PHÁT TRIỂN KỸ THUẬT MỚI, ỨNG DỤNG NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ TRONG LĨNH VỰC Y TẾ

21/07/2022

Báo cáo với Tổ công tác Đoàn Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021”, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, các nghiên cứu, ứng dụng năng lượng nguyên tử được ứng dụng hiệu quả trong lĩnh vực y tế, góp phần triển khai yêu cầu của Quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong y tế đến năm 2020.

Tổ công tác Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021” làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ

Toàn cảnh cuộc làm việc của Tổ công tác Đoàn giám sát với Bộ Khoa học và Công nghệ

Tại cuộc làm việc của Tổ công tác Đoàn Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021” với Bộ Khoa học và Công nghệ, báo cáo công tác thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 của Bộ, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, đối với hướng nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và công nghệ bức xạ trong các ngành kinh tế - kỹ thuật, hiện nay đã thiết lập được quy trình chế tạo chế phẩm nano từ curcumin và chitosan bằng phương pháp chiếu xạ phối hợp xử lý hóa học để thăm dò khả năng làm lành vết thương và điều trị sẹo. Chế phẩm nano bạc/chitosan tan trong nước bằng phương pháp chiếu xạ gamma để phòng và trị bệnh cho cây trồng đã được thị trường chấp nhận. Chế tạo ra phân vi sinh dạng hạt và phân bón lá phục vụ nông nghiệp, chế tạo vật liệu nanocomposite - bạc nano/diatomite để xử lý vi sinh vật gây bệnh nhiễm trong nước nuôi cá tra và xử lý chất màu trong nước thải của nhà máy dệt nhuộn góp phần bảo vệ môi trường. Chế tạo vật liệu hydrogel từ gelatin/carboxymetyl-chitin và gelatin/carboxymetyl-chitosan làm giá thể nuôi cấy tế bào gốc (mô mỡ), chế tạo nano Selen bằng phương pháp chiếu xạ để làm thành phần bổ sung trong thức ăn nuôi tôm thẻ.

Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, Viện Năng lượng nguyên tử (NLNT) đã nghiên cứu được qui trình xử lý chiếu xạ và sàng lọc tạo chủng Trichoderma đột biến có khả năng sinh cellulase cao để tạo chế phẩm phân giải nhanh rơm rạ trên đồng ruộng góp phần hạn chế việc đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường và cải tạo độ phì nhiêu của đất nhờ đó tiết kiệm chi phí mua phân bón hóa học, tiến đến phát triển một nền nông nghiệp theo hướng hữu cơ sạch và bền vững. Xây dựng được quy trình và bộ số liệu tỷ số đồng vị bền 2H và 18O; quy trình phân tích và bộ số liệu kết quả phân tích đồng vị bền C13 (δ 13C) của mẫu mật ong góp phần phục vụ cơ quản quản lý nhà nước liên quan đến đánh giá truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy

Bên cạnh đó, Viện NLNT cũng đã nghiên cứu phương pháp chụp cắt lớp điện toán thế hệ thứ tư khảo sát đối tượng công nghiệp có kích thước< 2m; nghiên cứu thiết kế, chế tạo một mẫu máy cầm tay kiểm tra nhiễm ẩm bảo ôn bằng neutron tán xạ ngược ứng dụng trong ngành dầu khí. Nghiên cứu giải mã công nghệ, chế tạo bộ phân đoạn chất lỏng 2 pha Segmentor và hoàn thiện phương pháp FIA đo hệ số phân bố Kd của các hợp chất hữu cơ trong môi trường 2 pha hữu cơ/nước phục vụ nghiên cứu điều chế dược phẩm, nghiên cứu y khoa, nghiên cứu đánh giá và xử lý ô nhiễm môi trường, công nghệ hóa học chiết tách, công nghệ thực phẩm. Hoàn thiện một số phương pháp đo hệ số phân bố (Kd), tiến hành việc lấy mẫu dầu và nước tại mỏ Raudhatain Mauddud Reservoir (RAMA) ở phía Bắc Kuwait.

Cùng với đó, Viện đã nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị chiếu xạ gamma dùng nguồn phóng xạ đã qua sử dụng phục vụ nghiên cứu đột biến tạo giống cây trồng trong nông nghiệp. Đây là thiết bị chuyên dụng (dạng gamma cell) đầu tiên mà VINATOM chuyển giao cho ngành nông nghiệp với hy vọng và mong muốn góp phần thúc đẩy việc ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong các ngành kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Sử dụng phương pháp siêu âm để kiểm tra chất lượng cánh bơm của nhà máy; kỹ thuật dòng điện xoáy (ECT) kết hợp với các kỹ thuật về NDT được đưa vào giảng dạy và triển khai thực tiễn tại các dự án Mông Dương 2, Đào tạo PV Pipe, các đơn vị thầu phụ của ABB v.v, mở ra khả năng dịch vụ NDT mới.

Về nghiên cứu, ứng dụng NLNT trong lĩnh vực Y tế, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng NLNT trong lĩnh vực y tế đã góp phần triển khai yêu cầu của Quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong y tế đến năm 2020 (Quyết định số 1958/QĐ-TTg ngày 04/11/2011). Các kỹ thuật xạ hình bằng SPECT & SPECT/CT đối với ung thư và di căn, các bệnh tim mạch, hệ tiêu hoá, xương khớp, hô hấp... đã và đang được thực hiện có kết quả cho hàng trăm ngàn bệnh nhân mỗi năm. Nhiều kỹ thuật xạ trị hiện đại, ngang tầm khu vực và quốc tế hiện đã được triển khai tại Việt Nam như: Điều trị ung thư tế bào gan (HCC) bằng kỹ thuật gây tắc mạch bằng các vi cầu phóng xạ,... Sản xuất đồng vị phóng xạ cho y tế sử dụng Lò phản ứng Đà Lạt và các máy gia tốc cyclotron cung cấp khoảng 650Ci/năm, đáp ứng 50% nhu cầu trong nước. Các nghiên cứu điều chế thuốc phóng xạ 18F-Sodium fluoride và 32P – Chromic phosphate; nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật y học hạt nhân và xạ trị trong điều trị ung thư tuyến giáp thể biệt hóa kháng I131, ung thư thực quản, chẩn đoán và điều trị ung thư phổi, tế bào gam và một số bệnh ung thư khoang miệng.

Đối với hướng nghiên cứu chế tạo các thiết bị điện tử hạt nhân, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh, trong giai đoạn 2016 - 2020, các đơn vị đã chế tạo thành công một số thiết bị điển hình như: Máy kiểm tra nhiễm ẩm lớp bảo ôn đường ống dầu khí bằng phương pháp neutron tán xạ; Liều kế cá nhân điện tử; Liều kế cá nhân OSL đo bức xạ photon và nơtron; Thiết bị đo liều neutron có dải năng lượng từ neutron nhiệt đến trên 20MeV sử dụng đầu dò Prescila 42-41L phục vụ cơ quan quản lý nhà nước về bức xạ hạt nhân; Hệ thiết bị quan trắc phóng xạmôi trường, thiết bị kiểm tra đánh giá chất lượng máy phát tia X dùng trong Y tế và trong công nghiệp; 02 nguồn ion theo công nghệ PIG và lắp đặt thành công trên máy gia tốc KOTRON13; Thiết bị quan trắc tại hiện trường (in-situ) ô nhiễm phóng xạ Cs-134 và Cs-137 trong nước biển.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy cũng nêu một số giải pháp hữu ích đã đạt được thông qua các kết quả nghiên cứu từ các nhiệm vụ khoa học công nghệ trong và ngoài Chương trình trọng điểm cấp Bộ như: Qui trình điện phân điều chế neodim kim loại; Qui trình điện phân điều chế prazeodim kim loại và Bằng độc quyền về Quy trình chiết dung môi để tách loại đồng thời urani và thori ra khỏi dung dịch thủy luyện tinh quặng đất hiếm. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu của Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp về Giải pháp từ trường cảm ứng IMI phát hiện thành phần thép carbon trong chân mối hàn thép không gỉ tại Nhà máy Lọc- Hóa dầu Nghi Sơn, kịp thời khắc phục để đưa nhà máy vào vận hành theo tiến độ, mang lại một nguồn thu đáng kể cho việc đảm bảo hoạt động thường xuyên của Trung tâm.

Trong số các kết của được tạo ra từ các hoạt động nghiên cứu đã có một số kết quả được ứng dụng vào thực tế, phục vụ mục tiêu phát triển ngành, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ. Thông qua việc triển khai các đề tài các cấp trong và ngoài Chương trình cấp Bộ đã đạt nhiều kết quả tốt, có một số giải pháp về sở hữu trí tuệ, nhiều kết quả được đưa vào ứng dụng, thể hiện qua số công trình đăng tải trong nước và quốc tế của Viện tăng đều hàng năm (năm 2018 có 56 công trình công bố quốc tế, trong đó có 48 công trình đăng trên các tạp chí ISI, năm 2019 có 71 công trình công bố quốc tế, trong đó có 57 công trình đăng trên các tạp chí ISI).

Hồ Hương

Các bài viết khác