QUỐC HỘI 24H: ĐIỂM TIN HOẠT ĐỘNG QUỐC HỘI NGÀY 10/10/2022

10/10/2022

''Khai mạc Phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp mặt Đoàn đại biểu những người làm xuất bản tiêu biểu; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tiếp Bộ trưởng Bộ Nông Lâm Phần Lan…'' là những thông tin nổi bật về hoạt động của Lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH trong ngày hôm nay (10/10/2022).

QUỐC HỘI 24H: ĐIỂM TIN HOẠT ĐỘNG QUỐC HỘI NGÀY 08/10/2022

* Sáng 10/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 16.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 16 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội 

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, đây là phiên họp thường kỳ của tháng 10/2022 và cũng là phiên họp cuối cùng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV dự kiến khai mạc vào ngày 20/10 tới.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, trong thời gian vừa qua, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đã phát huy rất tốt chức năng thẩm tra, giám sát để phục vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc chuẩn bị ý kiến cho Quốc hội xem xét những nội dung liên quan đến 3 lĩnh vực cả về lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia. Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn, trong phiên họp lần này Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần của phiên họp thường kỳ thứ 15, các phiên họp trước đây để ý kiến rất sâu sắc, tâm huyết, sôi nổi và rất trách nhiệm để chuẩn bị tốt nhất các nội dung trình ra để Quốc hội xem xét, cho ý kiến và quyết định những vấn đề quan trọng.

Xem nội dung chi tiết tại đây: CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: TRÁCH NHIỆM CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI LÀ NGÀY CÀNG PHẢI LÀM TỐT HƠN

Ngay sau phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 16 của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, dưới sự điều hành của Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiến hành xem xét, cho ý kiếm về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4 của Quốc hội; cho ý kiến về các báo cáo: Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3 của Quốc hội; Kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2022; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 09/2022.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với các nội dung của dự thảo Báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ Tư; đánh giá cao Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tích cực, chủ động tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân. Đồng thời đề nghị các cơ quan bổ sung các nội dung để báo cáo cô đọng hơn, nhất là việc thống nhất các số liệu, ý kiến, kiến nghị của cử tri. Bổ sung các danh mục kiến nghị gửi đến Kỳ họp thứ Ba, kiến nghị nào đã trả lời được, kiến nghị nào chưa; các nội dung về giải ngân, tình trạng các doanh nghiệp thành lập mới, sự kỳ vọng của cử tri vào chuyên đề giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, vấn đề giá xăng dầu…

Xem nội dung chi tiết tại đây: TỔNG THUẬT SÁNG 10/10: KHAI MẠC PHIÊN HỌP THỨ 16 CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

* Chiều cùng ngày, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủyban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV.

Báo cáo việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ, việc ban hành Nghị quyết này đã thể hiện sự phối hợp chặt chẽ, đoàn kết, thống nhất cao của các cơ quan Nhà nước và cả hệ thống chính trị, được Quốc hội, cử tri và đồng bào cả nước tích cực ủng hộ và thực hiện…

Xem nội dung chi tiết tại đây: TỔNG THUẬT CHIỀU 10/10: UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ BÁO CÁO CỦA CHÍNH PHỦ TỔNG KẾT, ĐÁNH GIÁ VIỆC THỰC HIỆN QUY ĐỊNH TẠI KHOẢN 3 NGHỊ QUYẾT 30/2021/QH15

* Chiều 10/10, tại phiên họp thứ 16 cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất rằng: Nghị quyết này là sáng kiến pháp luật đã tạo điều kiện cho Chính phủ điều hành phòng, chống dịch, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị trong điều kiện dịch bệnh COVID-19.

Nhắc lại bối cảnh ra đời của Nghị quyết 30, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ, thời điểm đó chưa hầu như chưa ai nghĩ đến việc này. Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã có trao đổi đặt vấn đề, với tình hình dịch bệnh như vậy, với khung khổ pháp lý như vậy thì không biết phòng, chống dịch ra làm sao. Do đó cần có đánh giá lại bối cảnh ra đời của Nghị quyết.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ đây là một sáng kiến lập pháp của Quốc hội và Chính phủ ra đồi một cách kịp thời, chưa có tiền lệ. Khởi đầu từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng nếu không có các Bộ, các Ủy ban của Quốc hội, không có đồng tình, nhanh chóng phối hợp giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Thủ tướng thì chắc chắn không có sáng kiến pháp luật này. Vì vậy cũng cần đánh giá thêm để thấy đực tính chủ động, tích cực bám sát thực tiễn của Quốc hội.

Xem nội dung chi tiết tại đây: NGHỊ QUYẾT 30/2021/QH15 – SÁNG KIẾN PHÁP LUẬT GÓP PHẦN HIỆU QUẢ VÀO PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH PHỤC HỒI KINH TẾ - XÃ HỘI

* Đề cập về việc điều chỉnh chính sách tiền lương, tại Phiên họp thứ 16, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm, việc tăng lương phải trên cơ sở thực hiện theo Kết luận của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Phát biểu khai mạc phiên họp 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại Phiên họp, liên quan báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022 - 2023, Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về phương án điều chỉnh tiền lương cơ sở (cho cán bộ, công chức, viên chức).

Lưu ý một nội dung mới cho ý kiến đối với vấn đề điều chỉnh lương cơ sở lần này là tiền lương với khu vực doanh nghiệp nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay, khu vực kinh tế tư nhân đã điều chỉnh tiền lương tối thiểu. Do đó, lần này, ngoài công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người có công với cách mạng, người nghỉ hưu hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội,… thì còn điều chỉnh mức lương khối doanh nghiệp Nhà nước. Cơ quan thẩm tra và các cơ quan cần cho ý kiến về vấn đề này.

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐỀ XUẤT ĐIỀU CHỈNH TĂNG LƯƠNG TRÊN CƠ SỞ KẾT LUẬN CỦA HỘI NGHỊ LẦN THỨ SÁU BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA XIII

* Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký Nghị quyết số 620/2022/UBTVQH15 về việc phê chuẩn cho thôi làm Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Khóa XV tỉnh Hòa Bình đối với ông Ngô Văn Tuấn, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, phụ trách Kiểm toán Nhà nước.

Trước đó, vào cuối tháng 7/2022, ông Ngô Văn Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình được Bộ Chính trị quyết định thôi tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình, thôi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình, điều động chỉ định giữ chức Bí thư Ban Cán sự Đảng Kiểm toán Nhà nước. Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết bổ nhiệm đồng chí Ngô Văn Tuấn giữ chức vụ Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, phân công phụ trách Kiểm toán Nhà nước.

Xem nội dung chi tiết tại đây: UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI PHÊ CHUẨN CHO THÔI LÀM TRƯỞNG ĐOÀN ĐBQH TỈNH HOÀ BÌNH

* Cũng trong sáng nay (10/10), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có buổi gặp mặt Đoàn đại biểu những người làm xuất bản tiêu biểu nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam (10/10/1952 – 10/10/2022).

Bày tỏ vui mừng được gặp mặt 86 đại biểu người làm xuất bản tiêu biểu - đại diện cho 57 nhà xuất bản và hàng ngàn cơ sở in, cơ sở phát hành trên cả nước về Thủ đô Hà Nội dự Lễ Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam (10/10/1952-10/10/2022), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, ngày 10/10/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 122/SL thành lập Nhà in Quốc gia. Sắc lệnh 122/SL đã mở ra một thời kỳ mới cho hoạt động xuất bản nước nhà. Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, song hành cùng bước phát triển của cách mạng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Đảng, ngành xuất bản, in và phát hành đã không ngừng lớn mạnh và có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Xem nội dung chi tiết tại đây: CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: 5 VẤN ĐỂ TRỌNG TÂM ĐỂ TRIỂN KHAI HIỆU QUẢ CÁC NHIỆM VỤ CỦA NGÀNH XUẤT BẢN GIAI ĐOẠN CHUYỂN ĐỔI SỐ

* Trước đó, chiều ngày 09/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác của Quốc hội đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thái Nguyên cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ truyền thống lịch sử cách mạng, tinh thần đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX; các Nghị quyết chuyên đề của Trung ương, của tỉnh. Quan tâm công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch. Khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, trình phê duyệt và tổ chức thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để khai thác, phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của tỉnh trên cơ sở phát triển và khai thác tối đa kết cấu hạ tầng hiện có.

- Cũng ngày, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác của Trung ương đã dự và cắt băng khánh thành tuyến đường Vạn Xuân, ở Thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên; dự và trao Nghị quyết 469/NQ-UBTVQH15 về việc thành lập các phường thuộc thị xã Phổ Yên và thành lập thành phố Phổ Yên, Thái Nguyên.

Xem nội dung chi tiết tại đây: CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ LÀM VIỆC VỚI BAN THƯỜNG VỤ TỈNH UỶ THÁI NGUYÊN

* Sáng ngày 10/10, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tiếp Ngài Antti Kurvinen, Bộ trưởng Bộ Nông Lâm Phần Lan. 

Phát biểu tại buổi tiếp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải mong muốn Phần Lan sớm phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) để tạo thuận lợi cho đầu tư của doanh nghiệp hai bên. Việt Nam mong muốn và sẵn sàng hợp tác với Phần Lan trong các lĩnh vực hai bên có thế mạnh, phù hợp với nhu cầu của hai bên; trong đó, mục tiêu ưu tiên là đạt được những kết quả tích cực về thương mại, tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác giữa các doanh nghiệp của hai nước, hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 2023.

Xem nội dung chi tiết tại đây: VIỆT NAM SẴN SÀNG HỢP TÁC VỚI PHẦN LAN TRONG CÁC LĨNH VỰC MÀ HAI NƯỚC CÓ THẾ MẠNH, PHÙ HỢP VỚI NHU CẦU CỦA HAI BÊN

* Cũng trong sáng ngày 10/10, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy - Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Hoa Kỳ làm việc với Đoàn Nghị sỹ Hạ viện Hoa Kỳ do Ngài Ami Bera-Chủ tịch Tiểu ban Châu Á-Thái Bình Dương của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ làm trưởng đoàn.

Tại buổi tiếp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Hoa Kỳ đánh giá cao phía Hoa Kỳ đã có những chia sẻ và hỗ trợ vaccine cho Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Nhận thấy tiềm năng của hai nước còn rất lớn nên hai nước có thể lựa chọn các nội dung, lĩnh vực tăng cường hợp tác trong thời gian tới phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mỗi nước…

Xem nội dung chi tiết tại đây: CHỦ NHIỆM ỦY BAN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG LÊ QUANG HUY LÀM VIỆC VỚI ĐOÀN NGHỊ SỸ HẠ VIỆN HOA KỲ

* Chiều nay ngày 10/10, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đã gặp mặt Đoàn đại biểu gia đình người khuyết tật tiêu biểu.

Tại cuộc gặp mặt, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, Đảng, Nhà nước và xã hội luôn quan tâm đến công tác người khuyết tật, đã ban hành, triển khai nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật chăm lo, bảo đảm quyền và phát huy vai trò của người khuyết tật, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội và phát triển bền vững. Công tác người khuyết tật đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể các cấp đối với người khuyết tật được nâng cao hơn, người khuyết tật ngày càng tự tin, hoà nhập thuận lợi hơn vào đời sống xã hội. Các cơ quan nhà nước triển khai nhiều hoạt động trợ giúp người khuyết tật, phát huy trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân trong việc chăm lo cuộc sống của người khuyết tật, tạo cơ hội bình đẳng nhằm đáp ứng tốt hơn quyền lợi chính đáng để người khuyết tật phát huy năng lực, vươn lên hoà nhập, đóng góp cho xã hội.

Xem nội dung chi tiết tại đây: CHỦ NHIỆM ỦY BAN XÃ HỘI NGUYỄN THÚY ANH GẶP MẶT ĐOÀN ĐẠI BIỂU GIA ĐÌNH NGƯỜI KHUYẾT TẬT TIÊU BIỂU

* Sáng ngày 10/10, tại Trụ sở Các cơ quan của Quốc hội, Thường trực Uỷ ban Xã hội của Quốc hội đã làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Pharma Group. Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai chủ trì buổi làm việc.

Tại cuộc làm việc, đại diện EuroCham cũng nêu một số đề xuất đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), dự án Luật Giá (sửa đổi), dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) và dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)...

Ghi nhận và trân trọng cảm ơn những góp ý tâm huyết của EuroCham, Pharma Group, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai nhấn mạnh, những kiến nghị này sẽ góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực y tế tại Việt Nam. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai cho biết, kiến nghị của EuroCham, Pharma Group bao quát nhiều vấn đề liên quan tới nhiều quy định tại luật hiện hành như cấp phép lưu hành thuốc, gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, kiểm nghiệm thuốc, thông tin thuốc…

Xem nội dung chi tiết tại đây: THƯỜNG TRỰC UỶ BAN XÃ HỘI LÀM VIỆC VỚI HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP CHÂU ÂU TẠI VIỆT NAM

* Đóng góp ý kiến vào Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Thiếu tướng Tống Viết Trung - Phó Tư lệnh Bộ tư lệnh Tác chiến không gian mạng đề xuất có đánh giá tác động kỹ hơn khi mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật đến tất cả hoạt động của đời sống xã hội để bảo đảm tính khả thi và bảo đảm an toàn, an ninh trong giao dịch điện tử.

Thay mặt Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng, đóng góp ý kiến vào Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Thiếu tướng Tống Viết Trung - Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng nhấn mạnh: Luật Giao dịch điện tử năm 2005 được xây dựng trên cơ sở Luật mẫu về Thương mại điện tử của Liên Hiệp Quốc. Đây được xem là luật khung, quy định những vấn đề kỹ thuật, đặc thù phát sinh trên môi trường điện tử. Luật Giao dịch điện tử năm 2005 đã cùng các luật liên quan tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giao dịch điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dân sự, kinh tế - xã hội cũng như hoạt động của cơ quan nhà nước.

Xem nội dung chi tiết tại đây: THIẾU TƯỚNG TỐNG VIẾT TRUNG: CẦN ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG KỸ HƠN KHI MỞ RỘNG GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ ĐẾN TẤT CẢ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỜI SỐNG XÃ HỘI

* Gần đây, “làn sóng" công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển từ khu vực công sang khu vực tư có xu hướng gia tăng. Đây cũng là một trong những trăn trở cử tri gửi tới Quốc hội trước tình trạng thiếu giáo viên, nhân viên y tế. Để giữ chân lực lượng này và thu hút nhân tài vào khu vực công, ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng cần có những giải pháp đột phá trước mắt bên cạnh những giải pháp lâu dài, mang tầm chiến lược...

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa, vấn đề dịch chuyển lao động giữa các khu vực là vấn đề không mới, đã và đang xảy ra từ nhiều năm nay. Đây là xu hướng tất yếu của quan hệ cạnh tranh về nguồn nhân lực chất lượng cao trong nền kinh tế thị trường, và quyền lựa chọn là ở người lao động.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, vấn đề này đúng là đang có dấu hiệu bất thường, đáng lo ngại. Bất thường vì số lượng công chức, viên chức chuyển việc, nghỉ việc khá lớn, lại ở diện rộng; không chỉ ở một vài ngành, mà nhiều ngành, nhiều cấp; không chỉ ở các vị trí hợp đồng mà là ở bộ phận trong diện biên chế, thậm chí ở cả các vị trí quản lý, lãnh đạo cấp sở ở địa phương, cấp cục vụ ở các Bộ ngành trung ương. Còn đáng lo ngại vì thực trạng đó tác động lớn tới tâm lý của cán bộ công chức, thậm chí tạo hiệu ứng tiêu cực, lây lan; gây ra sự thiếu hụt lực lượng lao động ở khu vực công, nhất là số công chức có năng lực, tất yếu ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các cơ quan hoạch định chính sách, khu vực cung cấp dịch vụ công, nhất là ngành giáo dục, ngành y tế. Riêng ngành Giáo dục đang trong lộ trình triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, vấn đề thiếu giáo viên đang là thách thức lớn, thêm sự gia tăng giáo viên nghỉ việc thì đúng là khó khăn chồng chất khó khăn, vì không sẵn nguồn tuyển, và độ hấp dẫn đang giảm...

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐBQH NGUYỄN THỊ MAI HOA: GIỮ CHÂN CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CẦN GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ TRƯỚC MẮT

* Theo ĐBQH Ngô Trung Thành – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật, một trong những điểm mới của dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) lần này chính là quy định về thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tạo cơ sở pháp lý minh bạch cho hoạt động thanh tra chuyên ngành tại các cơ quan này.

Đại biểu Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật tán thành với đề xuất này của Chính phủ, song cũng cho rằng, việc thành lập Thanh Tổng cục, Cục vẫn cần phải nghiên cứu các tiêu chí cụ thể để đảm bảo rằng việc thành lập thống nhất, không tuỳ tiện, không làm phát sinh biên chế, bộ máy, giúp thu gọn đầu mối các cơ quan thanh tra, tránh chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra.

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐBQH NGÔ TRUNG THÀNH: THÀNH LẬP THANH TRA TỔNG CỤC, CỤC TẠO CƠ SỞ PHÁP LÝ MINH BẠCH CHO CÔNG TÁC THANH TRA CHUYÊN NGÀNH

* Hôm nay, 10/10/2022 là ngày kỷ niệm 68 năm giải phóng thủ đô Hà Nội, một mốc son chói đỏ trong ký ức, lịch sử của thủ đô nghìn năm văn hiến. Trên những giai đoạn phát triển mới, với tầm nhìn mới hướng đến tương lai, Quốc hội luôn quan tâm xây dựng và phát triển Thủ đô xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước.

Là người từng trực tiếp lãnh đạo Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị-hành chính quốc gia, là trung tâm giáo dục, văn hóa, khoa học công nghệ, kinh tế, trung tâm giao dịch quốc tế của cả nước. Hà Nội vừa là Thủ đô, vừa là kinh đô ngàn năm văn hiến với những yếu tố văn hóa đậm nét. Qua chặng đường phấn đấu gian khổ nhưng rất đỗi vẻ vang, những thành quả các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô đã giành được là rất đáng tự hào, trân trọng. Trong những năm tới, Thủ đô ta có nhiều cơ hội để phát triển nhanh về mọi mặt; song bên cạnh đó có không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải tranh thủ thời cơ, nỗ lực vượt qua thách thức, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ, phát huy cao độ truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, vị thế, tầm vóc mới của Thủ đô thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao.

Xem nội dung chi tiết tại đây: THỦ ĐÔ HÀ NỘI: PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG, VỮNG BƯỚC TƯƠNG LAI

* Hôm nay ngày 10/10, là Ngày Truyền thống Luật sư Việt Nam, tôn vinh những người làm nghề cao quý, mang sứ mệnh bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ công lý, công bằng, xây dựng một nền tư pháp mang đậm tính nhân dân như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Ngày 10/10/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 46/SL tổ chức đoàn thể của Luật sư. Sắc lệnh 46/SL ngày 10/10/1945 đã trở thành dấu mốc quan trọng của nghề Luật sư Việt Nam. Đến ngày 14/01/2013, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định số 149/QĐ-TTg, chính thức lấy ngày 10/10 hàng năm là Ngày Truyền thống Luật sư Việt Nam, đây là dấu mốc đáng tự hào về nghề Luật sư.

Trong hơn 06 năm qua, liên đoàn đã có ý kiến đóng góp 139 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu của các cơ quan, trong đó có nhiều văn bản pháp luật quan trọng như: Các dự thảo luật Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tố tụng hành chính, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Đấu giá tài sản, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015... Các Đoàn Luật sư cũng triển khai nhiều hoạt động trong công tác tham gia xây dựng các đạo luật và các văn bản quy phạm pháp luật tại địa phương…

Xem nội dung chi tiết tại đây: LUẬT SƯ VIỆT NAM THÍCH ỨNG VÀ HỘI NHẬP, SẴN SÀNG CHO SỨ MỆNH CAO QUÝ

* Để thích ứng với tình hình mới và tận dụng cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư mang lại, ngày 27/9/2019, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Mới đây, tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tiếp tục nhấn mạnh, coi chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Để thích ứng với tình hình mới và tận dụng cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư mang lại, ngày 27/9/2019, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Trên cơ sở đó, ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030.

Xem nội dung chi tiết tại đây: CHUYỂN ĐỔI SỐ: PHƯƠNG THỨC MỚI CÓ TÍNH ĐỘT PHÁ ĐỂ RÚT NGẮN QUÁ TRÌNH CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA

* Trong ngày hôm nay (10/10), nhiều Đoàn ĐBQH các địa phương đã tổ chức tiếp xúc cử tri để báo cáo với cử tri dự kiến nội dung và chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, kịp thời nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng và các kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội và lấy ý kiến góp ý cho các Dự án Luật sẽ được trình tại Kỳ họp thứ 4 sắp tới:

- Sáng 10/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đắk Lắk đã tiếp xúc với cử tri huyện Ea Súp trước kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tham gia buổi tiếp xúc cử tri có các đại biểu: Lê Thị Thanh Xuân, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh; Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Nguyễn Thị Xuân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội. Cử tri huyện biên giới Ea Súp đã bày tỏ sự quan tâm đến nhiều vấn đề lớn của đất nước, như: công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; cải cách chế độ tiền lương; vấn đề liên kết vùng trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương...

- Cùng ngày, chuẩn bị chào mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri là cán bộ, hội viên, phụ nữ tiêu biểu của TP. Tại buổi tiếp xúc cử tri, có 21 ý kiến, kiến nghị với đại biểu Quốc hội liên quan đến chủ trương về công tác phụ nữ và bình đẳng giới, về chế độ bảo hiểm xã hội cho cán bộ không chuyên trách, góp ý các dự thảo Luật khám chữa bệnh, Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật đất đai… Với những ý kiến, kiến nghị của các cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội TP sẽ tiếp thu, tổng hợp đầy đủ chuyển đến Quốc hội và các bộ ngành chức năng xem xét giải quyết, thảo luận để tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách trong thời gian tới

- Cũng trong sáng 10/10, tại Bộ tư lệnh Quân khu 1 (tỉnh Thái Nguyên), Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đại biểu Quốc hội khóa XV dự hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề với cán bộ, chiến sĩ quân đội đóng quân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.

Phát biểu tại hội nghị, thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, Đại tướng Phan Văn Giang trân trọng cảm ơn Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 1, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, đại biểu cử tri đã quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để các đại biểu Quốc hội tỉnh được gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi với các đại biểu cử tri trước kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV. Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, Đại tướng Phan Văn Giang khẳng định đoàn đã tiếp thu, giải trình các ý kiến, kiến nghị của đại diện cử tri; chuyển các nội dung liên quan đến các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết, sau đó thông tin đến cử tri trong thời gian sớm nhất.

- Ngày 10/10, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tại hội nghị, Các đại biểu tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến về tính thống nhất, đồng bộ, liên thông của dự thảo Luật với Hiến pháp năm 2013 và pháp luật hiện hành; đề nghị làm rõ hơn quy định về quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong thu hồi đất vì mục đích quốc gia, công cộng; xem xét phân loại đất nông nghiệp phù hợp với thực tiễn để tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển nông nghiệp hàng hóa, công nghệ cao; quy định chi tiết tỉ lệ diện tích được phép xây dựng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; triển khai các dự án nhà ở xã hội; quy định về đất tín ngưỡng, đất tại khu làng nghề, khu dịch vụ làng nghề; nghiên cứu lại một số quy định cho phù hợp với các quy định tại các Luật khác như: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…

- Sáng 10/10, để phục vụ cho Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sắp tới, Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Lâm Đồng, đơn vị Tổ 1 gồm ông Nguyễn Tạo - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh, ông K’ Nhiễu - Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã tiếp xú cử tri Phường 6, TP Đà Lạt. Tại buổi tiếp xúc, cử tri đề nghị, Đảng, Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian tới; tăng cường quản lý các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin, du lịch; quan tâm hơn nữa chế độ làm việc của công chức cấp xã, phường, tổ dân phố; tăng cường bảo vệ, quản lý rừng, ngăn chặn việc phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp nhằm bảo vệ cảnh quan môi trường thiên nhiên; tăng cường quản lý trật tự xây dựng, xử lý tình trạng lấn chiếm lòng suối xây dựng công trình trái phép, gây ngập lụt.

- Sáng 10/10, tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV, ông Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Đoàn ĐBQH tỉnh đã tiếp xúc cử tri huyện Đất Đỏ. Tại buổi tiếp xúc, cử tri đã nêu ý kiến, kiến nghị về một số nội dung, như: có chính sách, chế độ tiền lương tốt hơn nữa để bảo đảm cuộc sống cho cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt trong các lĩnh vực y tế, giáo dục; khắc phục tình trạng thiếu trang thiết bị, vật tư tại các cơ sở điều trị y tế, nhất là với người bệnh sử dụng BHYT; có giải pháp bình ổn giá phân bón, thuốc BVTV để bảo đảm thu nhập cho nông dân; ngăn chặn, xử lý kịp thời tình trạng tội phạm công nghệ cao, trên không gian mạng…

- Sáng 10/10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Tại hội nghị, ý kiến các đại biểu tham dự đánh giá, Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước. Do đó, Luật sửa đổi cần đảm bảo sự nhất quán, ổn định, kế thừa của hệ thống pháp luật đất đai; phát triển các quy định đã được thực tiễn chứng minh là đúng, vận hành thông suốt. Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà quản lý đã tham gia góp ý kiến liên quan đến bất cập, hạn chế và đưa ra nhiều khuyến nghị sửa đổi Luật Đất đai. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An sẽ tổng hợp, trình các cấp có thẩm quyền nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai.

- Chiều 10/10, Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo góp ý kiến Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Các đại biểu tham dự Hội thảo thống nhất cao về sự cần thiết, tầm quan trọng của Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) để khắc phục những tồn tại, bất cập trong thực tiễn và góp phần hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu của đất nước trong thời kỳ hội nhập. Các đại biểu đề nghị cần có thêm một chương mới, dành riêng về hợp tác quốc tế bảo vệ người tiêu dùng, tương xứng với tầm quan trọng của công tác hợp tác quốc tế trong bảo vệ người tiêu dùng; cần có thêm những điều khoản quy định về cơ chế, biện pháp đảm bảo cho các quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng như điều chỉnh nội hàm “hành vi quấy rối người tiêu dùng” bao gồm trực tiếp hoặc gián tiếp với người tiêu dùng với mục đích của hành vi…

Trọng Quỳnh