ĐBQH CẦM HÀ CHUNG: QUY ĐỊNH ĐẦY ĐỦ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC TRONG CÁC KHÂU THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ

02/09/2022

Nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ tại cơ sở trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, đại biểu Cầm Hà Chung – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ đề nghị Dự thảo Luật quy định rõ và đầy đủ trách nhiệm của chính quyền cơ sở, các cơ quan, tổ chức trong các khâu thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Đại biểu Cầm Hà Chung – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ

Tham gia ý kiến hoàn thiện Dự án Luật Thực hiện dân chủ tại cơ sở, đại biểu Cầm Hà Chung – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ bày tỏ tán thành sự cần thiết, tên gọi, bố cục của dự thảo luật, cơ bản tán thành với nội dung các chương, điều trong dự thảo luật. Đi vào một số nội dung cụ thể, về phạm vi điều chỉnh, đại biểu tán thành như quy định tại dự thảo luật, nhất là phạm vi điều chỉnh thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp. Theo đại biểu, đối với nội dung liên quan đến quan hệ lao động thì dự thảo luật đã quy định theo hướng viện dẫn, đảm bảo thống nhất, không chồng chéo với quy định của Bộ luật Lao động và các bộ luật khác có liên quan. Tuy nhiên, để xác định đầy đủ, cụ thể phạm vi điều chỉnh của luật, đại biểu đề nghị tại khoản 1 Điều 2 cân nhắc thêm khái niệm cơ sở ở 2 khía cạnh sau:

Khía cạnh thứ nhất, đại biểu đề nghị rà soát, bổ sung nội hàm còn thiếu. Theo đó, quy định "cơ quan, đơn vị sự nghiệp, Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị gọi chung là cơ quan, đơn vị" chưa bao gồm hết các cơ quan, đơn vị của tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, còn bỏ sót Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam. Ngoài ra, đại biểu đề nghị bổ sung thêm cụm từ "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam" trước cụm từ "tổ chức chính trị xã hội".

Khía cạnh thứ hai, đại biểu đề nghị xem xét đảm bảo thống nhất với các bộ luật đã ban hành và đang có hiệu lực. Cụ thể như quy định doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có thuê, mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động gọi chung là doanh nghiệp là chưa thống nhất với bộ luật khác. Vì khái niệm doanh nghiệp đã được giải thích cụ thể tại khoản 10 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020, phân biệt với khái niệm hợp tác xã được quy định tại khoản 1 Điều 3 của Luật Hợp tác xã năm 2013. Theo đại biểu, sẽ phù hợp hơn nếu gọi chung là tổ chức kinh tế, vì khoản 1 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2020 quy định "tổ chức kinh tế là tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ chức khác thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh".

Về quyền dân chủ của nhân dân, người lao động, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh chủ chốt ở cấp cơ sở do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu, quy định lấy phiếu tín nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước và việc sử dụng kết quả này, quy định quyền dân chủ của nhân dân ở thôn, tổ dân phố.

Về Thanh tra nhân dân, khoản 2 Điều 59 dự thảo luật quy định "khi cần thiết được chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước giao xác minh những vụ việc nhất định”. Theo đại biểu, quy định này vô hình trung đã biến chủ thể giám sát thành người giúp việc cho đối tượng chịu giám sát và chưa đảm bảo tính khả thi, hiệu quả trong thực tiễn. Đề nghị xem xét bỏ quy định này để đảm bảo tính độc lập trong hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân.

Về trách nhiệm tổ chức thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, thực tế cho thấy, trong Báo cáo tổng kết thi hành pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở nhiều nơi còn hình thức, nhất là đối với các nội dung, hình thức chính quyền, cơ quan, tổ chức phải công khai nội dung, hình thức, người dân, người lao động được bàn quyết định tham gia ý kiến kiểm tra. Một trong các nguyên nhân là do trách nhiệm của tập thể, cá nhân quy định trong văn bản pháp luật chưa rõ ràng, đầy đủ. Để khắc phục bất cập trên và để nhân dân, người lao động thực hiện quyền dân chủ một cách thực chất, đại biểu cho rằng cần quy định rõ và đầy đủ trách nhiệm của chính quyền cơ sở, các cơ quan, tổ chức trong các khâu thực hiện dân chủ ở cơ sở của chính quyền cấp trên cơ sở, trong việc đảm bảo các quy định thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp, trong việc đảm bảo để các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân thực hiện quyền và trách nhiệm làm chủ của mình. Quy định rõ và đầy đủ quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhấn mạnh ở khâu chủ động đề xuất các vấn đề nhân dân, người lao động bàn, quyết định, tham gia ý kiến. Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát, xem xét Điều 65, 66, 67, 69, 70, 71 theo hướng quy định rõ, cụ thể hơn. Đồng thời, loại bỏ những nội dung chung chung mang tính khẩu hiệu nhằm nâng cao trách nhiệm của hệ thống các cơ quan này trong việc đảm bảo quyền dân chủ nói chung, quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân, người lao động.

Về sự phù hợp, thống nhất giữa các quy định trong dự thảo luật và thực tiễn, khoản 2 Điều 72 áp dụng pháp luật và chuyển tiếp đối với cơ quan Đảng, Quốc hội, Tòa án, Kiểm sát, Công an, Quân đội, Mặt trận, trong khi khoản 1 Điều 2 giải thích khái niệm cơ sở đã bao hàm các cơ quan trên. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để quy định cho phù hợp, thống nhất. Theo đó, các cơ quan này cũng phải thống nhất thực hiện các quy định của luật, không nên để cơ quan có thẩm quyền của các cơ quan này quy định riêng trong nội bộ.

Khoản 1 Điều 36 tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức người lao động quy định định kỳ một năm một lần, chậm nhất trong tháng 1 của năm tiếp theo. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tính đến các cơ sở giáo dục đào tạo, bổ sung nội dung tổ chức vào tháng đầu tiên của năm học tiếp theo đối với khối giáo dục đào tạo cho phù hợp với thực tiễn của các đơn vị này.

Minh Hùng

Các bài viết khác