THÍ ĐIỂM ĐẤU GIÁ BIỂN SỐ XE Ô TÔ: BẢO ĐẢM CÔNG BẰNG, MINH BẠCH, ĐÁP ỨNG YÊU CẦU NGƯỜI DÂN

25/10/2022

Theo dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ngày mai (26/10), Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Đây là nội dung quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, được nhiều cử tri, nhân dân cùng các chuyên gia đặc biệt quan tâm với hy vọng những quy định mới sẽ đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng thu ngân sách

 

Theo dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ngày mai (26/10), Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Đây là nội dung quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, được nhiều cử tri, nhân dân cùng các chuyên gia đặc biệt quan tâm với hy vọng những quy định mới sẽ đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng thu ngân sách.

Trước đó, nội dung này đã được xem xét, cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tại phiên họp, trình bày Tờ trình của Chính phủ đề nghị bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, việc ban hành Nghị quyết sẽ nhằm tiếp tục thực hiện, thể chế hóa đầy đủ, chính xác chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản công, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản.

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Tại Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 quy định “kho số viễn thông và kho số khác phục vụ quản lý nhà nước” là tài sản công, do đó, biển số xe ô tô được coi là tài sản công. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về cấp quyền sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; loại biển số có thể đấu giá; xác định giá khởi điểm; phạm vi quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá biển số xe;… Việc cấp quyền sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá đấu giá là rất đặc thù, một số nội dung quy định thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.

Đồng thời, để đáp ứng nhu cầu của người dân trong việc lựa chọn, sử dụng “biển số đẹp” theo quan niệm của từng người sử dụng; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong việc cấp và sử dụng biển số xe, đăng ký xe; ngăn ngừa hành vi trục lợi từ việc cấp quyền sử dụng biển số ô tô; xác lập quyền sử dụng của biển số ô tô; tạo sự bình đẳng, công khai, minh bạch trong cấp và sử dụng biển số ô tô; tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước từ đấu giá biển số ô tô; đầu tư hệ thống cơ sở vật chất cho công tác đăng ký, cấp biển số phục vụ công tác quản lý nhà nước.

Mặt khác, trên thế giới nhiều nước đã thực hiện việc lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, như Mỹ, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Myanmar,…

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình của Chính phủ

Từ những phân tích trên, căn cứ điểm b khoản 2 Điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá là cần thiết.

Trình bày Báo cáo thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật nhất trí sự cần thiết xây dựng, trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Đồng thời nhận thấy nội dung của dự thảo Nghị quyết có 04 chính sách khác với quy định của luật hiện hành nên việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thực hiện thí điểm là phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thẩm quyền, hình thức văn bản. Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết cơ bản đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng lý giải vấn đề này đã chín, đã rõ và đạt sự đồng thuận cao, đồng thời, cũng là để khai thác hiệu quả tài sản công là kho số đăng ký xe ô tô, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước từ đấu giá, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của một bộ phận người dân và là cơ sở để tổng kết, đánh giá, kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan khi kết thúc thí điểm để thực hiện ổn định, lâu dài. Do đó, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật nhất trí với đề xuất của Chính phủ về thực hiện thí điểm trên phạm vi toàn quốc việc cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá với thời gian thí điểm là 03 năm.

Ủy ban Pháp luật tán thành với đề nghị của Chính phủ về việc trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua dự thảo Nghị quyết tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) theo quy trình tại một kỳ họp. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ giải trình rõ hơn về lý do đề xuất ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn và căn cứ để áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết nội dung này đã triển khai từ khóa trước với mong muốn sớm trình Quốc hội tuy nhiên do vướng dịch bệnh nên chưa làm được. Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng việc đấu giá biển số xe là hết sức cần thiết, vừa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người dân vừa bảo đảm công khai, minh bạch. Chủ tịch Quốc hội nhất trí với việc trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 4 để có thể sớm triển khai sẽ nhận được hoan nghênh của người dân.

Sau khi nghe trình bày Tờ trình, Báo cáo thẩm tra và qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 với 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.

Minh Hùng