ĐBQH NGUYỄN ANH TRÍ: LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH PHẢI CỤ THỂ HÓA CHỦ TRƯƠNG TÍNH ĐÚNG, TÍNH ĐỦ GIÁ DỊCH VỤ Y TẾ

09/09/2022

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa qua, tham gia phát biểu ý kiến về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội nhấn mạnh cần sửa đổi các quy định của Luật để thực hiện mục tiêu tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, tháo gỡ vướng mắc trong khám, chữa bệnh.

 

Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội

Tham gia thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cảm ơn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Xã hội và nhiều đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân đã quan tâm đến Luật Khám bênh, chữa bệnh. Sự quan tâm đó thể hiện tình cảm, niềm tin, kỳ vọng, là nguồn động viên tinh thần lớn đối với các y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên, nhà quản lý trong lĩnh vực y tế đang ngày đêm cống hiến cho sự nghiệp khám bệnh, chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe của nhân dân.

Đối với nội dung cụ thể trong dự án Luật, đại biểu Nguyễn Anh Trí đóng góp ý kiến hoàn thiện quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại Điều 106 của dự thảo Luật. Đại biểu nhấn mạnh, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là vấn đề khó nhất, phức tạp nhất, rắc rối nhất, nếu giải quyết tốt vấn đề này thì mở ra rất nhiều cơ hội để tháo gỡ một loạt những vướng mắc, khó khăn trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý y tế, hướng tới mục tiêu tự chủ ở các cơ sở y tế và xã hội hóa ngành y. Lần sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh này là cơ hội để khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong vấn đề định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, hướng đến các mục tiêu thực hiện đúng chủ trương của Đảng trong việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ khám, chữa bệnh, đồng thời đảm bảo các cơ sở y tế quản lý được, thực hiện được một cách suôn sẻ thuận lợi, không trái với các quy định của pháp luật.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết, chỉ tính đủ thì chưa chắc đã đảm bảo được tính đúng, hơn nữa, từ tính đúng, tính đủ đến thu đúng, thu đủ vẫn còn một khoảng cách dài. Vì vậy, cần luật hóa và quy định chặt chẽ, làm rõ các vấn đề ai phải chi trả, chi trả đúng và đủ thì gồm những khoản cụ thể nào, đảm bảo tính khả thi khi áp dụng trong thực tế.

Điều 106 trong dự thảo Luật quy định về giá khám bệnh, chữa bệnh, trong đó khoản 1 quy định: “Giá khám bệnh, chữa bệnh được xác định dựa trên chi phí tính đầy đủ các yếu tố chi phí, phù hợp với khả năng chi trả và khuyến khích nâng cao chất lượng, phát triển kỹ thuật chuyên môn“. Đại biểu đề nghị sử dụng đúng ngôn từ là "tính đúng, tính đủ", theo đó, khoản này cần được sửa thành: “Giá khám bệnh, chữa bệnh được xác định dựa trên chi phí tính đúng, tính đầy đủ các yếu tố chi phí, phù hợp với khả năng chi trả và khuyến khích nâng cao chất lượng, phát triển kỹ thuật chuyên môn.“

Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho biết, việc tính giá "phù hợp với khả năng chi trả" tuy rất nhân văn nhưng rất khó để thực hiện, vì không thể định rõ thế nào là phù hợp, mà còn rất nhiều yếu tố, khía cạnh để xem xét, như vùng miền, dân tộc, đối tượng, hoàn cảnh đặc biệt… Vì vậy, đại biểu cho rằng nên nghiên cứu kỹ về sự cần thiết quy định về vấn đề này.

Khoản 1, Điều 106 cũng quy định, các yếu tố chi phí để thực hiện khám bệnh, chữa bệnh bao gồm: Chi phí tiền lương; Chi phí trực tiếp cho người bệnh; Chi phí quản lý; Chi phí khấu hao tài sản cố định; Chi phí khác. Đại biểu Nguyễn Anh Trí bày tỏ tán thành với các yếu tố chi phí để thực hiện khám, chữa bệnh này.

Về thẩm quyền quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, khoản 2 Điều 106 quy định: “Bộ trưởng Bộ Y tế quy định: Giá khám bệnh, chữa bệnh cụ thể đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước trên phạm vi toàn quốc; Phương pháp xác định cơ cấu, định mức để tính giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh Nhà nước trên phạm vi toàn quốc. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước quyết định giá khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu trên cơ sở phương pháp quy định tại điểm a Khoản này. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do cơ sở cung cấp.” Đại biểu nhấn mạnh, cần xác định rõ chủ thể có thẩm quyền quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh để có thể từng bước thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ.

Cùng với đó, đại biểu cũng cho rằng, chỉ có Bộ Y tế mới có đủ thẩm quyền, trí tuệ, nguồn lực để quyết định giá dịch vụ, không nên giao thẩm quyền này cho các cơ sở khám bệnh chữa bệnh. Đại biểu nêu quan điểm, về nội dung này, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ tập trung làm tốt việc xây dựng kịch bản giá dịch vụ y tế tính đúng, tính đủ nhưng theo mức khung được Bộ Y tế đã quy định, đệ trình lên để áp dụng thực hiện. Bộ Y tế thay mặt Chính phủ quản lý việc xây dựng bảng giá tính đúng, tính đủ, phê duyệt giá của các đơn vị, giám sát việc thực hiện tại các cơ sở y tế công lập cũng như tư nhân. Theo đại biểu, phân chia thẩm quyền, trách nhiệm rõ ràng như vậy sẽ đảm bảo giá dịch vụ được tính ở mức hợp lý đúng theo quy định và công việc quản lý ở cơ quan quản lý nhà nước cũng như ở các cơ sở y tế diễn ra thuận lợi, suôn sẻ.

Minh Hùng

Các bài viết khác