BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG (SỬA ĐỔI) ĐỦ ĐIỀU KIỆN ĐỂ TRÌNH QUỐC HỘI TẠI KỲ HỌP THỨ 4
ĐOÀN ĐBQH TỈNH HÀ TĨNH KHẢO SÁT XÂY DỰNG NGHỊ QUYẾT THÍ ĐIỂM CẤP QUYỀN LỰA CHỌN SỬ DỤNG BIỂN SỐ Ô TÔ THÔNG QUA ĐẤU GIÁ
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Trần Đình Gia chủ trì hội nghị.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Quốc hội khóa XII, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 ngày 17/11/2010. Trong gần 11 năm thực thi (2011 – 2022), các quy định của luật và các văn bản hướng dẫn thi hành đã góp phần thay đổi mạnh mẽ, tạo các khung khổ pháp lý cơ bản để đẩy mạnh công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Phó Giám đốc Sở Công thương Võ Tá Nghĩa báo cáo về công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, bối cảnh trong nước và quốc tế đã có nhiều thay đổi, quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng; nhiều quy định pháp luật, hình thức kinh doanh và xu hướng tiêu dùng mới đã xuất hiện, tác động và ảnh hưởng trực tiếp tới công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; sự phối hợp thực hiện một số nội dung về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn còn hạn chế, chồng chéo.
Trong bối cảnh đó, việc thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện nay đã phát sinh những vướng mắc, bất cập, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn.
Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Hà Tĩnh Trần Hữu Hạnh: Người tiêu dùng sử dụng thông tin cá nhân để thực hiện rất nhiều giao dịch, đặc biệt là các giao dịch trên môi trường mạng nên dễ bị đánh cắp hoặc tiếp cận thông tin trái phép nhưng vẫn không biết bị thiệt hại và rất khó khăn trong việc xác minh cũng như yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh chịu trách nhiệm và bồi thường thiệt hại.
Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) hiện có 7 chương, 80 điều. Dự thảo đã bổ sung thêm 1 chương mới về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù với tổ chức, cá nhân kinh doanh; sửa đổi khái niệm người tiêu dùng theo hướng xác định chính xác người tiêu dùng là các cá nhân thực hiện giao dịch vì mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân và gia đình…; bổ sung quy định về trách nhiệm của MTTQ và các tổ chức chính trị, xã hội trong việc tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là cần thiết nhằm kịp thời khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong thực tiễn; đồng thời, tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời kỳ phát triển mới.
Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thị Nhuần tham gia ý kiến góp ý dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Đại biểu đề nghị nghiên cứu sử dụng cụm từ phù hợp về giải thích từ ngữ tại Khoản 4 Điều 3 cụm từ “khuyết tật” có thể được hiểu là những khiếm khuyết của sản phẩm được thể hiện ra bên ngoài mà mắt thường có thể nhìn thấy, chưa thể hiện những khiếm khuyết liên quan đến chất lượng, thành phần bên trong của sản phẩm.
Về đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng tại Điều 12, đại biểu cho rằng, cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định cụ thể về mức độ hoặc giới hạn cụ thể hoàn cảnh nào người tiêu dùng phải cung cấp, công khai thông tin, đồng thời tránh việc xung đột với các quy định pháp luật liên quan đến bảo vệ thông tin cá nhân.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Phan Thanh Bá: Trên địa bàn tỉnh vẫn xuất hiện các hành vi gian lận thương mại, kinh doanh hàng lậu, hàng không có hóa đơn chứng từ, giả mạo nhãn hiệu…
Đại biểu cũng đề nghị về xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Điều 18, cần nghiên cứu xử lý theo hướng hành vi vi phạm, không nên ghi chung chung dẫn đến việc ban hành một nghị định xử phạt khác không phù hợp. Tại Khoản 1, đề nghị bỏ cụm từ “nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”, sửa thành: “Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính”...
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Trần Đình Gia ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu. Từ nay tới Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV (dự kiến ngày 20/10/2022) vẫn còn thời gian, đề nghị các đại biểu tiếp tục tham gia góp ý về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Trần Đình Gia phát biểu kết thúc hội nghị.
Các ý kiến sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh tiếp thu, tổng hợp đầy đủ gửi đến các cơ quan soạn thảo luật của Quốc hội để hoàn thiện dự án luật này trước khi trình Quốc hội.