ĐOÀN ĐBQH TỈNH NINH BÌNH LẤY Ý KIẾN GÓP Ý VÀO MỘT SỐ DỰ THẢO LUẬT

12/10/2022

Chiều 12/10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý vào một số dự thảo luật trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Đồng chí Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH NINH BÌNH KHẢO SÁT VIỆC THI HÀNH LUẬT HỢP TÁC XÃ NĂM 2012

Các đại biểu dự hội nghị.

Dự hội nghị có lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh Ninh Bình; lãnh đạo một số sở, ngành; đại biểu các huyện, thành phố.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Các đại biểu thống nhất, sửa đổi các luật này sẽ giúp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh; kịp thời thể chế hóa chính sách, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về khoa học và công nghệ cũng như quá trình chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Các ý kiến cho rằng 2 dự thảo Luật đã tương đối hoàn thiện, tuy nhiên vẫn cần xem xét, điều chỉnh về mặt thể thức trình bày đúng với quy định tại Nghị quyết số 351/2017/UBTVQH 14 quy định thể thức kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.

Bên cạnh đó, có rất nhiều thuật ngữ, khái niệm mới chưa được giải thích cụ thể, còn mang tính "định tính", nếu đưa vào thực hiện trong thực tế sẽ rất khó khăn...

Đối với dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), đại biểu đề nghị cần bổ sung quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng, những hành vi bị cấm (được quy định trong điều 15, 16, 17 của dự thảo Luật); trách nhiệm của người có ảnh hưởng trong thực hiện quảng bá sản phẩm. Với quy định về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp cần quy định sát đúng với quy định của Bộ luật Dân sự; quy định về các thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự có liên quan...

Đối với dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), cần có quy định cụ thể về giá trị pháp lý của giao dịch điện tử; chứng thực chữ ký điện tử đảm bảo thống nhất, khả thi. Bên cạnh đó, làm rõ cấu trúc tài khoản giao dịch điện tử; điều kiện có hiệu lực của hợp đồng điện tử; giải quyết tranh chấp phát sinh; bổ sung quy định giao dịch điện tử trong hợp đồng công chứng; cần làm rõ trách nhiệm giám sát của Nhà nước. Mặt khác, để đảm bảo tính khả thi của Luật, cần có những quy định về tính liên thông dữ liệu và cơ sở dữ liệu dùng chung, vấn đề chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý giao dịch điện tử...

Về thuật ngữ, còn có thuật ngữ sử dụng không thống nhất trong dự thảo; cần làm rõ các khái niệm như: Thông điệp dữ liệu, chứng thư điện tử, dịch vụ tin cậy, giao kết và hợp đồng điện tử.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình Trần Thị Hồng Thanh ghi nhận các ý kiến trách nhiệm, tâm huyết của đại biểu. Đồng thời trao đổi, thống nhất, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu, nhất là quan điểm, cơ sở lý luận, cơ sở chính trị và thực tiễn trong xây dựng dự thảo luật. Trên cơ sở các ý kiến góp ý của đại biểu, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình sẽ nghiên cứu, tổng hợp, tham gia ý kiến với Quốc hội để hoàn thiện các dự thảo luật.

(Theo Báo điện tử Ninh Bình)