QUỐC HỘI 24H: ĐIỂM TIN HOẠT ĐỘNG QUỐC HỘI NGÀY 07/10/2022

07/10/2022

''Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII bước vào ngày làm việc thứ năm; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy chủ trì Phiên họp thẩm tra dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Ủy ban Quốc phòng và An ninh thẩm tra sơ bộ dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá...'' là những thông tin nổi bật về hoạt động của Lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH trong ngày hôm nay (07/10/2022).

QUỐC HỘI 24H: ĐIỂM TIN HOẠT ĐỘNG QUỐC HỘI NGÀY 06/10/2022

* Ngày 7/10, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII bước vào ngày làm việc thứ năm.

Buổi sáng: Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại Hội trường, thảo luận về Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 và Kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025.

Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ thay mặt Bộ Chính trị điều hành thảo luận.

Buổi chiều: Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại tổ thảo luận về Đề án định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050...

Xem nội chung chi tiết tại đây: THÔNG CÁO BÁO CHÍ VỀ NGÀY LÀM VIỆC THỨ NĂM CỦA HỘI NGHỊ LẦN THỨ SÁU BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA XIII

* Cũng trong sáng nay (07/10), tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức phiên họp thẩm tra sơ bộ dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Tấn Tới chủ trì phiên họp.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, thực hiện phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và để có thêm cơ sở phục vụ thẩm tra chính thức, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp tới, hôm nay Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức phiên họp mở rộng để thẩm tra sơ bộ đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.

Tại phiên họp, các đại biểu đề nghị bổ sung vào dự thảo Nghị quyết các quy định về xác định, lựa chọn các biển số xe đưa ra đấu giá; bước giá; trình tự, thủ tục đấu giá biển số xe ô tô; quyền và nghĩa vụ của người tham gia đấu giá; trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan; trách nhiệm của tổ chức đấu giá tài sản được Bộ Công an giao đấu giá biển số xe ô tô…

Xem nội dung chi tiết tại đây: THẨM TRA SƠ BỘ DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ THÍ ĐIỂM CẤP QUYỀN LỰA CHỌN SỬ DỤNG BIỂN SỐ Ô TÔ THÔNG QUA ĐẤU GIÁ

* Chiều ngày 07/10, tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 4 thẩm tra dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy chủ trì Phiên họp.

Báo cáo tại phên họp, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết: Dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi có 08 chương và 57 điều, trong đó các nội dung sửa đổi, bổ sung bám theo 09 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 152/NQ-CP. Việc xây dựng và ban hành Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) trong thời điểm này là rất cần thiết.

Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) kế thừa các quy định hiện còn giá trị tại Luật Giao dịch điện tử năm 2005. Hoàn thiện các chính sách bảo đảm các giao dịch điện tử an toàn, tin cậy, có giá trị pháp lý; thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa giao dịch điện tử của các cơ quan nhà nước và các tổ chức, cá nhân. Chỉ quy định về những thành tố cơ bản có giá trị pháp lý sử dụng để thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử, không quy định lại nội dung đã được pháp luật khác quy định…

Xem nội dung chi tiết tại đây: PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ 4 CỦA ỦY BAN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ (SỬA ĐỔI)

* Sáng 07/10, tại Hà Nội, Viện nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ban Chủ nhiệm Đề tài khoa học tổ chức hội thảo “Quan điểm, giải pháp xây dựng và hoàn thiện pháp luật về từ thiện nhân đạo ở Việt Nam”. TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp chủ trì hội thảo.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã góp ý trực tiếp vào bố cục, nội dung nghiên cứu trọng tâm của Đề tài. Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là đề tài nghiên cứu có tính cấp thiết, thời sự, phù hợp với những đòi hỏi của thực tiễn đặt ra trong bối cảnh hiện nay. TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp đề nghị Ban Chủ nhiệm Đề tài khẩn trương rà soát, nghiên cứu tiếp thu hoàn thiện kết quả nghiên cứu đảm bảo chất lượng cao nhất. Trong đó, đặc biệt lưu ý, những nội dung đề xuất, kiến nghị về hoàn thiện pháp luật từ thiện nhân đạo phải đảm bảo sát thực, rõ ràng, có giá trị phục vụ thiết thực cho công tác lập pháp nhằm hỗ trợ thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Xem nội dung chi tiết tại đây: HỘI THẢO QUAN ĐIỂM, GIẢI PHÁP XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ TỪ THIỆN NHÂN ĐẠO Ở VIỆT NAM

* Sáng 07/10, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị giao ban, triển khai nghị quyết số 594 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 12/9/2022, hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Hà Nội là địa phương đầu tiên triển khai Nghị quyết này. Hội nghị kết nối tới 435 điểm cầu trực tuyến từ Hội đồng nhân dân thành phố tới Hội đồng nhân dân cấp Quận, huyện, xã với hơn 11.700 đại biểu tham dự. Từ đầu năm 2022 đến nay, HĐND các cấp TP Hà Nội đã thực hiện 240 cuộc giám sát, khảo sát về nhiều nội dung, lĩnh vực được cử tri, người dân quan tâm như xử lý rác thải; quản lý sử dụng tài sản công; các dự án chậm triển khai… Triển khai Nghị quyết 954 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội sẽ là cơ sở để hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội ngày càng thực chất, hiệu quả, vì dân.

Xem nội dung chi tiết tại đây: HÀ NỘI TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI VỀ HƯỚNG DẪN HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

* Sáng cùng ngày tại Đà Nẵng, Bộ Xây dựng tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý luật nhà ở (sửa đổi), trong đó thời hạn sở hữu nhà chung cư nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu.

Liên quan đến thời hạn sở hữu nhà chung cư, đại diện một số doanh nghiệp đồng tình với phương án không đặt ra quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư mà giữ nguyên quy định theo khoản 3 Điều 126 năm 2013, cho rằng quy định sở hữu có thời hạn sẽ mâu thuẫn với mục tiêu khuyến khích phát triển nhà chung cư.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng tập trung làm rõ nhiều tính đồng bộ với các luật liên quan; thúc đẩy nguồn lực trong đó có việc dành quỹ đất phát triển dự án nhà ở; sửa chữa chung cư cũ xuống cấp, chính sách phát triển nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân; quản lý vận hành chung cư, các đối tượng được thuê nhà công vụ…

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐÀ NẴNG: NHIỀU Ý KIẾN TRÁI CHIỀU VỀ THỜI HẠN SỞ HỮU NHÀ CHUNG CƯ

* Cổng Thông tin điện tử Quốc hội tiếp tục ghi nhận một số ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu về lĩnh vực quản lý nhà nước liên quan đến lĩnh vực đất đai, nhằm đóng góp thêm những góc nhìn đa chiều, tổng hợp ý kiến chuyên sâu hoàn thiện trình Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV:

TS.Vũ Đình Ánh – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Khoa học Thị trường giá 

- Quan tâm đến dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, một số chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng Luật Đất đai (sửa đổi) phải xây dựng và hoàn thiện nguyên tắc định giá đất phù hợp, bảo đảm tính độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ, trung thực, khách quan giữa kết quả định giá đất của các cơ quan định giá với cơ quan có quyền quyết định. Theo TS.Vũ Đình Ánh – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Khoa học Thị trường giá cả nêu rõ, việc đổi mới thực sự chính sách về quyền quyết định giá đất chỉ có thể thực hiện được khi thay đổi thể chế sao cho kiểm soát được quá trình cơ quan nhà nước quyết định giá đất. Chính sách cần phải thay đổi trên nguyên tắc tách thẩm quyền quyết định giá đất ra khỏi thẩm quyền quyết định về đất đai nhằm giảm tính độc quyền quyết định vào một cơ quan nhà nước, bắt buộc thuê dịch vụ định giá đất độc lập trước khi cơ quan nhà nước quyết định giá đất.

Xem nội dung chi tiết tại đây: SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI: PHẢI XÂY DỰNG, HOÀN THIỆN NGUYÊN TẮC ĐỊNH GIÁ ĐẤT PHÙ HỢP, BẢO ĐẢM TÍNH ĐỘC LẬP


TS.Đặng Việt Dũng- Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam.

- Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi), TS. Đặng Việt Dũng- Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam khẳng định: Sau hơn 08 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc khai thác và sử dụng đất đai hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả, tạo ra những động lực mạnh mẽ cho phát triển đô thị, tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Công tác quy hoạch sử dụng đất được thực hiện theo hướng tiếp cận tổng hợp, liên ngành và trở thành công cụ quan trọng để Nhà nước thống nhất quản lý, phân bổ và sử dụng đất đai.

Xem nội dung chi tiết tại đây: TS.ĐẶNG VIỆT DŨNG - ĐỀ XUẤT 5 VẤN ĐỀ ĐỐI VỚI VIỆC SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI

*  Trong ngày hôm nay (07/10), nhiều Đoàn ĐBQH các địa phương đã tổ chức tiếp xúc cử tri để báo cáo với cử tri dự kiến nội dung và chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, kịp thời nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng và các kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội và lấy ý kiến góp ý cho các Dự án Luật sẽ được trình tại Kỳ họp thứ 4 sắp tới:

- Ngày 7/10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La do đồng chí Chá A Của, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La đã tiếp xúc cử tri tại xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên trước Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV. Tại buổi tiếp xúc cử tri, đồng chí Chá A Của đã thông báo với cử tri về dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV; báo cáo với cử tri về hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La giữa hai kỳ họp của Quốc hội. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tiếp thu, giải đáp những kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền. Đồng thời, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri đến Quốc hội và gửi các cơ quan chức năng xem xét giải quyết theo quy định.

- Sáng 07/10, Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng gồm các đồng chí: Bế Minh Đức, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trung tướng Đỗ Quang Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tiếp xúc cử tri các phường thành phố Cao Bằng. Tại hội nghị, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thông báo với cử tri về dự kiến thời gian, nội dung chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV dự kiến diễn ra từ ngày 20/10 - 18/11/2022. Kỳ họp xem xét thông qua 7 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến 7 dự án luật; thảo luận, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, công tác giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Đồng thời, Đoàn ĐBQH tỉnh, lãnh đạo UBND thành phố Cao Bằng đã tiếp thu, giải trình, làm rõ những ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền và tổng hợp các kiến nghị chuyển cơ quan chức năng xem xét, giải quyết trong kỳ họp tới.

- Sáng 07/10, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn tiếp xúc cử tri chuyên đề với đại diện các hợp tác xã tại huyện Ba Bể để lấy ý kiến về việc sửa đổi Luật Hợp tác xã theo chương trình Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV. Tại buổi tiếp xúc, đại diện các hợp tác xã nêu một số ý kiến, kiến nghị với Đoàn ĐBQH tỉnh như: Nên để tên hợp tác xã như hiện nay thì phù hợp hơn so với dự thảo là Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác; mong muốn tiếp tục được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước để các hợp tác xã hoạt động hiệu quả hơn; tạo điều kiện cho người dân trồng cây dược liệu dưới tán rừng ở Vườn Quốc gia Ba Bể để tận dụng diện tích đất rừng; việc hỗ trợ nguồn nhân lực đối với các hợp tác xã còn gặp nhiều khó khăn khi quy định cứng nhắc về bằng cấp...

- Cũng liên quan đến dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), sáng 07/10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình đã khảo sát việc thi hành Luật Hợp tác xã tại Liên minh Hợp tác xã tỉnh. Tham gia Đoàn có đồng chí Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh. Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, từ đó kiến nghị, đề xuất một số nội dung đối với dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Đa số đại biểu đề xuất giữ nguyên tên gọi là "Luật Hợp tác xã"; thống nhất bổ sung tổ hợp tác thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi); giữ nguyên quy định về số lượng thành viên tối thiểu khi thành lập Hợp tác xã; làm rõ cơ quan quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể; đề nghị chỉnh sửa một số nội dung về cơ cấu tổ chức, quản trị, điều hành Hợp tác xã, liên hiệp Hợp tác xã … 

- Sáng 07/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương tổ chức hội nghị lấy ý kiến tham gia vào dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Hai dự thảo luật này đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV, dự kiến được tiếp tục cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 4 khai mạc vào ngày 20/10 tới. Đa số đại biểu đồng tình, đánh giá cao 2 dự thảo luật lần này tương đối hoàn thiện, nhiều điểm mới, các nội dung điều chỉnh kịp thời, cơ bản phù hợp yêu cầu thực tiễn. Về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi): các đại biểu đề nghị bổ sung quy định đối tượng áp dụng của luật; dự thảo hiện chưa có quy định, chế tài cụ thể về trách nhiệm của đoàn thanh tra trước khi không phát hiện, xử lý dứt điểm sai phạm mà đoàn thanh tra sau lại phát hiện ra sai phạm khi thanh tra cùng sự việc. Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở hiện chưa quy định rõ cơ chế bảo đảm vai trò của Uỷ ban MTTQ, các đoàn thể chính trị -  xã hội và cần làm rõ hơn về việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đối với các loại hình doanh nghiệp…

- Để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 07/10, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã làm việc với UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân và Cục Thi hành án dân sự tỉnh. Đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì buổi làm việc. Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Viện KSND tỉnh đã báo cáo về tình hình tội phạm, công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp 9 tháng năm 2022; đại diện lãnh đạo TAND tỉnh báo cáo về công tác xét xử, thi hành các loại án 9 tháng năm 2022; đại diện lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh báo cáo công tác Thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính năm 2022. Các cơ quan này cũng đã kiến nghị, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

- Sáng 07/10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An gồm các đại biểu: Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Trần Nhật Minh - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An có cuộc tiếp xúc cử tri tại xã Giang Sơn Đông, huyện Đô Lương. Tại buổi tiếp xúc, cử tri xã Giang Sơn Đông đã bày tỏ nhiều tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất với các cấp quan tâm giải quyết. Vấn đề được nhiều cử tri phản ánh liên quan đến bất cập về hạ tầng kinh tế - xã hội ở địa phương. Ngoài ra, ý kiến cử tri phản ánh tình trạng giá cả vật tư, phân bón tăng cao, người dân bỏ ruộng hoang không muốn đầu tư vì chi phí sản xuất quá cao, không có lãi. Đề nghị Quốc hội cần giám sát chặt chẽ các công ty sản xuất phân bón. Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiếp thu giải trình các ý kiến, kiến nghị của cử tri.

- Sáng 07/10, Đoàn ĐBQH thuộc Tổ 3 gồm đồng chí Trần Đình Văn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Lâm Đồng; đồng chí Nguyễn Văn Hiển – Viện trưởng viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có buổi tiếp xúc cử tri tại xã Phước Lộc (huyện Đạ Huoai). Cử tri xã Phước Lộc kiến nghị: Việc cấp đất sản xuất cho một số hộ dân; việc tách thửa; làm đường giao thông nông thôn, đường vào các khu sản xuất; đầu tư hệ thống nước sinh hoạt; chế độ nhận giao khoán quản lý, bảo vệ rừng; nạn xả bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật dọc các tuyến đường nông thôn. Trước những vấn đề cử tri đã phản ánh, lãnh đạo huyện Đạ Huoai đã giải đáp một số thắc mắc thuộc thẩm quyền. Thay mặt Tổ ĐBQH tỉnh Lâm Đồng, đồng chí Trần Đình Văn đã ghi nhận, tiếp thu, giải trình các ý kiến, kiến nghị của cử tri xã Phước Lộc.

- Sáng 07/10, tổ đại ĐBQH đơn vị số 5 đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh gồm các đại biểu: Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội; Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh Trần Anh Tuấn; Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Hồ Chí Minh Trần Thị Diệu Thúy đã có buổi tiếp xúc cử tri quận Tân Phú trước kỳ họp thứ 4, QH khóa XV. Kiến nghị với đoàn ĐBQH, nhiều cử tri đã đề xuất thành phố xây thêm trường học để đảm bảo chất lượng giáo dục tốt nhất. Theo cử tri, hiện có nhiều phường đã thành lập hơn 20 năm, mật độ dân cư đông nhưng không có trường tiểu học. Cử tri cũng phản ánh thực tế việc áp dụng chương trình giáo dục mới, sách giáo khoa mới còn gặp nhiều vướng mắc, lãng phí. Nhiều học sinh học từ lớp 1 đến lớp 4 được giáo viên phê là "Học sinh giỏi" nhưng chưa biết biết làm toán, làm văn… Các kiến nghị đã được Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh tiếp thu và giải trình./.

Trọng Quỳnh