ĐBQH NGUYỄN THỊ THU HÀ: QUY ĐỊNH CỤ THỂ CÁC HÌNH THỨC CÔNG KHAI THÔNG TIN Ở XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN

27/09/2022

Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đề nghị Dự án Luật cần quy định cụ thể về các hình thức công khai thông tin ở xã, phường, thị trấn, đảm bảo tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc cung cấp thông tin đến Nhân dân.

Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách thảo luận về Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh

Tham gia đóng góp ý kiến hoàn thiện dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đồng tình và thống nhất cao với việc tiếp thu, giải trình dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở của cơ quan trình cũng như cơ quan thẩm tra. Dự thảo đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, kết luận nhiều nội dung, vấn đề lớn, quan trọng, đã bổ sung một số điều quy định riêng về quyền thụ hưởng của người dân ở tại Điều 7 hay là bổ sung mục 2 Chương III quy định về cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bàn và quyết định.

Đi vào các vấn đề cụ thể liên quan đến nội dung Nhân dân bàn và quyết định, đại biểu cho biết, dự thảo luật đã chỉnh lý theo hướng Nhân dân ở thôn, tổ dân phố bàn và quyết định những nội dung quy định tại Điều 15 của luật bằng các hình thức cụ thể, trong đó việc công khai thông tin ở xã, phường, thị trấn. Đối với nội dung công khai, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung chính quyền địa phương cấp xã phải công khai về kết quả tiếp thu ý kiến của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với người đứng đầu chính quyền địa phương định kỳ hàng năm để Nhân dân biết và giám sát việc tiếp thu ý kiến của chính quyền địa phương. Vì thực tiễn từ những hình thức công khai thông tin này cơ bản đã đầy đủ và được triển khai. Tuy nhiên căn cứ vào trách nhiệm cũng như nhận thức của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật cũng như là năng lực, trình độ, biên chế của cán bộ và đặc thù của vùng miền, hình thức này được triển khai ở các mức độ khác nhau dẫn đến việc tiếp cận thông tin của Nhân dân còn khó khăn và chưa có hệ thống kịp thời. Do đó, việc quy định một hoặc một số hình thức công khai mang tính bắt buộc để đảm bảo người dân có thể tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng và thuận tiện, dễ dàng là cần thiết. Việc quy định rõ nội dung công khai, hình thức công khai sẽ tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc cung cấp thông tin đến Nhân dân, đồng thời cũng là căn cứ để Nhân dân giám sát thực hiện quyền giám sát của mình.

Đối với quy định về hình thức công khai thông tin, việc công khai thông tin thông qua trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, đại biểu đề nghị bổ sung thêm đối với các nhóm khác, đó là thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, già làng, trưởng bản, chức sắc, tôn giáo, người có uy tín, tiêu biểu ở trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đại biểu cũng đồng tình với quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị có thể lựa chọn hình thức công khai thông tin phù hợp hoặc có thể kết hợp nhiều hình thức công khai thông tin.

Về hình thức Nhân dân bàn và quyết định tổ chức họp của thôn, tổ dân phố, phát phiếu lấy ý kiến đến từng hộ dân tại các Điều 17, 18, 19, ngoài các hình thức lấy ý kiến của Nhân dân đã được nêu trong dự thảo luật, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung lấy ý kiến bằng hình thức bình chọn công khai trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội có nhóm cộng đồng dân cư. Đây là cách công khai và thực hiện giám sát hiệu quả, kết quả bình chọn rõ ràng ai cũng có thể nắm bắt được, tránh việc bình chọn thế này nhưng kết quả của bình chọn trong đa số lại thế khác. Tổ chức cuộc họp của thôn, tổ dân phố với thành phần dự họp theo như dự thảo luật Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu là với tổ dân đông thì thành phần dự họp là đại diện các hộ gia đình thay cho cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố. Đại biểu đề nghị nên quy định cử tri đại diện hộ gia đình, vì cử tri là người đủ 18 tuổi và không bị mất năng lực hành vi dân sự cũng như các năng lực. Nếu chỉ ghi chung là đại diện các hộ gia đình thì có thể là người dưới 18 tuổi hoặc người không đủ năng lực hành vi dân sự đại diện để tham dự họp.

Ngoài ra, về Ban Thanh tra nhân dân và ban giám sát đầu tư cộng đồng, đại biểu nhấn mạnh việc luật hóa nội dung này sẽ nâng cao hiệu quả của ban giám sát đầu tư cộng đồng sẽ phát huy có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, cũng cần quan tâm đến tính tương đồng về chức năng, nhiệm vụ của Ban Thanh tra nhân dân và ban giám sát đầu tư cộng đồng và địa bàn, phạm vi hoạt động để tránh câu chuyện trùng lắp, cùng một địa bàn và cùng một cơ quan, đơn vị mà có đến 2 thiết chế. Hai thiết chế này cũng cần được rà soát, sắp xếp lại về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động, tránh cộng dồn hay là ghép cơ học vào dự án luật.

Cụ thể, theo đại biểu, đối với quyền hạn của ban Thanh tra nhân dân cần quy định cụ thể việc tiếp thu, xử lý các kiến nghị và xác định rõ trách nhiệm giải trình, chế tài đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp khi để xảy ra chậm trễ hoặc không tiếp thu, xem xét trả lời kiến nghị của Ban Thanh tra nhân dân đúng thời hạn. Đối với ban giám sát đầu tư cộng đồng cũng cần tiếp tục có sự nghiên cứu bổ sung vì đây là một thiết chế thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp thay mặt Nhân dân để giám sát việc thực hiện các công trình, dự án đầu tư công trên địa bàn ở khu dân cư. Thời gian qua ban này đã có những kết quả tích cực, nhất là trong chương trình xây dựng nông thôn mới, phù hợp với quyền dân chủ của Nhân dân, dân kiểm tra, dân giám sát hơn là Ban Thanh tra nhân dân được chuyển từ Luật Thanh tra sang. Đại biểu đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần bổ sung đánh giá về hoạt động của ban này, đồng thời cần thống nhất ở cộng đồng dân cư với một tên gọi phù hợp là Ban giám sát đầu tư cộng đồng. Thiết chế Ban thanh tra nhân dân từ trước đến nay chỉ thực hiện nhiệm vụ ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nếu ở xã thì Ban này hoạt động ở trên cơ quan của Ủy ban nhân dân xã mà thôi. Tại địa bàn dân cư thì chỉ nên có một Ban thay mặt nhân dân để kiểm tra, giám sát để tránh trùng lắp và giảm áp lực cho các đơn vị triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Hồ Hương