ĐẨY MẠNH HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT, KHẢO SÁT TRONG LĨNH VỰC VĂN HÓA, GIÁO DỤC

07/09/2022

Thời gian qua, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã tích cực triển khai nhiều hoạt động giám sát tại địa phương . Trong những tháng cuối năm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết sẽ Ủy ban sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động này trong thời gian tới.

Giám sát trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục được triển khai tích cực

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng cho biết, trong những tháng đầu năm, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã tích cực triển khai các hoạt động giám sát về lĩnh vực thuộc Ủy ban phụ trách. Cụ thể, Ủy ban đã tổ chức giám sát tổng hợp tại Thanh Hóa và Nghệ An. Từ tháng 12/2021, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã gửi Kế hoạch, Đề cương, dự kiến Chương trình giám sát đến Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An để phối hợp, chuẩn bị báo cáo, bố trí lịch làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban về việc thực hiện chính sách, pháp luật về các lĩnh vực Ủy ban phụ trách trên địa bàn; phối hợp với các bộ, ngành liên quan khảo sát tại cơ sở và làm việc với Ủy ban nhân dân các tỉnh. Tiếp theo, Đoàn giám sát chuẩn bị làm việc với các bộ, ngành có liên quan, làm việc với các địa phương, hoàn thành báo cáo kết quả giám sát. Qua hoạt động giám sát chung cho thấy phương pháp giám sát tiếp tục được hoàn thiện, chất lượng giám sát được nâng lên.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục giám sát tại Nghệ An

Bên cạnh đó, Ủy ban cũng dã thực hiện một số nội dung giám sát, khảo sát chuyên đề. Cụ thể, giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội và các dịch vụ nội dung thông tin, truyền thông khác trên mạng Internet”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng cho biết, căn cứ vào Kế hoạch, đề cương giám sát, Đoàn giám sát đề nghị một số Bộ, ngànhvà Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố yêu cầu báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến lĩnh vực giám sát. Đoàn đã tổ chức 02 cuộc Tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia và một số hội, hiệp hội, khảo sát tại 03 địa phương, một số trường đại học, nhà cung cấp dịch vụ truyền thông trên mạng Internet. Thường trực Ủy ban đang hoàn thiện Báo cáo kết quả giám sát, đây là nội dung mới liên quan đến quản lý nội dung thông tin trên không gian mạng, giúp Thường trực Ủy ban kiến nghị, đề xuất các vấn đề liên quan trong quá trình xây dựng Luật Điện ảnh và chuẩn bị sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí, Luật Xuất bản,…

Về môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trước ý kiến của đông đảo cử tri và thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban đã đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo; tổ chức Tọa đàm chuyên gia, họp Ủy ban để trao đổi, thảo luận về vấn đề này. Trên cơ sở kết quả các hoạt động nêu trên, Thường trực Ủy ban đã hoàn thiện báo cáo kết quả, đánh giá về vai trò của môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông và việc dạy học môn Lịch sử ở một số nước trên thế giới gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thường trực Ủy ban kiến nghị môn học Lịch sử nên là môn bắt buộc. Kiến nghị này được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, đồng tình; được đưa vào Nghị quyết Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khoá XV.

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng đã phối hợp với Thường trực Hội đồng Dân tộc tổ chức khảo sát việc thực hiện công tác tuyên truyền, xây dựng nếp sống văn hóa, vận động bài trừ biến tướng của tục “kéo vợ” ở một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số. Để chuẩn bị khảo sát, Thường trực Ủy ban đã đề nghị một số bộ, ngành, địa phương báo cáo; tổ chức tham vấn ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia và làm việc trực tiếp với các tỉnh Lào Cai và Lai Châu; tổ chức Tọa đàm với các địa phương Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Thanh Hóa, Nghệ An; Thường trực Ủy ban đã xây dựng Báo cáo kết quả khảo sát, đánh giá những giá trị, hạn chế, biến tướng của tục “kéo vợ” và đề xuất, kiến nghị khắc phục, gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan.

Ngoài ra, Thường trực Ủy ban đã tổ chức tọa đàm chuyên gia, làm việc với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19; kiến nghị về chính sách dài hạn hỗ trợ cho trẻ em bị ảnh hưởng của đại dịch, đặc biệt là trẻ em mồ côi do COVID-19; khảo sát “Việc thực hiện chính sách phục hồi, mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới”. Theo đó, Thường trực Ủy ban tổ chức khảo sát thực tế, làm việc với Ủy ban nhân dân các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam và nghiên cứu báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình để tìm hiểu, nắm bắt tình hình hoạt động và việc thực hiện chính sách, giải pháp phục hồi, mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới. Kết quả khảo sát báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và gửi đến Đại biểu Quốc hội, các cơ quan chức năng.

Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục  làm việc với Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng 

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã tổ chức khảo sát “Về tự chủ đại học và bảo đảm chất lượng giáo dục đại học” tại các cơ sở giáo dục đại học tại Hà Nội; báo cáo một số kết quả, nhận xét việc thực hiện chính sách, pháp luật về tự chủ và bảo đảm chất lượng giáo dục đại học. Ngày 04/6/2022, Thường trực Ủy ban phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo “Về mô hình tổ chức, hoạt động của các Đại học ở Việt Nam”, nhằm trao đổi, thảo luận và đánh giá thực tiễn việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của mô hình Đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân để từ đó nghiên cứu, đề xuất giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật về giáo dục đại học  nói chung, về mô hình tổ chức và hoạt động của các Đại học nói riêng để chuẩn bị Hội nghị tự chủ đại học 2022 do Chính phủ tổ chức (Bộ Giáo dục và Đào tạo mời Ủy ban đồng chủ trì).

Trước tình hình bạo lực đối với trẻ em ngày càng diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc có tính chất nghiêm trọng, Thường trực Ủy ban tổ chức Phiên giải trình“Về tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em” với sự tham dự của Lãnh đạo Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và đại diện các cơ quan có liên quan. Tại Phiên giải trình, các bên đã cùng đánh giá thực trạng tình hình bạo lực trẻ em, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, xác định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan có liên quan trong công tác phòng, chống bạo lực trẻ em thời gian qua; đề xuất, kiến nghị giải pháp khắc phục. Sau Phiên giải trình, Thường trực Ủy ban gửi Kết luận Phiên giải trình tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan, các địa phương nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của toàn xã hội cùng chung tay phòng, chống bạo lực trẻ em.

Cùng với đó, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng đã tổ chức thành công Phiên giải trình “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với giáo viên mầm non, phổ thông và vấn đề dạy học trong bối cảnh COVID-19”  với sự chuẩn bị kỹ lương, nội dung bảo đảm, đáp ứng được yêu cầu đặt ra với sự tham dự của Lãnh đạo Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đại diện lãnh đạo các Bộ: Y tế, Thông tin và Truyền thông, Lao động, Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành liên quan. Sau Phiên giải trình, Ủy ban gửi Kết luận Phiên giải trình tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành hữu quan, làm cơ sở để tiếp tục giám sát việc thực hiện hoạt động dạy học trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, giải quyết vấn đề về biên chế giáo viên mầm non, phổ thông. Kết luận đã được các Bộ trưởng, Chính phủ tiếp thu nghiêm túc, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ gửi các Bộ, ngành nghiên cứu, xử lý các nội dung kiến nghị tại Kết luận Phiên giải trình. Bộ Chính trị ban hành quyết định tổng biên chế của toàn hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026 là 2,234 triệu, trong đó có 65.980 giáo viên bổ sung cho các địa phương cả giai đoạn 2022-2026, Ủy ban sẽ tiếp tục giám sát về nội dung này.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát, khảo sát

Trong những tháng cuối năm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng cho biết, Ủy ban sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát, khảo sát. Tham mưu nội dung, kế hoạch, các văn bản cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề năm 2023: “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”; Tổ chức giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục mầm non tại các khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất”; giám sát chuyên đề  “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ”; tổ chức giám sát việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của các Bộ, ngành liên quan về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022, phương hướng công tác năm 2023 và việc sử dụng ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước 2023; tiếp tục triển khai hoạt động theo dõi, giám sát thường xuyên đối với việc thực hiện luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và giám sát văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước ở trung ương thuộc lĩnh Ủy ban phụ trách.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng

Bên cạnh đó, Ủy ban dự kiến sẽ tổ chức khảo sát “Việc thi hành Luật Di sản Văn hóa” chuẩn bị cho thẩm tra dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Khảo sát “Việc thực hiện Luật Báo chí và công tác quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025”; Khảo sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục đại học”; “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp”; Khảo sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em” và “đào tạo nghề cho thanh niên”.

Cùng với đó, tổ chức Phiên giải trình “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, xây dựng, quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở” và thực hiện các hoạt động khác theo sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.

Thu Phương