VẪN CÒN NHIỀU DỰ ÁN ĐƯA VÀO SỬ DỤNG CHẬM SO VỚI TIẾN ĐỘ ĐƯỢC PHÊ DUYỆT BAN ĐẦU

19/08/2022

Qua kết quả làm việc bước đầu với Bộ Giao thông vận tải về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016 – 2021”, Tổ công tác – Đoàn giám sát chỉ ra rằng, vẫn còn nhiều dự án đưa vào sử dụng chậm so với tiến độ được phê duyệt ban đầu, một số dự án kéo dài làm tăng tổng mức đầu tư lớn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chủ trì làm việc với Bộ Giao thông vận tải về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Toàn cảnh cuộc làm việc

Trên cơ sở kết quả làm việc bước đầu với Bộ Giao thông vận tải về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016 – 2021”, Tổ công tác – Đoàn giám sát cơ bản đồng tình với những đánh giá của Bộ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm. Theo đó, công tác lập, thẩm định dự toán thu chi ngân sách hàng năm được thực hiện cơ bản theo các quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn abnr hướng dẫn thi hành. Trong giai đoạn 2016-2021, Bộ đã triển khai nhiều giải pháp theo điều hành của Chính phủ, rà soát sắp xếp các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết; hạn chế tối đa tổ chức hội nghị, lễ hội, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp.

Trong lĩnh vực đầu tư, Bộ đã cơ bản bám sát những mục tiêu trọng tâm của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, quá trình phân bổ vốn đã xác định những công trình trọng tâm, trọng điểm, các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, các dự án cấp bách khắc phục hậu quả thiên tai, chương trình, dự án phát triển hạ tầng trọng điểm có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội để ưu tiên nguồn lực đầu tư.

Công tác phân bố vốn đã bám sát Luật Đầu tư công, các Nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, tập trung vốn cho các dự án chuyển tiếp, cơ bản bố trí đủ vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh trước ngày 31/12/2014, thu hồi được khoảng 50% vốn ứng trước kế hoạch các giai đoạn trước. Thực hiện cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản, trừ các công trình quan trọng quốc gia, công trình dự án nhóm A, công trình có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội. Đến nay, nhiều dự án quan trọng đã hoàn thành, đưa vào khai thác phát huy tốt hiệu quả đầu tư, cải thiện đáng kể năng lực phục vụ của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thu hút nguồn vốn khu vực ngoài nhà nước và bảo đảm phát triển hài hòa giữa các địa phương, vùng lãnh thổ.

Đại diện Tổ công tác - Đoàn giám sát đưa ra ý kiến

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, qua kết quả làm việc bước đầu, Tổ công tác đã chỉ ra những hạn chế, tồn tại như: Vẫn còn nhiều dự án đưa vào sử dụng chậm so với tiến độ được phê duyệt ban đầu, một số dự án kéo dài làm tăng tổng mức đầu tư lớn, trong đó hầu hết các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm quốc gia đều chậm tiến độ do nguyên nhân chủ yếu từ công tác giải phóng mặt bằng, bố trí nguồn vốn đã làm giảm hiệu quả của dự án, lãng phí nguồn lực.

Điển hình một số dự án: Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020: gồm 11 dự án thành phần đều chậm tiến độ so với phê duyệt ban đầu (cơ bản hoàn thành trong năm 2021), đến nay mới có 01 dự án thành phần Cao Bồ - Mai Sơn dài 15,2 km đã đưa vào khai thác đầu năm 2022, các dự án còn lại đều chậm 01-03 năm; công tác giải phóng mặt bằng còn vướng khoảng 1,40 km chưa bàn giao mặt bằng và một số công trình hạ tầng kỹ thuật chưa di dời…

Dự án đường sắt quan trọng cấp bách sử dụng nguồn vốn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 gồm 4 dự án, dự kiến khởi công cuối năm 2019, hoàn thành năm 2021. Các dự án đều chậm tiến độ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và vướng mắc trong công tác giải phòng mặt bằng nên cơ bản sẽ hoàn thành trong năm 2022, một số gói thầu đến nay vẫn chưa được bàn giao mặt bằng để thi công. Đến nay có dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Nha Trang - Sài Gòn cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng. Dự án cải tạo nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành trong năm 2022; còn lại các đoạn Hà Nội - Vinh, Vinh - Nha Trang dự kiến hoàn thành trong năm 2023…

Bên cạnh đó, Tổ công tác chỉ ra rằng, hiện nay còn tồn tại một số khoản nợ đọng phát sinh chưa được bổ trí kế hoạch vốn để xử lý, gồm 03 nhóm dự án chính sau:

Thứ nhất, nhóm các dự án có nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh trước ngày 01/01/2015 nhưng do chủ đầu tư đã giải thể, sáp nhập hoặc chuyển giao nhiệm vụ nên không được thống kê, báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí vốn thanh toán; chỉ khi các nhà thầu có đơn thư, khiếu nại mới phát hiện.

Thứ hai, nhóm các dự án phải thực hiện dừng, giãn theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ, các dự án triển khai theo quyết định, chỉ đạo của Thủ tưởng Chính phủ có nợ đọng phát sinh sau ngày 01/01/2015 nhưng có lý do khách quan do các chủ đầu tư phải tiếp tục cho thi công đến điểm dừng kỹ thuật. Thực tế, các dự án sau khi hoàn thành hoặc hoàn thành đến điểm dừng kỹ thuật đều đã phát huy được hiệu quả đầu tư. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật, phần khối lượng này chưa được xác định là nợ đọng xây dựng cơ bản nên chưa bố trí được nguồn vốn để thanh toán. Hiện nay, một số nhà thầu thi công dự án đã có nhiều đơn thư khiếu nại, được đại biểu Quốc hội phản ánh yêu cầu chủ đầu tư phải thanh toán nợ đọng.

Thứ ba, nhóm các dự án BOT phải dừng thực hiện theo Nghị quyết 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các dự án BOT không thu phí hoàn vốn được không thuộc lỗi của nhà đầu tư nhưng chưa có cơ chế thanh toán nghĩa vụ của Nhà nước cho nhà đầu tư đối với phần khối lượng công việc đã thực hiện trước thời điểm dừng thực hiện hoặc để thanh toán cho nhà đầu tư do trạm thu phí không được tiếp tục thu. Theo báo cáo của Bộ có 07 dự án BOT đang vướng mắc, phải cần bổ sung nguồn vốn ngân sách nhà nước để thảo gỡ khó khăn.

Trên cơ sở những tồn tại hạn chế chỉ ra, Tổ công tác đề nghị Bộ Giao thông vận tải cần có những kiến nghị đề xuất cụ thể về hoàn thiện chính sách pháp luật, về tổ chức thực hiện để đảm bảo triển khai có hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý và sử dụng nguồn ngân sách nhà nước một cách hiệu quả trong các năm tiếp theo.

Hồ Hương- Nghĩa Đức