Báo cáo tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, từ ngày 01/10/2021 đến ngày 01/8/2022, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 08 luật; 01 pháp lệnh và 16 nghị quyết. Thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) để triển khai thực hiện luật, pháp lệnh, nghị quyết mới được ban hành, Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương đã ban hành kế hoạch hoạt động; Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, đoàn thể ban hành kế hoạch PBGDPL hoặc lồng ghép nội dung PBGDPL trong kế hoạch công tác năm, kế hoạch triển khai từng luật, pháp lệnh, nghị quyết. Trong các kế hoạch đều xác định việc phổ biến nội dung cơ bản của luật, pháp lệnh, nghị quyết mới ban hành cho cán bộ, công chức và Nhân dân và coi đó là một nhiệm vụ trọng tâm phải triển khai thực hiện.
Công tác chỉ đạo, hướng dẫn PBGDPL các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được chú trọng tổ chức, triển khai kịp thời. Theo đó, sau khi kết thúc các kỳ họp của Quốc hội và Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tư pháp đã tham mưu Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương ban hành các văn bản hướng dẫn phổ biến luật, pháp lệnh, nghị quyết mới gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long
Bộ trưởng Thành Long nhấn mạnh, qua theo dõi cho thấy công tác chỉ đạo, hướng dẫn phổ biến các luật, pháp lệnh đã từng bước được các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện, dần đi vào bài bản, nền nếp. 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã lồng ghép nhiệm vụ phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành trong năm 2022 trong kế hoạch công tác PBGDPL hằng năm của địa phương. Bên cạnh đó, 40/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chú trọng ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo PBGDPL riêng để triển khai các luật, pháp lệnh, nghị quyết mới, trong đó phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ban, ngành hữu quan để triển khai thực hiện sâu rộng đến Nhân dân tại cơ sở.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng được các cơ quan, Bộ, ban, ngành quan tâm, chú trọng triển khai thực hiện với nhiều phương thức, hình thức đổi mới, sáng tạo, thiết thực, trong đó đã tập trung đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật theo định hướng chuyển đổi số, đẩy mạnh truyền thông chính sách, pháp luật theo Đề án của Chính phủ , đặc biệt là hoạt động truyền thông chính sách có tác động tích cực đến xã hội ngay trong quá trình xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng
Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật trung ương, Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành, đoàn thể đã tổ chức thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều hình thức khác nhau phù hợp với tình hình, điều kiện thực tiễn , nhất là trong điều kiện khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để có thể truyền tải pháp luật tới cán bộ, công chức và Nhân dân một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất . Đặc biệt, một số Bộ như Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tư pháp đã triển khai hoạt động truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng luật, pháp lệnh. Đây là một trong những hoạt động mới, có ý nghĩa thiết thực, góp phần để người dân, cơ quan, tổ chức và đối tượng chịu sự tác động của văn bản tiếp cận với công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật.
Thảo luận về nội dung này, các ý kiến của UBTVQH đều bày tỏ nhất trí và tán thành với nhận định của cơ quan thẩm tra. Tuy nhiên, tham gia thẩm tra nội dung, Thường trực Hội đồng Dân tộc lưu ý, công tác tuyên truyền phổ biến Hiến pháp và pháp luật tại các vùng dân tộc thiểu số nhiều nơi thiếu thường xuyên, tình trạng hình thức, nặng về phòng trào vẫn còn tồn tại; nội dung, hình thức tuyên truyền vẫn còn dập khuôn, máy móc,...
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tư pháp tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức tốt ngày Pháp luật vào 9/11 – đảm bảo ý nghĩa, thiết thực. Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, tại Ấn Độ có 2 ngày trọng đại, đó là ngày Quốc khánh và ngày Hiến pháp. Việt Nam có ngày Pháp luật 9/11 tuy nhiên việc tổ chức phải thể hiện được đúng tinh thần, ý nghĩa của ngày Pháp luật
Nhận định lực lượng làm công tác tham mưu xây dựng, tuyên truyền, phổ biến pháp luật rất vất vả, khó khăn trong khi đây là nhiệm vụ quan trọng , Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần có kế hoạch để động viên đội ngũ này; quan tâm, tăng cường thêm lực lượng, tăng cường thêm phương tiện,..
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm tổ chức tốt Ngày pháp luật Việt Nam 9/11, bảo đảm ý nghĩa thiết thực, động viên lực lượng làm công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, góp phần thúc đẩy công tác này. Đồng thời, góp phần làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật, giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật trong toàn xã hội, đóng góp có hiệu quả vào việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo đường lối của Đảng.
Bên cạnh đó, khẩn trương tiến hành tổng kết việc thực hiện Nghị định số 55/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế để kịp thời sửa đổi, bổ sung ban hành mới cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Trong đó xác định rõ vị trí việc làm của đội ngũ cán bộ, công chức pháp chế; tổ chức bộ máy pháp chế; quan tâm đầy đủ, bố trí kịp thời kinh phí; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, cán bộ làm nhiệm vụ xây dựng văn bản pháp luật ở các bộ, ngành, địa phương, cơ quan./.