ cao, trong mọi điều kiện địa hình, địa bàn, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng giới thiệu về Luật Cảnh sát cơ động

Thực tiễn trải qua gần 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng Cảnh sát cơ động đã không ngừng lớn mạnh và lập được nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội như: Tham gia chống chiến tranh xâm lược ở biên giới phía Bắc và Tây Nam; tăng cường lực lượng hỗ trợ Campuchia đấu tranh chống chế độ Khmer Đỏ năm 1978 và 1979; truy quét phản động Fulro ở Tây Nguyên những năm 1980; giải quyết các vụ việc gây rối an ninh trật tự, bạo loạn chính trị, biểu tình bất hợp pháp…; đấu tranh triệt phá các chuyên án ma túy đặc biệt nguy hiểm tại xã Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình và xã Loóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La… Trước sự manh động, hung hãn, nguy hiểm của các đối tượng phạm tội, sẵn sàng sử dụng các loại vũ khí nóng để chống trả lực lượng chức năng, Cảnh sát cơ động đã sử dụng biện pháp vũ trang với sức mạnh của lực lượng cùng với các loại vũ khí, phương tiện, công cụ hỗ trợ để tấn công trấn áp, tiêu diệt, bắt giữ, nhanh chóng ổn định tình hình. Quá trình thực hiện nhiệm vụ có nhiều cán bộ, chiến sĩ bị thương, hy sinh anh dũng để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là xung đột vũ trang, sắc tộc, tôn giáo, khủng bố quốc tế, biểu tình, bạo loạn; các mối đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống, tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia… tác động ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh, trật tự tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Các thế lực thù địch từ bên ngoài tiếp tục câu kết với các đối tượng phản động, cơ hội chính trị, cực đoan ở trong nước triệt để lợi dụng các vấn đề liên quan đến tranh chấp biển, đảo, khiếu kiện, đình công, lãn công và các vấn đề xã hội làm nảy sinh dư luận và bức xúc trong Nhân dân để tiến hành hoạt động chống phá Việt Nam. Các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm ma túy, hình sự, tội phạm sử dụng công nghệ cao; các vấn đề xã hội phát sinh do sự bùng phát và hậu quả của dịch bệnh Covid-19… vẫn là những thách thức lớn cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm bảo đảm an ninh, trật tự của Cảnh sát cơ động. Vì vậy, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho rằng, với tính chất đặc thù và yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đòi hỏi phải xây dựng các quy định ở tầm luật để điều chỉnh về hoạt động, tổ chức, trang bị, chế độ, chính sách của Cảnh sát cơ động.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cũng cho rằng, Luật Cảnh sát cơ động được xây dựng nhằm giải quyết một số vấn đề bất cập của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 4 Pháp lệnh quy định thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với chế độ chính ủy, chính trị viên ở Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động. Tuy nhiên tại Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trong đó xác định: “… thống nhất thực hiện chế độ thủ trưởng đơn vị đồng thời làm bí thư cấp ủy, kết thúc việc thực hiện quy định số 216-QĐ/TW ngày 09/12/2013 của Ban Bí thư về thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên ở Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động”. Tại khoản 3 Điều 7 Pháp lệnh quy định Cảnh sát cơ động có nhiệm vụ, quyền hạn tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật; tuy nhiên, theo quy định của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Cảnh sát cơ động không được giao nhiệm vụ tiến hành các hoạt động điều tra.

Quy định về thẩm quyền điều động Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ đã bộc lộ một số bất cập, đó là: Điều 10, Pháp lệnh quy định Tư lệnh Cảnh sát cơ động có quyền điều động các đơn vị Cảnh sát cơ động đến cấp Tiểu đoàn trực thuộc, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố thực thuộc Trung ương có quyền điều động đơn vị Cảnh sát cơ động thuộc quyền (có thể là cấp Trung đoàn như Công an TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh). Như vậy, chưa có sự tương xứng về thẩm quyền điều động so với quy mô tổ chức và quân số của Cảnh sát cơ động ở Bộ Tư lệnh và Công an địa phương. Bên cạnh đó, Pháp lệnh chưa quy định thẩm quyền của Tư lệnh và Giám đốc Công an tỉnh, thành phố thực thuộc Trung ương trong việc điều động Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ trong những trường hợp khẩn cấp, cấp bách. Vì vậy, chưa phát huy được tính kịp thời, cơ động nhanh để giải quyết các vụ việc yêu cầu cần phải xử lý ngay.

Pháp lệnh hiện hành quy định Cảnh sát cơ động được quyền trưng dụng tài sản phục vụ thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, quy định tại Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008 thì thẩm quyền này là của Bộ trưởng Bộ Công an và không phân cấp cho cấp dưới. Thực tiễn thi hành nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát cơ động, nhất là trong giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự có sự tham gia, phối hợp của nhiều lực lượng, cơ quan, tổ chức có liên quan. Tuy nhiên, Pháp lệnh Cảnh sát cơ động chưa có quy định cụ thể về công tác phối hợp giữa Cảnh sát cơ động với cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng có liên quan, nên quá trình thực hiện đã gặp nhiều lúng túng, hiệu quả chưa cao.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng nêu rõ, để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, việc xây dựng Luật Cảnh sát cơ động là cần thiết, phù hợp với yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.

Hồ Hương