Hội thảo về bảo đảm tính thống nhất của dự án Luật Đất đai (sửa đổi) với một số luật liên quan do Ủy ban Pháp luật đã phối hợp với Văn phòng Quốc hội, Tổ chức Hanns Seidel tại Việt Nam tổ chức. Hội thảo có sự tham dự của đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban Kinh tế, Tài chính - Ngân sách; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa, đại diện lãnh đạo các cơ quan hữu quan cùng các chuyên gia, nhà khoa học.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, với vị trí trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, Luật Đất đai là đạo luật hết sức quan trọng, có mối quan hệ chặt chẽ và ảnh hưởng lớn đến việc thực thi quy định của nhiều luật khác. Đây cũng là đạo luật phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước. Do vậy, việc sửa đổi toàn diện Luật Đất đai lần này là sự kiện có ý nghĩa chính trị, pháp lý đặc biệt quan trọng, có thể coi đây là nhiệm vụ lập pháp trọng tâm hàng đầu trong định hướng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XV.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc ngày 20/10 tới. Chủ trì thẩm tra dự án luật này là Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Tuy nhiên, nhiệm vụ của Ủy ban Pháp luật cũng không ít. Theo Kế hoạch số 329 /KH-UBTVQH15 ngày 30/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Pháp luật được giao nhiệm vụ thẩm tra về tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự án Luật với hệ thống pháp luật; quy định về nguyên tắc áp dụng Luật Đất đai; các quy định của dự thảo Luật liên quan đến địa giới hành chính; các quy định của dự thảo Luật liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất ở, đất xây dựng khu chung cư; các quy định của dự thảo luật liên quan đến việc xử lý chuyển tiếp. Trong đó, nội dung thẩm tra trọng tâm là sự thống nhất về nội dung giữa quy định trong dự thảo với các luật, nghị quyết hiện hành; sự thống nhất về nội dung giữa các quy định trong dự thảo với nhau; sự thống nhất về kỹ thuật văn bản.
Toàn cảnh hội thảo
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) phải đặt trong tổng thể của các dự án luật khác, làm sao bảo đảm tính đồng bộ bởi chỉ khi đồng bộ thì các quy định của Luật Đất đai mới phát huy được hiệu quả. Nếu không đảm bảo được tính đồng bộ sẽ gây mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc, tạo ra nhiều thủ tục phức tạp liên quan đến việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, liên quan đến các dự án đầu tư, đặt các nhà đầu tư vào “ma trận” của thủ tục, nhiều khi mâu thuẫn chồng chéo không thể giải quyết được.
Trong giai đoạn hiện nay, các cơ quan cũng đang nghiên cứu để trình Quốc hội sửa đổi toàn diện nhiều luật khác có liên quan như Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…Do đó, các nội dung đề xuất sửa đổi trong các dự thảo luật cũng rất cần được xem xét, bảo đảm sự phù hợp, thống nhất với nhau để có thể triển khai một cách đồng bộ khi có hiệu lực thi hành.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đặt vấn đề, trong mối quan hệ với Bộ luật Dân sự, vấn đề cần xem xét là tính thống nhất của quy định về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất; về quyền sử dụng không gian ngầm và khoảng không; quyền đối với bất động sản liền kề. Trong mối quan hệ với Luật Nhà ở, có nhiều vấn đề đang còn có ý kiến khác nhau, được các doanh nghiệp, người dân rất quan tâm như việc thu hồi đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại sử dụng các loại đất không phải là đất ở; việc thu hồi đất đối với dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, đất sử dụng ổn định lâu dài, đất xây dựng khu chung cư, xem xét mối quan hệ giữa dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với việc quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư theo thời hạn sử dụng của công trình khi sửa đổi Luật Nhà ở sắp tới.
Trưởng đại diện Tổ chức Hanns Seidel tại Việt Nam Michael Siegner phát biểu chào mừng
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị đánh giá, làm rõ mối quan hệ giữa quy hoạch sử dụng đất quốc gia và quy hoạch tổng thể quốc gia, mối quan hệ giữa quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và quy hoạch tinh và tính tương thích, đồng bộ giữa Luật Đất đai với Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu..
Thảo luận tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, nếu tính tổng số 112 luật, bộ luật mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đã liệt kê có liên quan đến Luật Đất đai thì số điều luật cần đối chiếu rà soát có thể lên tới hàng nghìn điều. Do đó, cần bám sát Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Phiên họp chuyên đề đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Kế hoạch số 329/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tiến hành rà soát, đối chiếu giữa các luật, xác định phương án xử lý phù hợp để giảm bớt sự thiếu nhất quán giữa Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản; xác định rõ nguyên tắc áp dụng pháp luật, mối quan hệ giữa giữa pháp luật đất đai và các luật chuyên ngành khác để vừa bảo đảm linh hoạt, phù hợp với thực tiễn.
Thảo luận về nội dung trong dự thảo Luật, về vấn đề liên quan đến dự án đầu tư và công trình xây dựng, đại diện Bộ Xây dựng cho rằng hiện nay một số quy định về tên gọi của loại dự án đang có sự khác nhau, do vậy đề xuất cần thống nhất tên của loại dự án với các luật trong đó có luật xây dựng. Liên quan đến tiêu chí các điều kiện đấu thầu, một số ý kiến cho rằng cần có quy định cụ thể rõ ràng hơn, đảm bảo thống nhất với luật đầu tư, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư, kinh doanh.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng đề nghị cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định đầy đủ, rõ ràng về việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện hợp tác kinh doanh và góp vốn bằng quyền sử dụng đất để tạo thành vốn điều lệ của doanh nghiệp, phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và quy định của Luật Đầu tư năm 2020.