Theo đó, sáng nay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ tập trung cho ý kiến về việc thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh và đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách thực hiện thí điểm cho Thành phố Hồ Chí Minh; báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hà Nội. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp
9h27: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luện Phiên họp
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đánh giá việc ban hành hai Nghị quyết này là quyết sách đúng đắn của Quốc hội, đồng thời đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của lãnh đạo Tp.Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, các Bộ, cơ quan liên quan đã khắc phục nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là 02 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, để triển khai thực hiện.
Các Nghị quyết bước đầu đóng góp vào sự phát triển của 2 thành phố, nhưng bên cạnh đó cũng còn hạn chế trong tổ chức thực hiện, phát huy các nguồn lực được phân cấp thí điểm.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra, ý kiến tham gia của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của Chủ tịch Quốc hội để hoàn thiện hai báo cáo.
Cụ thể, với Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh và đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách thực hiện thí điểm cho Thành phố Hồ Chí Minh, cần phân tích đánh giá thêm kết quả thực hiện Nghị quyết, hiệu quả mang lại về kinh tế, xã hội, đời sống cán bộ, công nhân viên chức, người dân, việc đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của Quốc hội khi trình Quốc hội ban hành Nghị quyết. Cần đánh giá kỹ hơn các cơ chế chính sách thí điểm, phân tích tác động cụ thể của từng chính sách, đánh giá kỹ hơn khâu tổ chức thực hiện, chỉ rõ nguyên nhân một số chính sách, cơ chế chưa thực hiện hiệu quả.
Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định cho phép Tp.Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54 đến hết 31/12/2023, đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 4.
Về Nghị quyết số 115/2020/QH14 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hà Nội, cần phân tích đánh giá thêm kết quả thực hiện Nghị quyết, hiệu quả mang lại về kinh tế, xã hội, đời sống cán bộ, công nhân viên chức, người dân. Cần đánh giá kỹ hơn các cơ chế chính sách thí điểm, kết quả và tác động cụ thể của từng chính sách đã thực hiện, khó khăn vướng mắc và giải pháp triển khai chính sách chưa thực hiện hoặc thực hiện hiệu quả chưa cao…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Tp.Hà Nội tập trung nguồn lực tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 115, có lộ trình nghiên cứu để đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật khi kết thúc các cơ chế chính sách thí điểm, nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền về cơ chế chính sách cho Tp.Hà Nội sửa đổi Luật Thủ đô để áp dụng khi hết thời hạn Nghị quyết 115.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội Đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến, chỉnh lý hoàn thiện báo cáo tổng kết, sơ kết hai Nghị quyết gửi Quốc hội và cơ quan thẩm tra để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.
9h22: Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tp. Hà Nội Trần Sỹ Thanh: Đề xuất quan tâm đến việc mỗi xe ô tô cần có 1 mã định danh riêng
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tp. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đồng tình với báo cáo của Chính phủ và báo cáo của cơ thẩm tra về Nghị quyết số 115/2020/QH14 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với Tp.Hà Nội.
Mặc dù báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với Tp.Hà Nội còn 2 năm nữa mới báo cáo nhưng theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tp.Hà Nội Trần Sỹ Thanh, trong báo cáo cần đề cập việc Quốc hội rất quan tâm đến sự phát triển của Thủ đô Hà Nội.
Tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tp. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, sẽ nghiên cứu để cụ thể những việc mà Thành phố chưa làm được.
Về mã định danh cá nhân đối với xe ô tô, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tp.Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề xuất với Quốc hội quan tâm đến việc mỗi xe ô tô cần có 1 mã định danh riêng.
Đối với việc sử dụng hạn mức tiền vay nợ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tp.Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng, cần có mức trần, nguồn tiền dự trữ để thực hiện các dự án lớn của Thủ đô.
9h14: Phó Chủ tịch UBND Tp.Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan: Đã chuẩn bị một Nghị quyết mới trình Quốc hội
Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch UBND Tp.Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, Thành phố đã chuẩn bị một Nghị quyết mới trình Quốc hội Lý giải về những hạn chế trong việc thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND Tp.Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết nguyên nhân có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Phó Chủ tịch UBND Tp.Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, có những việc đã được nêu rõ trong Nghị quyết nhưng việc triển khai trong thực tế không đơn giản, có những nội dung còn vướng với các quy định của Luật Đầu tư; chậm có phương án cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước…
Hiện tại, thành phố Hồ Chí Minh đã chuẩn bị một Nghị quyết mới trình Quốc hội với những nội dung mở rộng và toàn diện hơn. Phó Chủ tịch UBND Tp.Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan mong muốn nhận được sự ủng hộ và góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tạo điều kiện để thành phố Hồ Chí Minh phát triển và có nhiều nguồn thu hơn, để đóng góp nhiều hơn cho cả nước.
8h57: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Thực tiễn đã chứng minh thí điểm chính sách, cơ chế đặc thù là cần thiết và đúng đắn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao và ghi nhận các địa phương gồm Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh chủ động có sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội. Cơ bản tán thành với báo cáo thẩm tra, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận dù tài liệu có sự chậm trễ nhưng Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đã rất nhanh chóng, tập trung tiến hành thẩm tra kĩ lưỡng. Chủ tịch Quốc hội khẳng định nghị quyết là cần thiết, quá trình thực hiện đã cho thấy tính đúng đắn hỗ trợ thiết thực trong phát triển kinh tế xã hội cho 2 trung tâm lớn của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội làm rõ, trong quá trình thí điểm một số cơ chế chính sách được nghiên cứu để phổ cập hơn trước khi nghiên cứu xây dựng chính sách chung đại trà, như chính sách sử dụng ngân sách quận huyện có điều kiện hỗ trợ quận, huyện khó khăn hơn trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ an sinh xã hội. Thực tiễn áp dụng hiệu quả, chính sách này được tiếp tục cho thí điểm đối với Khánh Hòa. Thí điểm nếu tốt sẽ được nhân rộng. Đây là hướng đi đúng đắn, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Bên cạnh một số chính sách đi vào cuộc sống khá nhanh, bên cạnh đó, do nhiều nguyên nhân khách quan chủ quan, tác động của đại dịch ảnh hưởng đến việc thực hiện một số chính sách chưa thực sự đồng đều, hiệu quả chưa cao, tác động còn hạn chế.
Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, hạn chế trong thực hiện một số chính sách là tình hình chung không chỉ ở Hà Nội, Thành phố Chí Minh mà các địa phương khác cũng vậy. Trong đó, những cơ chế sử dụng các nguồn ngân sách thì các cơ quan, đơn vị tích cực đề xuất hơn, vì là chi nên dễ hơn. Còn những cơ chế, chính sách để động viên, khai thác, sử dụng các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội còn rất hạn chế như chính sách hưởng số thu của việc sắp xếp các cơ sở nhà đất của Trung ương trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Hay như thu phí dừng đỗ ô tô, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nếu như Hà Nội quản lý tốt chi phí thu phí dừng, đỗ ô tô thì nguồn lực không phải là ít nhưng nay lại chuyển sang cơ chế khoán thu phí sử dụng hè phố, vướng mắc sử dụng công nghệ thông tin trong việc thu phí dừng, đỗ ô tô.
Qua xem xét báo cáo, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ đồng tình với việc trình Quốc hội cho phép kéo dài thực hiện Nghị quyết 54 và đã kéo dài phải có thời hạn, ít nhất khoảng một năm. Trong thời gian đó các cơ quan có quỹ thời gian và có điều kiện để nghiên cứu, đánh giá, tổng kết thấu đáo hơn để đề xuất, một số chính sách có thể thể chế hoa bằng luật pháp chung, một số chính sách mới phải thí điểm thêm. Tương tự, Hà Nội nghiên cứu kinh nghiệm của Thành phố Hồ Chí Minh để tổng kết, đánh giá sớm hơn.
8h56: Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh: Cơ chế đặc thù này đang tập trung giảm bớt các thủ tục đầu tư, tăng thêm thu ngân sách và chế độ chính sách để cải thiện cho các thành phố lớn
Phát biểu tại phiên thảo luận sáng nay, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh thống nhất với các ý kiến phát biểu trước đó và báo cáo thẩm tra. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, cơ chế đặc thù này đang tập trung giảm bớt các thủ tục đầu tư, tăng thêm thu ngân sách và chế độ chính sách để cải thiện cho các thành phố lớn.
Trong quá trình hoàn thiện các chính sách mới, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị lưu ý, hiện chúng ta đang có chủ trương xây dựng Tp.HCM trở thành trung tâm tài chính mang tính khu vực và quốc tế, có những cơ chế, chính sách đặc thù gì cần thiết ở đây để thực hiện mục tiêu này thì nên nghiên cứu tập trung.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhận thấy, vấn đề hai thành phố lớn hay vướng mắc là vấn đề hạ tầng giao thông và phát triển đô thị. Cơ chế đặc thù thế nào hay đơn giản là tổ chức lại giao thông, đặc thù so với các nơi khác thế nào? Hay tạo điều kiện cho các dự án phát triển hạ tầng giao thông được tốt hơn, nhanh hơn để giải quyết các vấn đề lớn của hai đô thị lớn này… Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, các chính sách có thể nghiên cứu để mở rộng hơn để tạo điều kiện cho hai đô thị lớn này phát triển tốt hơn.
8h52: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định: Không cần ban hành một nghị quyết riêng của Quốc hội về kéo dài thời gian thí điểm
Góp ý tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thống nhất với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra kéo dài thời gian thực hiện thí điểm thêm một năm, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên phải dồn nguồn lực chống dịch.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định không cần ban hành một nghị quyết riêng của Quốc hội. Theo đó, Ủy ban Tài chính, Ngân sách thẩm tra và kiến nghị Quốc hội cho tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội, giao Chính phủ và thành phố Hồ Chí Minh tổng kết, báo cáo vào Kỳ họp thứ 6, tức là kéo dài thời gian thực hiện tổng kết 1 năm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng đề nghị, trong quá trình thực hiện thí điểm cũng cần nghiên cứu và tổng kết thực tiễn ngay trong quá trình thực hiện để đề nghị sửa luôn vào các luật trong năm 2023, bởi mục đích của việc thí điểm nếu thấy phù hợp với thực tiễn thì đưa vào luật. Còn đến khi hết thời gian thí điểm sẽ tiến hành tổng kết toàn bộ và đề xuất một cách tổng thể. Thời gian từ nay đến năm 2023 tiếp tục thực hiện và yêu cầu Chính phủ, thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện tốt yêu cầu Quốc hội đã quyết định trong Nghị quyết.
Tương tự, đối với thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ghi nhận những kết quả đạt được trong ba năm và yêu cầu Chính phủ, thành phố Hà Nội tiếp tục phối hợp các cơ quan để thực hiện thời gian còn lại, trong quá trình thực hiện Nghị quyết thường xuyên tiến hành tổng kết, sơ kết, nếu thấy vấn đề đã chín, đã rõ có thể đề xuất đưa vào Nghị quyết chung của kỳ họp Quốc hội trong năm 2023.
08h49: Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh: Cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về các cơ chế, chính sách đã thực hiện thí điểm
Cho ý kiến về việc thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.Hồ Chí Minh và đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách thực hiện thí điểm cho Tp.Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, cần có sơ kết Nghị quyết số 54/2017/QH14. Ngoài ra, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về các cơ chế, chính sách đã thực hiện thí điểm. Còn việc tổng kết Nghị quyết số 54 nên báo cáo Quốc hội vào Kỳ họp thứ 6 năm 2023.
Đối báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với Tp.Hà Nội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cũng nêu quan điểm là nên có báo cáo sơ kết thực hiện đối với Tp.Hà Nội. Để hoàn thiện báo cáo về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với Tp.Hà Nội, Chính phủ cũng nên hoàn thiện sửa đổi Luật Thủ đô để đến đúng thời điểm tổng kết, chúng ta trình Quốc hội xem xét Luật Thủ đô (sửa đổi).
8h39: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng: Đánh giá đầy đủ hơn về những chính sách chậm triển khai thực hiện
Tham gia thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, việc Chính phủ chuẩn bị và trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 hai báo cáo về tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế chính sách đối với Thành phố Hồ Chí Minh và sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 115 của Quốc hội về cơ chế chính sách đặc thù đối với Thành phố Hà Nội là phù hợp và đúng quy định Quốc hội giao Chính phủ trong các Nghị quyết.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật bày tỏ tán thành với ý kiến của Uỷ ban Tài chính, Ngân sách về những nhận xét, đánh giá những vấn đề Chính phủ báo cáo về kết quả thực hiện 5 năm đối với Nghị quyết 54 và 3 năm đối với Nghị quyết 115.
Về cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, với hai Nghị quyết, trong quá trình thực hiện và báo cáo của Chính phủ cho thấy có một số chính sách triển khai thực hiện chậm, một số chưa thực hiện vì nhiều lý do khác nhau, một số chính sách đã được pháp luật quy định áp dụng chung, không còn tính chất đặc thù, do đó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ cần có đánh giá đầy đủ và sâu sắc hơn với những chính sách chậm triển khai thực hiện.
8h31: Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh: Việc triển khai chính sách còn chậm, chưa tạo được hiệu quả rõ ràng
Tham gia thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đồng tình với các nội dung trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, đồng thời cho biết, trong thời gian qua, dù hai thành phố đã tích cực thực hiện hai Nghị quyết của Quốc hội, triển khai các chính sách, cơ chế đặc thù về đất đai, về phí, lệ phí, đầu tư, tài chính, ngân sách… tuy nhiên do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, đặc biệt là ở Tp.Hồ Chí Minh, tiến độ triển khai còn chậm, hiệu quả của các chính sách này còn chưa rõ ràng như kỳ vọng của Quốc hội.
Hai Nghị quyết này được ban hành nhằm tạo cú hích, dư địa để huy động các nguồn lực, tạo động lực phát triển cho hai đầu tàu kinh tế của cả nước. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng cần tổng kết quá trình thực hiện để nhìn nhận rõ những bài học kinh nghiệm rút ra, đề xuất thêm những cơ chế chính sách cần thiết phải tiếp tục áp dụng trong thời gian tới. Thành phố phải thực sự quyết tâm, nghiên cứu đưa ra những thay đổi, những chính sách mang tính đột phá hơn, đồng thời xem xét chính sách nào chưa đạt được hiệu quả để phân tích kỹ, có giải pháp, rút ra kinh nghiệm cụ thể.
Cụ thể, đối với cơ chế chính sách phân cấp quản lý về đất đai, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng cần báo cáo làm rõ các nội dung liên quan đến những vướng mắc về nguồn gốc đất, cơ chế xử lý của các bộ ngành, làm sáng tỏ điểm nghẽn ở quy định, thẩm quyền hay quy trình thủ tục, để tác động hiệu quả, giải quyết đúng vấn đề cốt lõi để khơi thông điểm nghẽn trong vấn đề này.
Về phí, lệ phí, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, việc thực hiện cơ chế đặc thù liên quan đến phí cảng biển đã tạo ra một số bất cập trong cạnh tranh phát triển giữa các cảng biển của Tp.Hồ Chí Minh và cảng biển các khu vực khác. Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị lãnh đạo hai thành phố báo cáo, làm rõ thêm và đánh giá, phân tích lại cơ chế đặc thù này.
Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, cơ chế giữ lại các khoản thu từ cổ phần hóa, thoái vốn còn chưa được triển khai kịp thời, chưa phát huy tác dụng rõ rệt, cần tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng để có giải pháp phù hợp.
8h26: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu điều hành nội dung thảo luận
Phát biểu điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Nghị quyết số 115/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội yêu cầu Chính phủ sơ kết việc thực hiện Nghị quyết báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2022; Nghị quyết 54 /2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu Chính phủ báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết tại kỳ họp cuối năm 2022 và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật và các cơ chế, chính sách đã thực hiện thí điểm.
Chính phủ đã thực hiện tổng kết, sơ kết hai Nghị quyết trên theo yêu cầu của Quốc hội. Tuy nhiên, Chính phủ mới chỉ báo cáo đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 54 và xin kéo dài việc thực hiện đến ngày 31/12/2023, chưa có đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật và về các cơ chế, chính sách đã thực hiện thí điểm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu báo cáo của Chính phủ; nghe báo cáo kiểm tra, đề nghị Thường vụ tập trung thảo luận một số vấn đề sau:
Thứ nhất, về Nghị quyết 54 /2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Thường vụ cho ý kiến về các vấn đề sau 5 năm thực hiện, kết quả đạt được đã đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đặt ra khi trình Quốc hội thông qua Nghị quyết 54 hay chưa?; Kết quả, hiệu quả của việc thực hiện từng chính sách trong Nghị quyết; Về chính sách thu nhập tăng thêm do Nghị quyết 54 ban hành trước nên chưa phù hợp tương đồng với Nghị quyết 27 của Trung ương; Nghị quyết 54 cho phép chi thu nhập tăng thêm không quá 1,8 lần mức lương ngạch, bậc, chức vụ, nhưng Nghị quyết 27 cho phép chi thu nhập tăng thêm không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản, đề nghị Ủy ban Thường vụ cho ý kiến về vấn đề này.
Về tổng kết nghị quyết và đề xuất kéo dài thời gian thực hiện, nhiều ý kiến cho rằng, do có hai năm bị ảnh hưởng dịch COVID-19 nên thời gian thực hiện chưa nhiều, chưa thể tổng kết được toàn diện các chính sách thí điểm. Vì vậy, thống nhất với mức độ tổng kết, đánh giá cao, đánh giá trong báo cáo của Chính phủ và thống nhất kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết thêm một năm để có thêm thông tin luận cứ đề xuất, kiến nghị cụ thể về các chính sách thí điểm; hoàn thiện hệ thống pháp luật, đề xuất cơ chế, chính sách mới phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, một số chính sách thí điểm đã áp dụng trong toàn quốc, một số chính sách triển khai không hiệu quả nhưng báo cáo của Chính phủ chưa làm rõ. Đề nghị Chính phủ tổng kết sâu sắc hơn và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật để áp dụng chung cho toàn quốc, đối với chính sách có hiệu quả, không kéo dài thời gian thí điểm. Về vấn đề này, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết riêng về tổng hệ tổng kết Nghị quyết 54 hay chỉ quy định một mục trong nghị quyết chung của kỳ họp.
Về nghị quyết 115 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến việc triển khai Nghị quyết 115 của Chính phủ, các Bộ, ngành và thành phố Hà Nội kết quả, hiệu quả của từng chính sách sau gần ba năm thực hiện Nghị quyết; khó khăn, vướng mắc trong triển khai các chính sách, giải pháp tháo gỡ.
8h07: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai trình bày Báo cáo thẩm tra việc thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh và đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách thực hiện thí điểm cho Thành phố Hồ Chí Minh; báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hà Nội
Báo cáo tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai cho biết, Thường trực Ủy ban Tài Chính, Ngân sách cơ bản thống nhất với Báo cáo của Chính phủ và đánh giá cao những nỗ lực của Thành ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) cùng nhân dân và toàn thể hệ thống chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh trong thực hiện Nghị quyết số 54. Qua đối chiếu với kết quả thực hiện 04 nhóm chính sách được thí điểm tại Nghị quyết số 54, cho thấy, việc triển khai đã đạt được một số kết quả có ý nghĩa quan trọng, góp phần để thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững trong tương lai.
Với 5 năm triển khai, trong đó có 2 năm chịu tác động của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện, song nổi lên một số kết quả đáng trân trọng: Thành phố đã thể hiện quyết tâm thực hiện với kế hoạch triển khai kịp thời; kết quả tăng trưởng, phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Hồ Chí Minh có sự đóng góp của việc thực hiện Nghị quyết 54; chính sách đặc thù về quản lý đất đai đã góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, đảm bảo việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được phê duyệt có hiệu quả, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội; các quy định về quản lý đầu tư; về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước đã góp phần tạo cơ chế chủ động, linh hoạt, bổ sung thêm nguồn lực trong thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Hồ Chí Minh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách nhận thấy còn một số hạn chế, vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết số 54; đặc biệt là một số chính sách liên quan đến đất đai, tài chính, ngân sách nhà nước còn chậm triển khai; có chính sách sau 05 năm vẫn chưa được thực hiện.
Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách đồng ý với đề nghị của Chính phủ về việc cho phép tiếp tục thực hiện Nghị quyết đến hết 31/12/2023; đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo việc đánh giá, tổng kết toàn diện, đầy đủ kết quả thí điểm và việc: “hoàn thiện hệ thống pháp luật về các cơ chế, chính sách đã thực hiện thí điểm và báo cáo Quốc hội” theo đúng quy định tại Nghị quyết 54…
Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai cho biết, Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách cơ bản thống nhất với Báo cáo của Chính phủ và đánh giá cao tinh thần quyết tâm, khẩn trương, những cố gắng và kết quả đạt được của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và cả người dân Hà Nội trong thực hiện Nghị quyết.
Các đại biểu tham dự Phiên họp
Với vai trò là thủ đô của cả nước, qua gần 03 năm thực hiện Nghị quyết, Thành phố đã hoàn thiện một bước khuôn khổ pháp lý về cơ chế quản lý tài chính, ngân sách phù hợp với yêu cầu phát triển, trình độ quản lý; huy động và chủ động sử dụng hiệu quả nguồn lực phát triển hạ tầng kinh tế- xã hội; tăng cường quan hệ hợp tác giữa thành phố Hà Nội với các tỉnh, thành trong cả nước; chia sẻ khó khăn, tăng cường gắn kết nguồn lực giữa các quận, huyện, thị xã trên địa bàn.
Bên cạnh kết quả đạt được, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai cũng chỉ ra, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, tiến độ thực hiện một số quy định trong Nghị quyết 115 còn chậm, trong đó có chính sách về phí thuộc thẩm quyền, đến nay, UBND Thành phố mới báo cáo HĐND thông qua 01/06 Đề án phí; việc sắp xếp lại các cơ sở nhà đất còn khó khăn; công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm, làm hạn chế việc bổ sung nguồn lực cho Thành phố; công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành có lúc chưa kịp thời; một số cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù của Nghị quyết khi triển khai còn phụ thuộc vào sự phối hợp, tiến độ thực hiện của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương liên quan; việc sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên để cải tạo, nâng cấp, mở rộng công trình chưa kịp thời…
8h05: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, sáng nay 12/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh và đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách thực hiện thí điểm cho Thành phố Hồ Chí Minh; báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hà Nội.
Dự phiên họp có: Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Cao Huy, Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Phó Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND Tp.Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân, đại diện Văn phòng Trung ương Đảng cùng một số ban ngành hữu quan.
Tiếp đến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai trình bày các báo cáo thẩm tra.