QUY ĐỊNH RÕ HƠN CƠ CHẾ HUY ĐỘNG, SỬ DỤNG QUỸ PHÒNG THỦ DÂN SỰ

04/09/2022

Tại Phiên họp thứ 14 ngày 16/8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Phòng thủ dân sự đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ban soạn thảo bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 15 (tháng 9/2022). Trong đó, một trong những yêu cầu đặt ra đó là, rà soát, làm rõ quy định liên quan đến Quỹ Phòng thủ dân sự; quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, quản lý Nhà nước về phòng thủ dân sự,… bảo đảm chặt chẽ, rõ ràng, cụ thể, khả thi.

 

   

Phiên họp thứ 14 (ngày 16/8/2022) Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng thủ dân sự 

Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự được bố cục thành 7 chương, 75 điều. Nội dung Luật Phòng thủ dân sự tập trung vào 6 chính sách đã được Quốc hội thông qua, như: Đánh giá mức độ rủi ro của thảm họa, sự cố trong hoạt động phòng thủ dân sự; phân công trong quản lý nhà nước và phân cấp trong tổ chức hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố; quy định các biện pháp bảo vệ người dân trước thảm họa, sự cố và hỗ trợ người dân bị thiệt hại; quy định tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự…

Theo Bộ Quốc phòng (cơ quan soạn thảo), việc xây dựng đạo luật về phòng thủ dân sự là rất cần thiết nhằm bổ khuyết vào những khoảng trống của pháp luật hiện hành, bao quát đầy đủ hơn về hoạt động phòng thủ dân sự. Cùng với đó, việc xây dựng đạo luật về phòng thủ dân sự nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho việc chủ động phòng, chống, ứng phó hiệu quả với các thảm họa, sự cố, bảo đảm an ninh, an toàn cho đất nước khi có tình huống xảy ra.

Đặc biệt, phòng thủ dân sự là lĩnh vực được nhiều quốc gia trên thế giới hết sức coi trọng và đã ban hành đạo luật riêng, tạo cơ sở để chúng ta nghiên cứu, xây dựng và ban hành Luật Phòng thủ dân sự của Việt Nam.

“Từ các lý do trên, hiện nay, việc xây dựng Luật Phòng thủ dân sự của Việt Nam đã chín muồi và rất cần thiết, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, có ý nghĩa thiết thực bảo vệ lợi ích của đất nước và nhân dân”, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương nhấn mạnh tại Phiên họp.

Quan tâm nghiên cứu về dự luật, Th.s Trần Văn Tám, nguyên Vụ trưởng, Vụ Công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội cho biết, Phòng vệ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước được tổ chức hệ thống từ Trung ương đến địa phương, cơ sở, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý thống nhất của Chính phủ; là nhiệm vụ thường xuyên, nhiều khó khăn, thậm chí nguy hiểm, bao gồm tổng thể các biện pháp phòng chống chiến tranh, thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh..., liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, rất cần sự phối hợp thống nhất, đồng bộ, trách nhiệm trong tổ chức hoạt động, cũng như nguồn lực rất lớn để triển khai tổ chức thực hiện.

Chính vì vậy, Phòng thủ dân sự và việc tăng cường năng lực phòng thủ dân sự là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên nhằm bảo đảm kết hợp phòng thủ với bảo đảm quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế xã - hội, bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân, bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và thích ứng với điều kiện hiện nay.

“Với ý nghĩa quan trọng đó, Phòng thủ dân sự luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, chú trọng, đề ra nhiều chủ trương, chính sách phù hợp, và từng bước xây dựng, hoàn thiện thể chế, trong đó có quy định về nguồn lực bảo đảm điều kiện tổ chức, hoạt động, cũng như về chế độ chính sách đối với những người tham gia phòng thủ dân sự”, Th.s Trần Văn Tám lưu ý.

Cũng theo Th.s Trần Văn Tám thông qua ngân sách Nhà nước, cùng với việc tăng cường huy động các nguồn lực xã hội ủng hộ, đóng góp, công tác phòng thủ dân sự đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần bảo vệ đất nước, giữ vũng ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Th.s Trần Văn Tám, nguyên Vụ trưởng, Vụ Công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội 

Quy định của pháp luật hiện hành         

Th.s Trần Văn Tám cho rằng, trong thời gian qua, nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan về Phòng thủ dân sự đã được ban hành và ngày càng được bổ sung hoàn thiện đầy đủ hơn những nội dung liên quan đến Phòng thủ dân sự, trong đó có quy định về nguồn lực, chế độ chính sách đối với người tham gia phòng thủ dân sự. Luật Quốc phòng năm 2005 và Nghị định số 117/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ là các văn bản pháp luật đặt nền móng cho tổ chức, hoạt động Phòng thủ dân sự được tổ chức, triển khai thống nhất từ trung ương tới địa phương.

Tiếp đó, Luật Quốc phòng số 22/2018/QH14, và Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 02 tháng 01năm 2019 của Chính phủ đã kế thừa những quy định còn phù hợp của Luật, Nghị định,  bổ sung, hoàn thiện  những quy định mới đáp ứng yêu cầu mới đặt ra.

Bên cạnh đó, Luật Dân quân tự vệ năm 2019 và Nghị định số 72/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ cũng đã quy định rất cụ thể, chi tiết về chế độ chính sách đối với lực lượng dân quân tự vệ (lực lượng bán vũ trang) trong hoạt động phòng thủ dân sự.

“Các văn bản pháp luật đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để tổ chức thực hiện công tác phòng thủ dân sự đạt những kết quả nhất định”, Th.s Trần Văn Tám nhận định.

Th.s Trần Văn Tám cho biết, Luật Quốc phòng và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, quy định v nguồn lực cho Phòng vệ dân sự. Theo đó, Nhà nước bảo đảm ngân sách cho các cơ quan, đơn vị hoạt động phòng thủ dân sự thuộc đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo; Ngân sách bảo đảm cho phòng thủ dân sự tại các doanh nghiệp; Các khoản thu hợp pháp khác theo quy định.

Nguồn lực chi đầu tư phát triển: chi đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, các công trình trú ẩn tại các khu sơ tán, các trạm tiếp nhận, kho tàng phục vụ hoạt động phòng thủ dân sự do các bộ, ngành, địa phương quản lý; chi xây dựng các công trình phòng thủ dân sự trọng điểm; chi thực hiện các dự án sản xuất, mua sắm phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác phòng thủ dân sự do các bộ, ngành, địa phương quản lý.

Chi thường xuyên: chi tiền công, chế độ chính sách, các khoản phụ cấp, các khoản đóng góp theo tiền công; chi duy trì hoạt động của các phương tiện thường trực phòng thủ dân sự; chi tập huấn, huấn luyện, diễn tập phòng thủ dân sự;chi đào tạo, nghiên cứu khoa học; chi phí tiền ăn thêm, bồi dưỡng cho các lực lượng tham gia phòng thủ dân sự.v.v..

 Ngoài ra, còn nhiều khoản chi cho các hoạt động đột xuất, phát sinh khác...

 Luật cũng quy định rõ việc sử dụng nguồn lực thông qua phân cấp chi mua sắm phương tiện, vật tư, xây dựng các công trình phòng thủ dân sự, do Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan hướng dẫn.

Chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên, chi thực hiện nhiệm vụ đột xuất phát sinh bảo đảm cho phòng thủ dân sự thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước.

Về chế độ, chính sách đối với những người tham gia phòng thủ dân sự: Pháp luật hiện hành quy định một số chế độ chính sách cơ bản đối với những người tham gia phòng vệ dân sự, như sau: Chế độ tiền lương, tiền công đối với người được huy động huấn luyện, diễn tập và làm nhiệm vụ phòng thủ dân sự; Chế độ, chính sách đối với lực lượng phòng thủ dân sự bị ốm đau, tai nạn hoặc chết; Chế độ, chính sách đối với lực lượng phòng thủ dân sự bị thương, hy sinh;

Luật Dân quân tự vệ và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, quy định về chế độ chính sách đối với lực lượng dân quân tự vệ trong hoạt động Phòng thủ dân sự, cụ thể như sau: Quy định chế độ phụ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với các chức vụ chỉ huy dân quân tự vệ; Chế độ chính sách đối với dân quân tự vệ khi làm nhiệm vụ; Chế độ chính sách đối với dân quân tự vệ bị ốm đau, bị tai nạn, chết, bị thương, hy sinh; Quy định cụ thể, chi tiết về mức hưởng chế độ phụ cấp các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ; Định mức bảo đảm chế độ, chính sách cho từng thành phần Dân quân tự vệ; Điều kiện, mức hưởng, trình tự, thủ tục và cơ quan có trách nhiệm bảo đảm kinh phí, chế độ, chính sách cho Dân quân tự vệ không tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bị ốm đau, bị tai nạn, hy sinh.

Bên cạnh đó, chế độ, chính sách đối với người tham gia Phòng thủ dân sự còn được quy định ở một số văn bản khác, như: Nghị định số 30/2017/NĐ-CP của Chính phủ, quy định chế độ, chính sách đặc thù đối với người tham gia hoạt động ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Nghị định số 83/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ chính sách đối với lực lượng phòng cháy chữa cháy.

Hoàn thiện quy định về nguồn lực, về chế độ chính sách đối với người tham gia phòng thủ dân sự

Theo Th.s Trần Văn Tám, trên cơ sở quy định của pháp luật hiện hành, việc đảm bảo nguồn lực, chế độ chính sách đối với người tham gia Phòng thủ dân sự  đã đạt được những kết quả cơ bản, quan trọng. Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện pháp luật cho thấy, có một số quy định còn chưa thật sự phù hợp hoặc chưa được đầy đủ, cụ thể, và thống nhất, trong quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn, bất cập, cần tiếp tục nghiên cứu để có quy định đầy đủ và phù hợp hơn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu đặt ra trong giai đoạn hiện nay.

Th.s Trần Văn Tám đề xuất, quy định rõ hơn cơ chế huy động Quỹ phòng thủ dân sự, cũng như cơ chế sử dụng Quỹ, để vừa góp phần bảo đảm an sinh xã hội, vừa tăng cường  hiệu quả, ý nghĩa thiết thực của nguồn tài chính này trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn hạn chế, khó khăn hiện nay.

Ngoài chế độ chính sách đối với lực lượng phòng thủ dân sự (lực lượng chuyên trách, lực lượng kiêm nhiệm), cần quy định rõ chế độ, chính sách đối với các đối tượng tham gia phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ trong quá trình phòng chống, ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố xẩy ra, tạo điều kiện huy động, khuyến khích được đông đảo các lực lượng tham gia...

Bên cạnh đó, nghiên cứu bổ sung quy định chế độ trực đối với người trực Phòng thủ dân sự, để có sự thống nhất, hài hòa về chế độ trực áp dụng ở các lĩnh vực liên quan đến nhiệm vụ Phòng thủ dân sự.        

Th.s Trần Văn Tám cũng cho rằng, Phòng thủ dân sự là hoạt động có tính chất bao trùm các lĩnh vực đời sống, xã hội, phạm vi và đối tượng điều chỉnh của Luật rộng lớn; hiện có một số lượng văn bản quy phạm pháp luật tương đối lớn (khoảng 39 luật, 80 văn bản quy phạm) có các quy định liên quan. Ở các lĩnh vực khác nhau, quy định về nguồn lực, về chế độ chính sách đối với lực lượng tham gia phòng thủ dân sự, vì thế cũng rất đa dạng, phức tạp. Do đó, cần rà soát, đối chiếu kỹ các quy định của dự thảo luật phòng thủ dân sự (có thể xem như là Luật cái, Luật mẹ) với các quy định trong các văn bản pháp luật liên quan khác, xác định rõ những quy định có tính chất bao trùm, chi phối, những quy định tương đồng, để tránh sự trùng lắp, chồng chéo, mâu thuẫn hoặc bỏ trống quy định, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về Phòng thủ dân sự./.

Lê Anh