ĐOÀN ĐBQH TỈNH NAM ĐỊNH LẤY Ý KIẾN GÓP Ý VÀO DỰ THẢO LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN

26/09/2022

Chiều 26/9, Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Các đồng chí: Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Hải Dũng, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.

Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Đồng chí Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định, Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Luật Tần số vô tuyến điện được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ sáu ngày 23/11/2009. Luật Tần số vô tuyến điện có ý nghĩa quan trọng trong việc quản lý hoạt động và phát triển lĩnh vực vô tuyến điện, đánh dấu mốc quan trọng về sự nỗ lực của ngành Thông tin và Truyền thông nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho lĩnh vực thông tin vô tuyến điện của đất nước. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thi hành, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Luật đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc cần được điều chỉnh, sửa đổi. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện lần này nhằm bảo đảm tính thống nhất với các Luật và Điều ước quốc tế có liên quan.

Tại hội nghị, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông đóng góp, đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 45. Cụ thể, trong trường hợp có tình huống ảnh hưởng trực tiếp đến chủ quyền, an ninh quốc gia thì Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an được phép quyết định việc sử dụng thiết bị vô tuyến điện, tần số vô tuyến điện ngoài các tần số vô tuyến điện đã được phân bổ cho mục đích quốc phòng, an ninh và thông báo cho Bộ Thông tin và Truyền thông. Quy định như thế sẽ rõ người được quyền ra quyết định là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an, không phải chủ thể chung chung như dự thảo Luật là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an… Đại diện Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho ý kiến, cần nghiên cứu, chỉnh sửa khoản 2, khoản 3 Điều 45; bổ sung khoản 4 vào sau khoản 3 Điều 45… Đại diện Công an tỉnh nhất trí với phương án 2 bổ sung khoản 4 Điều 45, trong trường hợp đặc biệt, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh cần sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh thì có phương án sử dụng băng tần, báo cáo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định…

Quang cảnh hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Quốc Chỉnh khẳng định, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện rất cần thiết, có ý nghĩa, vai trò quan trọng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của đất nước ta hiện nay. Đồng chí ghi nhận những ý kiến đóng góp của các sở, ngành hữu quan; yêu cầu Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp thu, tập hợp đầy đủ các ý kiến để Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định tiếp tục nghiên cứu, thảo luận, đóng góp với Quốc hội.

(Theo Báo điện tử Nam Định)