KHÔNG ĐƯỢC NGĂN CHẶN, CẢN TRỞ VIỆC PHỔ BIẾN, SỬ DỤNG QUỐC KỲ, QUỐC CA, QUỐC HUY

13/07/2022

Tham gia ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội cơ bản ủng hộ việc bổ sung tại khoản 2 Điều 7 Luật Sở hữu trí tuệ nội dung tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Để hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, tại Kỳ họp thứ 3, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh, về sở hữu trí tuệ đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, việc Chính phủ trình đưa vào dự thảo luật là phù hợp với thực tiễn của nước ta hiện nay. Trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng, các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế diễn ra thường xuyên, việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca tại các sự kiện chính trị, kinh tế - xã hội, hoạt động thể dục thể thao trong và ngoài nước, trên không gian mạng ngày càng phổ biến hơn, nên việc quy định sử dụng phổ biến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca vào luật là rất cần thiết, vừa đáp ứng yêu cầu, vừa đảm bảo sự tôn nghiêm của các biểu tượng quốc gia trong đời sống xã hội, vừa đảm bảo quyền hưởng thụ của người dân. Cho biết vừa qua có sự đáng tiếc đã xảy ra trong sự kiện thể thao quốc tế về quốc ca, đại biểu nêu rõ đó là sự vi phạm tôn nghiêm của quốc gia chúng ta, do vậy, việc cấm tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ, không ngăn chặn, cản trở phổ biến sử dụng Quốc huy, Quốc kỳ, Quốc ca là rất cần thiết.

Cùng quan tâm về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Hải Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nêu rõ, Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca là đối tượng đặc biệt, là biểu tượng thiêng liêng của đất nước, chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử và cách mạng sâu sắc, là quốc thể, niềm tự hào, niềm tin và khát vọng cháy bỏng của dân tộc, là biểu tượng và tượng đài bất diệt của lòng yêu nước, sự hy sinh cao cả của biết bao thế hệ cha anh đã quên mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc, là kết tinh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, có ý nghĩa và giá trị tinh thần đặc biệt to lớn, thúc đẩy gắn kết xã hội, giáo dục thế hệ trẻ, động viên, thôi thúc, tập hợp, hiệu triệu toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại biểu Nguyễn Hải Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện về mọi mặt, các hoạt động quốc tế, đối ngoại ngày càng dày đặc, việc khai thác, sử dụng, tiếp cận trên không gian mạng ngày càng phát triển. Theo đó, việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca tại các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, dục thể, thể thao không chỉ ở trong nước, ở nước ngoài mà còn diễn ra trên không gian mạng. Vì vậy, luôn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh những vấn đề về sử dụng bản quyền, v.v. liên quan đến các đối tượng đặc biệt này.

Theo đại biểu Nguyễn Hải Anh, dưới góc độ bản quyền có thể xảy ra vụ việc nhân danh sáng tạo nghệ thuật để có hành vi cản trở, ngăn chặn sử dụng theo quy định của pháp luật đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca Việt Nam hoặc xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca Việt Nam. Lợi dụng việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan để ngăn chặn, cản trở việc tiếp cận, phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca Việt Nam thông qua các đối tượng được bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan có chứa Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca Việt Nam. Với các lý do trên, đại biểu Nguyễn Hải Anh đồng tình cao với việc bổ sung tại khoản 2 Điều 7 Luật Sở hữu trí tuệ nội dung tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.

Đại biểu nêu rõ, việc bổ sung quy định như dự thảo luật là rất cần thiết, vừa đảm bảo giữ gìn tính tôn nghiêm, sự thiêng liêng của Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca Việt Nam, vừa đáp ứng được nhu cầu phổ biến và hưởng thụ của nhân dân, yêu cầu hội nhập quốc tế và nhu cầu thực tiễn trong và ngoài nước, đồng thời, đảm bảo quy định phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật Sở hữu trí tuệ.

Đóng góp ý kiến thảo luận, đại biểu Dương Bình Phú – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên cho rằng, ủng hộ việc bổ sung quy định liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca vào Luật Sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, vấn đề bổ sung quy định này như thế nào cho phù hợp, vừa bảo đảm tính tôn nghiêm của Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, vừa bảo đảm không trái với các cam kết quốc tế về việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với các đối tượng liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, nội dung này cũng có ý kiến là đưa quy định vào Điều 27 trong các trường hợp ngoại lệ của quyền tác giả. Đại biểu thống nhất bổ sung vào Điều 7 Luật Sở hữu trí tuệ là phù hợp với 2 lý do: Được bảo đảm khái quát hơn và không chỉ là việc thực hiện quyền tác giả mà còn cả thực hiện quyền sở hữu trí tuệ khác như là quyền liên quan. Ngoài ra, quy định này phù hợp với bản chất của đối tượng liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc gia. Các chủ thể khi sáng tạo sản phẩm nghệ thuật liên quan đến đối tượng nêu trên thì quyền giới hạn thể hiện tính tôn nghiêm và quyền lực của Nhà nước.

Hồ Hương