CÁC QUYẾT ĐỊNH VỀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ CỦA BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG ĐỀU BAN HÀNH CHẬM SO VỚI QUY ĐỊNH

15/07/2022

Tại cuộc làm việc của Đoàn giám sát Quốc hội với Bộ Tài nguyên và Môi trường về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại diện Tổ công tác của Đoàn giám sát, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Minh Nam nêu rõ, phần lớn các Quyết định về Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Bộ Tài nguyên và Môi trường đều ban hành chậm so với quy định, đề nghị Bộ rà soát những tồn tại, hạn chế trong ban hành văn bản, đánh giá mức độ tác động, ảnh hưởng để có giải pháp khắc phục.

Toàn cảnh cuộc làm việc

Báo cáo kết quả rà soát sơ bộ về Báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiện, chống lãng phí (THTK,CLP) giai đoạn 2016-2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT), đại diện Tổ công tác của Đoàn giám sát Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Minh Nam cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nghiêm túc thực hiện các quy định về THTK,CLP, theo đó thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là chương trình tổng thể của Chính phủ về THTK,CLP giai đoạn 2016-2020. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Chương trình hành động về THTK,CLP hàng năm và cả giai đoạn 2016-2020; đã chỉ đạo khối cơ quan Bộ, các đơn vị trực thuộc ban hành và thực hiện Quy chế dân chủ, Quy chế chỉ tiêu nội bộ, Quy chế quản lý và sử dụng tài sản công, Quy chế sử dụng ô tô…

Bộ TN&MT đã tham mưu, trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền 01 nghị quyết, 2 luật, 36 nghị định, 12 quyết định, 232 Thông tư, 8 Thông tư liên tịch. Trong đó Bộ trưởng Bộ TN&MT đã ký ban hành 30 Thông tư quy định định mức kinh tế - kỹ thuật liên quan đến lĩnh vực quản lý của Bộ, qua đó làm cơ sở ban hành đơn giá, đẩy mạnh các hoạt động đấu thầu, đặt hàng dịch vụ công… góp phần THTK, CLP… Bộ cũng đã tham mưu, giúp Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Đo đạc và bản đồ năm 2018, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị quyết về thí điểm quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, lao động kinh tế.

Phần lớn các Quyết định về Chương trình THTK,CLP của Bộ TN&MT đều ban hành chậm so với quy định

Đại diện Tổ công tác nhấn mạnh, việc THTK,CLP của Bộ đã đạt được nhiều kết quả tích cực như: giai đoạn 2016-2021, Bộ đã quản lý, sử dụng kinh phí tiết kiệm cho NSNN; rà soát cắt giảm 60 nhiệm vụ không còn cấp bách và 11 nhiệm vụ mới đã được phê duyệt mới nhưng chưa phê duyệt dự toán; hoàn thiện hồ sơ dừng thực hiện 76 đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ, rà soát lại dự toán của 160 đề tài, kiến nghị thu hồi nộp NSNN 2.787 triệu đồng, giảm cấp phát 1.329 triệu đồng…

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, đại diện Tổ công tác cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc THTK,CLP của Bộ TN&MT thời gian qua như phần lớn các Quyết định về Chương trình THTK,CLP của Bộ đều ban hành chậm so với quy định, ảnh hưởng đến chất lượng THTK,CLP do chậm triển khai thực hiện; Thực hiện giao dự toán NSNN, kế hoạch đầu tư công hàng năm giai đoạn 2016-2018 còn chậm; vẫn còn một số nội dung báo cáo có nhận định, đánh giá về THTK,CLP nêu chung chung, chưa có số liệu chi tiết, hoặc có số liệu tổng hợp mà chưa cụ thể thông tin đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện THTK,CLP.

Mặc dù việc xây dựng, ban hành về thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ của các đơn vị thuộc Bộ được kiểm toán trong giai đoạn 2016-2021 đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng vẫn còn tình trạng có đơn vị chưa ban hành bộ định mức, đơn giá; việc ban hành còn nhiều bất cập như: xây dựng nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt làm căn cứ thanh quyết toán kinh phí thực hiện dự án; còn tình trạng trích tỷ lệ chi phí giao khoán đối với các hợp đồng dịch vụ vượt so với quy chế chi tiêu nội bộ; quản lý vật tư, vật liệu thiếu chặt chẽ; không xây dựng định mức nội bộ đối với các công việc chưa có định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá nhà nước ban hành.

Đại diện Tổ công tác của Đoàn giám sát Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Minh Nam

Đề cập đến việc thực hiện chính sách, pháp luật THTK,CLP của cả nước thuộc lĩnh vực phân công, đại diện Tổ công tác của Đoàn giám sát Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Minh Nam cho biết, Bộ TN&MT đã có thống kê việc tham mưu các văn bản theo thẩm quyền đối với từng lĩnh vực cụ thể như lĩnh vực đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên biển và hải đảo, tài nguyên đa dạng sinh học, tài nguyên khí hậu.

Trên cơ sở kết quả Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại (Nghị quyết 19-NQ/TW) và Tổng kết thi hành Luật đất đai năm 2013, đối với công tác quy hoạch, quản lý, khai thác, sử dụng đất đai Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổng hợp báo cáo các nội dung theo đúng các đề mục tại Khung đề cương của đoàn giám sát. Công tác quản lý nhà nước của Bộ cũng đã đạt được những kết quả tích cực trong quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường, công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động trong lĩnh vực quản lý.

Qua rà soát số liệu và các thông tin báo cáo thực hiện chính sách, pháp luật thực hành TKCLP của cả nước thuộc lĩnh vực phân công quản lý giai đoạn 2016-2021, Tổ công tác nhận thấy, Báo cáo đã cơ bản bám sát Khung Đề cương của Đoàn giám sát, Bộ TN&MT đã cung cấp một số thông tin về quy hoạch, quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên biển và hải đảo, về kết cấu hạ tầng quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.

Công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường vẫn là vấn đề bức xúc ở một số nơi, các số liệu, thông tin còn nêu chung chung

Tuy nhiên, báo cáo cho thấy vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như các chỉ tiêu tiết kiệm chưa được định lượng đầy đủ, chưa gắn chặt với từng nội dung công việc, từng sản phẩm cụ thể trong điều hành thực hiện dự toán ngân sách. Tiến độ xây dựng một số văn bản pháp luật vẫn còn chậm, nhiều địa phương chưa chủ động trong việc ban hành các văn bản theo thẩm quyền để xử lý các công việc tại địa phương cho phù hợp với quy định và thực tiễn.

Công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường vẫn còn là vấn đề bức xúc ở một số nơi. Khiếu kiện về đất đai tuy có giảm nhưng vẫn là vấn đề phức tạp ở nhiều địa phương. Công tác quản lý, cấp phép hoạt động khoáng sản còn nhiều tồn tại, đặc biệt là khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường. Triển khai một số quy trình, thủ tục trong quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản còn chậm; vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản còn nhiều.

Các số liệu, thông tin còn nêu chung chung, không làm rõ (chi tiết từng địa phương theo từng năm và cả giai đoạn), đó là: (i) Số liệu về diện tích đất đã giao nhưng chưa thu tiền sử dụng đất; diện tích đất đã giao nhưng sử dụng không đúng mục đích, Bộ cho rằng các chỉ tiêu này không có trong chỉ tiêu thống kê kiểm kê đất đai hàng năm; (ii) Diện tích đất hoang hóa không sử dụng hoặc chưa sử dụng; (iii) Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông, lâm nghiệp, đất dịch vụ,…; (iv) Số lượng các dự án “treo” từ trung ương đến địa phương;  qua đó có đánh giá, kết luận, kiến nghị Quốc hội các giải pháp siết chặt quản lý và xử lý tồn tại này.

Đối với công tác quy hoạch, quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên biển và hải đảo, báo cáo chưa nêu được những vấn đề còn tồn tại trong công tác, khai thác, sử dụng, chưa nêu được các giải pháp để tăng cường công tác quản lý.

Bên cạnh đó, Tổ công tác nhận thấy, có một số dự án địa phương báo cáo Tổ công tác nhưng không có trong thông tin trong danh mục báo cáo của Bộ TN&MT. Như vậy, việc quản lý các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai còn chưa đủ thông tin để quản lý, quản trị vĩ mô, tổng thể trên phạm vi cả nước cần có giải pháp khắc phục.

Đề nghị Bộ TN&MT rà soát những tồn tại, hạn chế trong ban hành văn bản, đánh giá mức độ tác động trong thực tế để có giải pháp khắc phục

Từ những tồn tại nêu trên, Tổ công tác báo cáo Đoàn Giám sát xem xét đề nghị Bộ TN&MT yêu cầu các địa phương và các cơ quan ban ngành có liên quan cung cấp thông tin để tổng hợp có số liệu trên phạm vi toàn quốc. Cụ thể:

- Thông tin số liệu diện tích đất đã giao nhưng chưa thu tiền sử dụng đất, đất đã giao nhưng sử dụng không đúng mục đích còn tồn đọng đến 31/12/2021 (và đến thời điểm hiện nay nếu cập nhật được).

- Thông tin cập nhật, bổ sung có danh mục cụ thể về dự án, diện tích đất của các dự án, công trình được Nhà nước giao, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng, chậm đưa vào sử dụng còn tồn đọng đến 31/12/2021 và đến hiện nay (nếu cập nhật được), bao gồm thông tin của Thành phố Hồ Chí Minh và Vĩnh Phúc do chưa được báo cáo. Thông tin theo danh mục cụ thể về dự án, diện tích đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục, đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời gian 24 tháng liên tục còn tồn đọng đến 31/12/2021 (và đến thời điểm hiện nay nếu cập nhật được).

- Thông tin đất nông lâm trường chưa được xem xét, xử lý hoặc đang có vướng mắc…còn tồn đọng đến 31/12/2021 (và đến thời điểm hiện nay nếu cập nhật được).

Tổ công tác cũng đề nghị Bộ TN&MT tiếp tục xem xét, rà soát để phối hợp phân tích, đánh giá sâu thêm về những hạn chế, tồn tại: (i) Trong quản lý, sử dụng các nguồn lực về đất đai, tài nguyên, môi trường; (ii) Trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý… của Bộ và gây lãng phí, thất thoát nguồn lực để sớm đề xuất những giải pháp khắc phục hiệu quả cả trong ban hành chính sách, chế độ và tổ chức thực hiện chính sách, chế độ, pháp luật.

Bên cạnh đó, Bộ TN&MT cần bố trí nhân sự phối hợp tham gia tổng hợp, biên tập, rà soát trong quá trình dự thảo và hoàn thiện Báo cáo giám sát chung của Đoàn Giám sát để đảm bảo kết quả đánh giá, nhận xét, kết luận, kiến nghị về THTKCLP thuộc lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường trong báo cáo giám sát được phản ánh trung thực, đầy đủ, khách quan, phù hợp và khả thi.

Tổ công tác kiến nghị Bộ TN&MT rà soát các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản quản lý thuộc lĩnh vực phụ trách để xác định những vướng mắc, khó khăn, điểm nghẽn nổi cộm, chủ yếu trong tổ chức thực hiện và đề xuất giải pháp tháo gỡ, khắc phục báo cáo Đoàn giám sát tổng hợp, kiến nghị chung. Đề nghị Bộ rà soát những tồn tại, hạn chế trong ban hành văn bản đã được rà soát sơ bộ và đánh giá mức độ tác động, ảnh hưởng trong thực tế thực hiện để có giải pháp khắc phục, xử lý theo quy định./.

Bích Ngọc