ĐOÀN ĐBQH THÀNH PHỐ HÀ NỘI LẤY Ý KIẾN ĐÓNG GÓP VÀO DỰ THẢO LUẬT ĐẤU THẦU VÀ LUẬT GIÁ

14/10/2022

Sáng 14/10, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Dự thảo Luật Giá (sửa đổi). Đây là hai Dự án Luật sẽ được xem xét tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai chủ trì Hội nghị.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH TUYÊN QUANG LẤY Ý KIẾN GÓP Ý XÂY DỰNG LUẬT ĐẤU THẦU (SỬA ĐỔI) VÀ LUẬT GIÁ (SỬA ĐỔI)

ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH BẮC NINH LẤY Ý KIẾN ĐÓNG GÓP VÀO DỰ THẢO LUẬT ĐẤU THẦU SỬA ĐỔI, LUẬT GIÁ SỬA ĐỔI

Quang cảnh Hội nghị

Luật Đấu thầu cần có quy định phù hợp với Luật Đất Đai và Luật Xây dựng

Góp ý vào Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), Trưởng phòng Đấu thầu (Sở KH&ĐT Hà Nội) Nguyễn Hữu Lập cho rằng: Luật Đấu thầu cần phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan, nhất là Luật Đất Đai, Luật Xây dựng; đảm bảo tính thống nhất không chồng chéo đối với những nội dung quy định được đề cập trong các Luật.

Cụ thể, đối với nội dung đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất, cần cập nhật tinh thần sửa đổi của Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, ban hành năm 2023. Luật Đất đai quy định trường hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất không nên quy định chi tiết trình tự, thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất; nội dung này sẽ được quy định trong Luật Đấu thầu.

Đối với nội dung quy định về hợp đồng, đại diện Sở KH&ĐT cho rằng, đối với Hợp đồng các gói thầu xây lắp và các gói thầu tư vấn, phi tư vấn thuộc dự án đầu tư xây dựng đã được quy định rất chi tiết trong Luật Xây dựng, do vậy quy định tại Chương VI về Hợp đồng của Dự thảo Luật Đấu thầu chỉ nên đề cập quy định đối với các loại Hợp đồng khác Hợp đồng xây dựng.

Về hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt (quy định tại các điều 25, 26 và 27 Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi), đại diện Sở KH&ĐT Hà Nội đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định rõ thêm phương thức giao thầu (không thông qua quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu) để thực hiện các công trình khẩn cấp và các gói thầu cần thực hiện trong tình huống khẩn cấp. Ví dụ gói thầu mua sắm TTB Y tế, thuốc chữa bệnh... nhằm kịp thời trong tình huống phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, các nhiệm vụ để bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Đồng thời, đề nghị sửa đổi quy định về thẩm quyền quyết định lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Dự thảo Luật theo hướng trao thẩm quyền cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh được quyết định lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu thực hiện bằng vốn ngân sách địa phương để chủ động quyết định trong tình huống cấp bách, khẩn cấp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, các nhiệm vụ để bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Tại Hội nghị, đại diện BQL Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội đề nghị bổ sung quy định về việc giao tổ chức, cá nhân thực hiện đối với việc đầu tư xây dựng công trình xây dựng khẩn cấp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 130 của Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 48 Điều 1 của Luật số 62/2020/QH14.

Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng đóng góp ý kiến tại Hội nghị

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cho biết, tại mục 24 phụ lục danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá: Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT, Dự thảo ghi: "Đề xuất điều chỉnh tên gọi dịch vụ thành “Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT” (áp dụng với cả cơ sở tư nhân khi cung cấp dịch vụ thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT); Bộ Y tế quy định giá tối đa, UBND cấp tỉnh quy định giá cụ thể”.

Với quy định như trên tại Dự thảo, đối với giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại mỗi địa phương có thể sẽ có các miền giá khác nhau. Do đó, người có thẻ BHYT khi sử dụng dịch vụ khám bệnh chữa bệnh BHYT tại các địa phương khác nhau sẽ phải chi trả mức chi phí khác nhau, trong khi đó các dịch vụ kỹ thuật về chuyên môn là không khác nhau. Phó Giám đốc Sở Y tế góp ý, để đảm bảo tính đồng bộ, công bằng với với người có thẻ BHYT, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định theo hướng: Bộ Y tế ban hành giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT.

Ngoài ra, để thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, Sở Y tế đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, quy định đưa danh mục trang thiết bị, vật tư y tế vào danh mục Nhà nước quản lý giá.

Việc xác định chỉ số giá đảm bảo phù hợp với diễn biến giá cả thị trường

Bày tỏ ý kiến về Dự thảo Luật Giá (sửa đổi), đại diện BQL Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội nêu, đối với công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá cả thị trường và chỉ số: Tại Điều 7 Luật Giá có quy định nội dung quản lý Nhà nước về giá gồm công tác tổng hợp, phân tích và dự báo giá thị trường, nhưng thiếu các quy định điều chỉnh triển khai công tác này.

Đại diện BQL Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội góp ý tại Hội nghị

Tại Luật Giá chưa có quy định về việc sử dụng chỉ số giá trong công tác quản lý Nhà nước. Hiện nay một số pháp luật chuyên ngành có quy định về việc sử dụng chỉ số giá để điều chỉnh dự toán, giá cả, mức đầu tư... như Luật Đầu tư công quy định việc điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án đầu tư công trong một số trường hợp được thực hiện khi chỉ số giá có biến động lớn. Khi chỉ số giá trong thời gian thực hiện dự án lớn hơn chỉ số giá được sử dụng để tính dự phòng trượt giá trong tổng mức đầu tư dự án được cấp có thẩm quyền quyết định. Tuy nhiên, việc xây dựng chỉ số giá đề điều chỉnh dự toán, vốn,... cần được nghiên cứu gắn với phương pháp xác định chỉ số giá đảm bảo phù hợp với diễn biến giá cả thị trường và gắn với hiệu quả tài chính, đặc biệt tránh lãng phí, đội vốn ngân sách Nhà nước.

Việc quy định về điều kiện cấp, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thẩm định giá, hành nghề thẩm định giá tương đối mở dẫn đến số lượng doanh nghiệp thẩm định giá phát triển nóng, phá vỡ định hướng phát triển nghề trong giai đoạn 2013-2020. Mặt khác cũng dẫn đến việc một số doanh nghiệp thẩm định giá, cũng như các thẩm định viên hành nghề thiếu kinh nghiệm, chưa chủ động cập nhật, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn dẫn đến những sai phạm về chuyên môn nghiệp vụ...

Hiện Luật giá chưa có quy định chặt chẽ để đảm bảo tính ổn định về nhân sự của doanh nghiệp thẩm định giá - nhất là người đại diện theo pháp luật; chưa có quy định định tính về chất lượng hành nghề của thẩm định viên trong trường hợp phải đình chỉ hành nghề khi không đảm bảo chất lượng (ví dụ mỗi thẩm định viên hành nghề phải ký ít nhất 30 chứng thư thẩm định giá trong một năm).

Phó trưởng Đoàn ĐB Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu kết luận Hội nghị

Về quy định công khai thông tin trong Dự thảo Luật Giá (sửa đổi), đại diện Hiệp Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cho rằng: Đối với các mặt hàng nông sản thì không nên bắt buộc niêm yết giá bởi giá cả biến động theo thị trường, phụ thuộc tình hình giao thông, thời tiết. Nên quy định niêm yết giá, công khai giá đối với các mặt hàng sản xuất có tính định kỳ như nước mắm, dầu ăn...

Hiện nay, việc niêm yết công khai giá đối với mặt hàng thuốc đang thả nổi. Vì vậy, rất cần có bảng niêm yết giá công khai các loại thuốc thiết yếu, bảng giá niêm yết này đặt ở cửa hàng thuốc để người dân dễ dàng nắm được thông tin.

Kết luận Hội nghị, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai đánh giá, các ý kiến đã tập trung vào đúng các nhóm vấn đề, đóng góp toàn diện từ ngữ, khái niệm, nội hàm... của các điều luật để không hiểu nhiều nghĩa. Trong đó, quan tâm đến tăng cường phân cấp, phân quyền, phân rõ trách nhiệm, gắn với đầu mối chịu trách nhiệm kể cả việc quyết định giá, việc gắn với phương thức, hợp đồng; lộ trình thực hiện đảm bảo không xung đột giữa các Luật và các điều khoản trong một Luật...

Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã tiếp thu các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu các sở, ngành để truyền tải tới Quốc hội, các cơ quan soạn thảo trong quá trình xây dựng Luật.

(Theo Báo Kinh tế và Đô thị)