NGÀNH DU LỊCH MONG ĐƯỢC SỰ ĐỒNG HÀNH CỦA QUỐC HỘI TRONG THỰC HIỆN NHỮNG GIẢI PHÁP NHẰM PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH THÚC ĐẨY DU LỊCH THÔNG MINH

10/08/2022

Chiều 10/8, Phiên họp thứ 14 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Chất vấn và trả lời chất về vấn đề thuộc lĩnh vực và trách nhiệm của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Đánh giá về chất vấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc cho rằng: Ngành du lịch mong được sự đồng hành của Quốc hội trong thực hiện những giải pháp nhằm phục hồi và phát triển du lịch thúc đẩy du lịch thông minh

Tổng thuật chiều 10/8: Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn Nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực và trách nhiệm của Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch 

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc

Chuyển đổi số trong hoạt động du lịch là điều kiện cần để doanh nghiệp phát triển. Hiện nay ngành du lịch đang hướng tới mục tiêu hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh gắn kết các chủ thể từ khách du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý Nhà nước. Phát triển du lịch thông minh không chỉ mang đến những trải nghiệm thú vị, ấn tượng cho du khách mà còn tạo tính bền vững, giúp ngành du lịch không khói nhanh chóng phục hồi, phát triển sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Phóng viên: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng?

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc: Tôi thấy rằng, phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đúng trọng tâm chúng tôi quan tâm, trong đó nêu bật những khó khăn cũng như giải pháp để phục hồi, phát triển du lịch. Chúng tôi cũng rất mong được sự đồng hành của Quốc hội, của Chính phủ thực hiện những giải pháp nêu trên.

Phóng viên: Du lịch thông minh có những ưu thế gì so với hình thức du lịch truyền thống, thưa ông? Đơn cử hình thức du lịch thực tế ảo có thể thay thế hoàn toàn du lịch truyền thống hay không?

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc: Trong thời đại công nghệ số, các sản phẩm du lịch thông minh đang ngày càng được du khách ưa chuộng, chủ yếu nằm ở các yếu tố như: Mang lại sự tiện dụng, nhanh chóng, xóa bỏ khoảng cách về địa lý, không gian, thời gian, hạn chế được sự tiếp xúc trực tiếp; Mang lại trải nghiệm rất khác biệt cho du khách, ví dụ như công nghệ thực tế ảo trong các trò chơi mạo hiểm có thể tạo ra cảm giác phấn khích tột độ cho khán giả; Đối với các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận thị trường, thu hút khách hàng mục tiêu thông qua các kênh quảng bá số, mang lại cơ hội cạnh tranh cao hơn; Du lịch thông minh cũng sẽ góp phần bảo vệ môi trường du lịch thông qua các giải pháp xanh, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu rác thải, thúc đẩy hành vi văn minh, lịch sự; Với khả năng thích ứng linh hoạt, hiệu quả thông qua ứng dụng công nghệ cao, du lịch thông minh sẽ giúp ngành du lịch phát triển theo hướng bền vững hơn, có khả năng thích ứng tốt hơn trước những cuộc khủng hoảng trong tương lai.

Dù vậy, du lịch thông minh sẽ không thể thay thế hoàn toàn du lịch truyền thống. Bản chất của du lịch là trải nghiệm, khám phá thế giới, trong đó yếu tố đời sống thực tế luôn ở vị trí ưu tiên hàng đầu đối với hầu hết khách du lịch. Các yếu tố cảnh quan thiên nhiên, môi trường văn hóa, con người bản địa luôn là những điều du khách muốn tiếp xúc trực tiếp. Do vậy, các hình thức trải nghiệm du lịch truyền thống vẫn sẽ là xu hướng chủ đạo. Tuy nhiên, du lịch thông minh với năng lực về công nghệ số sẽ là sự bổ trợ rất hiệu quả giúp nâng cao trải nghiệm của du khách trong suốt hành trình du lịch. Hai hình thức này sẽ luôn song hành cùng nhau, hỗ trợ nhau chứ không loại trừ nhau.

Phóng viên: Trong thời gian vừa qua ngành du lịch đã tận dụng cơ hội nắm bắt thời cơ chuyển đổi số ứng dụng công nghệ thông tin như thế nào và đã đạt những kết quả chính như thế nào?

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc: Nắm bắt xu hướng này, từ năm 2018, Tổng cục Du lịch đã tham mưu Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025. Triển khai đề án này, với vai trò là cơ quan quản lý du lịch quốc gia, Tổng cục Du lịch đã tập trung vào các giải pháp mang tính chất nền tảng để phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam, đặt ra mục tiêu hỗ trợ các bên liên quan như địa phương, điểm đến, doanh nghiệp du lịch, khách du lịch tham gia vào hệ sinh thái du lịch thông minh, khai thác các giá trị tăng thêm từ môi trường kinh tế số.

Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ chính gồm có: Xây dựng Cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam; Xây dựng kết nối hệ thống thông tin giữa cơ quan quản lý ở trung ương, địa phương và doanh nghiệp; Ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch, phát triển điểm đến du lịch thông minh; Đẩy mạnh truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch trên các nền tảng số. Hiện nay, Tổng cục Du lịch đang tập trung chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch, trong đó sẽ có sự tham gia của cơ quan quản lý du lịch ở Trung ương, các địa phương, doanh nghiệp . Đây sẽ là nền tảng hỗ trợ đẩy nhanh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số du lịch của từng địa phương và quốc gia.

Phóng viên: Thưa ông, ngành du lịch đang đẩy mạnh vấn đề truyền thông về du lịch trên nhiều các nền tảng số. Vậy thông điệp của ngành du lịch trong thời gian tới là như thế nào?

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc: Thông điệp xuyên suốt của toàn ngành vẫn là Việt Nam – Vẻ đẹp bất tận. Ngay khi ngành du lịch mở cửa trở lại hoàn toàn từ ngày 15/3/2022, Tổng cục Du lịch đã đẩy mạnh triển khai chiến dịch truyền thông với thông điệp “Live fully in Vietnam” đối với thị trường quốc tế và “Du lịch an toàn – Trải nghiệm trọn vẹn” đối với thị trường nội địa. Chúng tôi đã phổ biến, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp du lịch trên toàn quốc triển khai các chương trình kích cầu du lịch theo định hướng trên.

Phóng viên: Thưa ông, vậy công nghệ 4.0 hỗ trợ như thế nào cho việc quảng bá du lịch thời gian vừa qua?

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc: Trong thời gian vừa qua, Tổng cục Du lịch đã triển khai mạnh mẽ truyền thông trên các nền tảng số như các website, mạng xã hội (Facebook, Youtube, Zalo...), ứng dụng Du lịch Việt Nam. Tập trung đẩy mạnh quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài thông qua website www.vietnam travel, cũng như cung cấp thông tin về chính sách mở cửa thông thoáng của Việt Nam.

Đặc biệt, Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong việc cung cấp, trao đổi thông tin, quảng bá thông tin về du lịch Việt Nam mở cửa hoàn toàn đến các thị trường quốc tế.

Ngoài ra, một chương trình truyền thông đã gây được sự chú ý trong thời gian qua mà Tổng cục Du lịch đang triển khai mạnh, đó là Việt Nam: Đi Để Yêu! quảng bá vẻ đẹp du lịch Việt Nam thông qua các video clip trên mạng xã hội YouTube. Đây là một chương trình có cách làm mới mẻ, thu hút sự tham gia của nhiều YouTuber nổi tiếng và các điểm đến, doanh nghiệp du lịch, đã mang lại hiệu quả rất tích cực.

Phóng viên: Thưa ông, một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm về vấn đề phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới, đó là làm sao để thu hút được khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam nhiều hơn giống như thời kỳ trước khi có Covid-19 trong thời gian tới. Vậy theo ông trong thời gian tới ngành du lịch cần có những giải pháp nào để du khách quốc tế quay lại Việt Nam nhiều?

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc: Sau dịch bệnh, chúng ta thấy ngành du lịch đã có những thay đổi rất đáng kể, từ xu hướng, nhu cầu thị hiếu, hành vi khách du lịch, sự giảm sút về nguồn nhân lực du lịch, tăng tốc quá trình chuyển đổi số, sự phát triển các sản phẩm du lịch mới, sự phục hồi du lịch không đồng đều giữa các quốc gia, khu vực trên thế giới...

Có thể nói chúng ta đã bước vào một giai đoạn phát triển mới, đặt ra những yêu cầu nhiệm vụ mới. Để bảo đảm sự phục hồi và phát triển bền vững của ngành du lịch trong thời gian tới, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng cần tập trung vào một số giải pháp sau: Xây dựng quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển ngành trong bối cảnh mới, tương xứng với vai trò một ngành kinh tế mũi nhọn. Đồng thời, tăng cường liên kết hợp tác trong ngành du lịch. Như tiếp tục phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới phù hợp với nhu cầu, thị hiếu đã thay đổi của khách du lịch. Thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành du lịch. Liên tục đào tạo, bổ sung nhân lực cho ngành du lịch.

Phóng viên: Thưa ông, có thể thấy trong thời gian vừa qua tuy ngành đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin như chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, có rất nhiều doanh nghiệp nữ hành như các doanh nghiệp du lịch đều thấy rằng vẫn gặp khó khăn. Theo ông những vướng mắc đó nằm ở đâu?

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc: Tất nhiên trong chương trình chuyển đổi số chúng tôi rất cố gắng nhưng để làm tốt được hơn nữa thì cần phải làm nhiều hơn nhất là công tác tuyên truyền như là nâng cao nhận thức.

Phóng viên: Thưa ông, Tổng cục Du lịch sẽ có những giải pháp hỗ trợ như nào để tháo gỡ những khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số cho các địa phương? về vấn đề bồi dưỡng đội ngũ làm du lịch để thích ứng với việc chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin thì Tổng cục có giải pháp gì không?

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc: Hiện tại trong chương trình chuyển đổi số của chúng tôi đã hỗ trợ cho các địa phương để thực hiện ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường cho thí điểm hai tỉnh Hà Giang và Thanh Hóa, đặc biệt Thanh Hóa vừa rồi đã ra mắt 4 điểm. Trong chương trình chúng tôi sẽ sớm để hỗ trợ tăng số điểm hỗ trợ lên. Đồng thời, chúng tôi hỗ trợ các tỉnh trong việc kết nối, liên thông sử dụng hệ thống của các tỉnh đã đầu tư.

Chúng tôi cùng với Trung tâm thông tin du lịch tổ chức thường xuyên lớp đào tạo, nâng cao chất lượng, hướng dẫn sử dụng và đặc biệt là theo hình thức cầm tay chỉ việc thì đối với một số địa phương.

Phóng viên: Trong thời gian tới để du lịch thực sự phát triển, đạt được mục tiêu chiến lược như chúng ta đã đề ra. Vậy chúng ta cần phải có những giải pháp ưu tiên nào?

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc: Quan trọng nhất là thể chế tháo gỡ về việc đầu tư trong ứng dụng công nghệ thông tin như bố trí nguồn lực, kể cả về nguồn lực tài chính cũng như nguồn lực nhân sự để thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số.

Để du lịch thực sự phát triển và đạt được những mục tiêu chiến lược Tổng cục Du lịch sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp ví dụ như nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch nội dung này là nguồn lực của các doanh nghiệp đầu tư và cơ quan Nhà nước trong.chương trình chuyển đổi số quốc gia được cơ quan Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Ánh Nguyệt