UỶ BAN ĐỐI NGOẠI THĂM VÀ LÀM VIỆC TẠI NAM PHI VÀ NAMIBIA

04/10/2022

Thực hiện Chương trình hoạt động đối ngoại năm 2022, Đoàn Ủy ban Đối ngoại do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Lê Anh Tuấn làm Trưởng đoàn vừa kết thúc tốt đẹp chuyến thăm làm việc tại Cộng hòa Nam Phi và Cộng hòa Namibia.

CHỦ NHIỆM UỶ BAN ĐỐI NGOẠI VŨ HẢI HÀ TIẾP ĐẠI SỨ CỘNG HOÀ PHÁP TẠI VIỆT NAM

Trong thời gian thăm làm việc tại Nam Phi, Đoàn đã có các cuộc hội kiến với Chủ tịch các Ủy ban của Quốc hội Cedric Thomas Frolick; hội đàm với Chủ tịch Ủy ban Quan hệ và Hợp tác Quốc tế của Quốc hội Nam Phi Madala Louis David Ntombela và các Nghị sĩ thành viên Ủy ban Đối ngoại; gặp và trao đổi với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Alvin Botes.


Đoàn công tác của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội làm việc với Thứ trưởng Bộ Hợp tác và Quan hệ quốc tế Alvin Botes tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại thủ đô hành chính Pretoria

Tại Namibia, Đoàn đã: chào xã giao Chủ tịch Quốc hội Peter Katjavivi, hội đàm với Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại, Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Leevi Katoma, trao đổi kinh nghiệm hoạt động giữa hai Ủy ban Đối ngoại và hoạt động nghị viện với các Đại biểu Quốc hội, thành viên Ủy ban Đối ngoại và Tổng Thư ký Quốc hội, dự khán Phiên họp toàn thể của Quốc hội Namibia.


Đoàn Ủy ban Đối ngoại hội kiến Chủ tịch các Ủy ban của Quốc hội Nam Phi Cedric Thomas Frolick. Ảnh: Vũ Ngọc Quỳnh

Trong các cuộc gặp làm việc, hai Bên đánh giá cao mối quan hệ tốt đẹp về chính trị giữa Việt Nam với Nam Phi và Việt Nam với Namibia; nhấn mạnh các mối quan hệ này khởi nguồn từ rất lâu trước khi thiết lập quan hệ ngoại giao song phương, bắt nguồn từ sự gần gũi trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của mỗi nước. Với Nam Phi, mối quan hệ giữa hai dân tộc đã có từ rất lâu, đặc biệt là trên kênh đảng, trước khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1993. Việt Nam có quan hệ đoàn kết với Đại hội Dân tộc Phi (ANC) và Đảng Cộng sản Nam Phi, luôn ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Nam Phi, luôn ủng hộ quá trình cải cách và phát triển của nước Bạn. Với Namibia, hai nước có quan hệ đoàn kết, truyền thống tốt đẹp từ những năm 70, trước khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1990.

Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại và các Nghị sĩ Quốc hội Nam Phi và Namibia bày tỏ tình cảm sâu sắc đối với đất nước, dân tộc Việt Nam, tình cảm và sự ngưỡng mộ dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh; nhấn mạnh Việt Nam là nguồn cảm hứng cho hai dân tộc Nam Phi, Namibia trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập cho đất nước cũng như trong công cuộc phát triển đất nước ngày nay. Chủ tịch Quốc hội Namibia bày tỏ cảm ơn sự ủng hộ của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với đảng cầm quyền của Namibia, đặc biệt trong những giai đoạn đầu khó khăn của đất nước khi mới giành độc lập và thành lập nước Cộng hòa Namibia. Lãnh đạo hai nước cũng bày tỏ sự ấn tượng, chúc mừng những thành tựu phát triển của Việt Nam để trở thành một trong những nền kinh tế năng động nhất ở khu vực; đánh giá cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Bày tỏ vui mừng được dẫn đầu Đoàn Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam sang thăm làm việc tại hai nước, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Lê Anh Tuấn khẳng định chính sách đối ngoại của Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt, lâu dài với các nước bạn bè truyền thống, trong đó có Nam Phi và Namibia và các nước trong khu vực châu Phi; nhấn mạnh Việt Nam luôn trân trọng sự ủng hộ quý báu của nhà nước và nhân dân hai nước Nam Phi, Namibia trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước hôm nay.

Trong bối cảnh Nghị viện có vai trò và tiếng nói ngày càng ảnh hưởng sâu rộng đến quan hệ hợp tác song phương và đa phương, Phó Chủ nhiệm Lê Anh Tuấn cho biết, Việt Nam mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác với Nghị viện các nước nói chung, trong đó, đưa quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Nghị viện Nam Phi và Namibia trở thành kênh hợp tác quan trọng trong quan hệ hợp tác với hai nước. Trên cương vị là Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Nam Phi, ông Lê Anh Tuấn mong muốn Quốc hội Nam Phi sớm thành lập Nhóm Nghị sĩ hữu nghị với Việt Nam, làm cầu nối thúc đẩy hợp tác nghị viện giữa Việt Nam và Nam Phi.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Lê Anh Tuấn chào xã giao Chủ tịch Quốc hội Namibia Peter Katjavivi. Ảnh: Vũ Ngọc Quỳnh

Trong các cuộc gặp, hai Bên đã trao đổi thông tin, kinh nghiệm hoạt động Nghị viện và hoạt động của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội mỗi nước; phương hướng thúc đẩy hợp tác Nghị viện, tăng cường phối hợp, tiếp xúc giữa các Nghị sĩ Quốc hội Việt Nam với Quốc hội Nam Phi và Namibia trong khuôn khổ song phương và đa phương; khẳng định ủng hộ lẫn nhau tại các cơ chế hợp tác đa phương quan trọng như Liên Hợp Quốc - Liên minh Nghị viện thế giới, làm cầu nối thúc đẩy quan hệ ở cấp khu vực như ASEAN, Liên minh châu Phi (AU), Phong trào Không Liên kết, Hợp tác Nam-Nam và các cơ chế hợp tác đa phương khác; trao đổi kinh nghiệm và các biện pháp thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực chính trị ngoại giao, kinh tế thương mại và các lĩnh vực hai Bên có nhiều tiềm năng, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp theo hình thức hợp tác hai bên hoặc 3 bên.

Hai Bên nhất trí cho rằng, trên cơ sở nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp giữa Việt Nam với hai nước, hợp tác Nghị viện song phương sẽ được tiếp tục củng cố và thắt chặt hơn nữa, qua đó, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với hai nước Nam Phi và Namibia trong thời gian tới.

Đoàn công tác của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội chụp ảnh lưu niệm cùng Chủ nhiệm Chủ tịch Ủy ban Quan hệ và Hợp tác Quốc tế của Quốc hội Nam Phi Madala Louis David Ntombela của Quốc hội Nam Phi 

Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, Đoàn đã có cuộc làm việc với Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi kiêm nhiệm Namibia Hoàng Văn Lợi, đại diện các cơ quan bên cạnh Đại sứ quán Việt Nam, nghe báo cáo và trao đổi về việc thực hiện Luật Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và công tác cộng đồng, bảo hộ công dân tại hai nước theo chuyên đề giám sát của Ủy ban Đối ngoại về “Thực hiện chính sách pháp luật về hàm, cấp ngoại giao và Luật cơ quan cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài” và chuyên đề giám sát về “Kết quả thực hiện chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài”.

(Theo Báo Đại biểu Nhân dân)