Toàn cảnh cuộc hội đàm giữa Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam với Đoàn Ban Thanh niên Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản (LDP).
Chia sẻ khái quát với Đoàn Ban Thanh niên Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản (LDP) một số nội dung về bộ máy tổ chức và kinh nghiệm hoạt động của Quốc hội Việt Nam trong thời gian gần đây, Phó Chủ tịch Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Danh Tú cho biết, ngày 02 tháng 9 năm 1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngay sau đó, ngày 06 tháng 01 năm 1946 cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội khóa I đã diễn ra thành công và đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một mốc son chói lọi. Trải qua 76 năm hình thành và phát triển (1946 - 2022), với 15 khóa, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội Việt Nam đã không ngừng đổi mới, ngày càng phát triển, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Về vị trí, chức năng, cơ cấu tổ chức của Quốc hội Việt Nam
Giới thiệu về vị trí, chức năng, cơ cấu tổ chức của Quốc hội Việt Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Danh Tú nêu rõ, trên cơ sở Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.
Quốc hội bao gồm các đại biểu Quốc hội. Tổng số đại biểu Quốc hội không quá năm trăm người, bao gồm đại biểu hoạt động chuyên trách và đại biểu hoạt động không chuyên trách. Số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là bốn mươi phần trăm tổng số đại biểu Quốc hội. Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Danh Tú cho biết, nhiệm kỳ của mỗi khóa Quốc hội là 5 năm. Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ. Chủ tịch Quốc hội chủ tọa các phiên họp của Quốc hội; ký chứng thực Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; lãnh đạo công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tổ chức thực hiện quan hệ đối ngoại của Quốc hội; giữ quan hệ với các đại biểu Quốc hội. Các Phó Chủ tịch Quốc hội giúp Chủ tịch Quốc hội làm nhiệm vụ theo sự phân công của Chủ tịch Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên. Số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Quốc hội quyết định. Thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể đồng thời là thành viên Chính phủ.
Phó Chủ tịch Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Danh Tú
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Danh Tú, Quốc hội có Hội đồng Dân tộc và 09 Ủy ban. Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội là cơ quan của Quốc hội, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp thì báo cáo công tác trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 09 Ủy ban của Quốc hội bao gồm: Ủy ban Pháp luật; Ủy ban Tư pháp; Ủy ban Kinh tế; Ủy ban Tài chính, Ngân sách; Ủy ban Quốc phòng và An ninh; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; Ủy ban Xã hội; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Ủy ban Đối ngoại. Khi cần thiết, Quốc hội thành lập Ủy ban lâm thời để nghiên cứu, thẩm tra một dự án hoặc điều tra về một vấn đề nhất định.
Quốc hội có Tổng Thư ký Quốc hội. Tổng Thư ký Quốc hội do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm. Giúp việc cho Tổng thư ký Quốc hội có Ban Thư ký. Tổng Thư ký Quốc hội đồng thời là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Văn phòng Quốc hội là cơ quan hành chính, tham mưu tổng hợp, phục vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và đại biểu Quốc hội.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Danh Tú cũng nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các lĩnh vực công việc cụ thể. Hiện nay, có 03 cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội là: Ban Công tác đại biểu; Ban Dân nguyện và Viện Nghiên cứu lập pháp.
Đoàn đại biểu Quốc hội là tổ chức của các đại biểu Quốc hội được bầu tại một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc được chuyển đến công tác tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đoàn đại biểu Quốc hội có Trưởng đoàn hoặc Phó Trưởng đoàn là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Trưởng đoàn và Phó Trưởng đoàn do Đoàn đại biểu Quốc hội bầu trong số các đại biểu Quốc hội của Đoàn và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn.
Về một số kinh nghiệm hoạt động của Quốc hội Việt Nam
Từ thực tiễn hoạt động của Quốc hội trong thời gian qua, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Danh Tú đã chia sẻ một số kinh nghiệm hoạt động của Quốc hội Việt Nam được xem xét, rút ra.
Thứ nhất, quán triệt sâu sắc, thực hiện tốt đường lối đổi mới của Đảng, vì lợi ích của đất nước, của Nhân dân là yếu tố quyết định để Quốc hội hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thông qua hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát tối cao, Quốc hội đã thể chế hóa kịp thời chủ trương, nghị quyết của Đảng, phát huy trí tuệ đại biểu, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Thứ hai, quán triệt tư tưởng lấy dân làm gốc, gần dân, hiểu dân, lắng nghe dân, phục vụ dân là yêu cầu hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội nhằm hoàn thành trọng trách mà Nhân dân ủy thác. Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Danh Tú nhấn mạnh, các đại biểu Quốc hội gắn bó chặt chẽ, mật thiết với cử tri và Nhân dân; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân, bảo đảm để Quốc hội có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, bám sát sự vận động của đời sống kinh tế - xã hội.
Thứ ba, không ngừng cải tiến, đổi mới phương thức hoạt động để nâng cao chất lượng, hiệu quả. Sự đoàn kết, đổi mới, trí tuệ, trách nhiệm là yêu cầu thường xuyên, liên tục trong hoạt động của Quốc hội, là động lực quan trọng góp phần tạo nên sức mạnh, sự năng động, sáng tạo để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thực tiễn đặt ra.
Thứ tư, tăng cường vai trò, trách nhiệm, tiếp tục đổi mới hoạt động của các cơ quan của Quốc hội có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Danh Tú, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát huy tốt vai trò là cơ quan thường trực của Quốc hội. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng thẩm tra, giám sát và kiến nghị những vấn đề thuộc phạm vi phụ trách.
Thứ năm, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại của Quốc hội, tăng cường hội nhập quốc tế ngày càng chủ động, tích cực, hiệu quả, góp phần nâng cao uy tín của Quốc hội và vị thế của đất nước trên trường quốc tế; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm tốt trong hoạt động của Quốc hội các nước trên thế giới nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Thứ sáu, khai thác, ứng dụng tối đa thành tựu của khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ thông tin giúp đổi mới phương pháp, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động của Quốc hội, xây dựng thành công Quốc hội điện tử.
Thứ bảy, tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy tham mưu, giúp việc Quốc hội theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả, hiện đại là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng công tác tham mưu tổng hợp, phục vụ hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội./.