LÀM RÕ HẠN CHẾ TRONG CÔNG TÁC CỔ PHẦN HOÁ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

28/10/2022

Bàn về tình hình kinh tế- xã hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa Xv, các đại biểu Quốc hội cho rằng tiến độ thực hiện công tác cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm so với kế hoạch đề ra, đề nghị Chính phủ có đánh giá kỹ hơn về vấn đề này, báo cáo rõ nguyên nhân, trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.

QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ MỘT SỐ Ý KIẾN KHÁC NHAU VỀ DỰ ÁN LUẬT THANH TRA (SỬA ĐỔI)

Cần làm rõ hạn chế trong công tác cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước

Một trong những nội dung quan trọng của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV là tổng kết, nhìn nhận, đánh giá quá trình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời gian vừa qua. Trao đổi tại các phiên thảo luận tổ, nhiều đại biểu Quốc hội đã đưa ra nhiều ý kiến thảo luận về tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, thực hiện các đột phá chiến lược.

Theo đó, nhiều ý kiến đánh giá tăng trưởng GDP 9 tháng ước đạt 8,83%, cả năm ước đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đặt ra là 6- 6,5% là kết quả nổi bật, là những thành tựu được thế giới đánh giá cao. Các đại biểu cũng cho rằng mặc dù tăng trưởng đạt kết quả cao, song nếu so với năm 2019 thì mức tăng trưởng chỉ là 5%, là một thách thức đối với mục tiêu tăng trưởng của cả nhiệm kỳ.

Các đại biểu Quốc hội nghiên cứu tài liệu tại Kỳ họp thứ 4

Có ý kiến cho rằng Chính phủ đã nỗ lực thực hiện thành công 03 đột phá chiến lược, trong đó tập trung ưu tiên và quyết liệt thực hiện xây dựng hệ thống thể chế, văn bản pháp luật. Các đại biểu nêu rõ, đối với việc thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hạ tầng, Quốc hội đã có những chủ trương cụ thể và quyết định kịp thời để triển khai các công trình, dự án trọng điểm quốc gia với tiến độ thực hiện tích cực.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng tiến độ thực hiện công tác cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm so với kế hoạch đề ra, ảnh hưởng đến số thu từ nguồn cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước. Một số đại biểu đề nghị Chính phủ có đánh giá kỹ hơn về vấn đề này để tăng nguồn thu trong thời gian tới; báo cáo rõ nguyên nhân, trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước. Tại phiên thảo luận tổ, có ý kiến đề nghị Quốc hội nhất trí với đề xuất của Chính phủ về cho phép kéo dài nguồn vốn thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện trong năm 2023.

Linh hoạt hơn trong điều hành thị trường bất động sản

Tham gia ý kiến về vấn đề ngân hàng, tín dụng, nợ xấu, cán cân thanh toán, tỷ giá hối đoái, nhiều đại biểu cho rằng, cần theo dõi chặt chẽ tài sản của các ngân hàng, tình hình nợ xấu và chú ý tăng cường giám sát an toàn,làm rõ vấn đề sở hữu chéo giữa ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản. Các đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ cần quan tâm hơn nữa trong việc quản lý ngoại hối, nhân tố bảo đảm tỷ giá giữ được ổn định là nguồn dự trữ ngoại hối và chính sách quản lý ngoại hối.

Các vấn đề của thị trường tài chính, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, lãi suất, nợ xấu, doanh nghiệp lớn vay số tiền chiếm tỷ trọng cao đối với dư nợ cho vay đối với 01 khách hàng dẫn đến tình trạng khi doanh nghiệp gặp vấn đề ảnh hưởng lớn đến an toàn hoạt động ngân hang. Các đại biểu đề nghị cần linh hoạt hơn trong điều hành thị trường bất động sản để giảm khó khăn cho thị trường tài chính, vì 2 thị trường này có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.

Bàn về vấn đề này, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý đề nghị cần nhấn mạnh những vấn đề nổi cộm trong thị trường vốn, thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, những vấn đề bất cập trong quản lý nhà nước; đánh giá kỹ hơn việc thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay thuộc nhóm giảm sâu nhất so với thế giới, trong khi lại tăng trưởng nóng trong thời gian chống dịch COVID-19; đánh giá rõ hơn vai trò, trách nhiệm quản lý, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước.

Dự toán thu ngân sách nhà nước cần sát với thực tế

Về thu, chi ngân sách nhà nước, nợ công, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước sát với thực tế hơn; việc xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước thấp, không sát với tình hình thực tế đã diễn ra trong nhiều năm, dẫn đến phân bổ chi ngân sách nhà nước còn hạn chế, thu hẹp không gian chính sách tài khóa.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng cơ cấu tăng thu ngân sách nhà nước chưa vững chắc; tăng thu chủ yếu là khoản thu một lần từ đất, còn thu bền vững từ doanh nghiệp thì lại cơ bản không đạt. Việc thu hồi vốn ngân sách nhà nước đầu tư tại các tổ chức kinh tế thấp so với dự toán là do tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp rất chậm.

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Cho rằng vấn đề chi thường xuyên, nhiều chính sách người dân không tiếp cận được, nhất là các đối tượng đồng bào dân tộc miền núi, người nghèo, một số đại biểu đề nghị cần quan tâm hơn đến mức chi từ ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học do đây là động lực phát triển nền kinh tế để có được nguồn nhân lực chất lượng cao. Mức chi cho giáo dục đại học của Việt Nam đang thấp hơn so với các nước trong khu vực và thế giới.

Các đại biểu đề nghị xem xét lại mức tính thuế thu nhập cá nhân trong bối cảnh người dân gặp khó khăn do tác động của dịch COVID-19; xem xét lại số liệu về ước bội chi ngân sách nhà nước năm 2022 do việc thực hiện phần vốn đầu tư vẫn chưa hết theo kế hoạch.

Một số ý kiến cho rằng tỷ lệ thu ngân sách trung ương ngày càng giảm, khó bảo đảm vai trò chủ đạo theo Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị. Đồng thời, đề nghị cần bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương để cân đối, điều hòa, đầu tư cho các địa phương khó khăn, các công trình quan trọng, tạo động lực cho phát triển kinh tế.

Ngoài ra, các đại biểu cũng cho rằng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đạt tỷ lệ rất thấp so với kế hoạch, đề nghị làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong vấn đề này. Có ý kiến đề nghị nghiên cứu, làm rõ thêm định hướng về việc bán phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp không thuộc danh mục Nhà nước cần nắm giữ nhưng có hoạt động hiệu quả, đem lại nguồn thu lớn, đóng góp cho việc xây dựng vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước./.

Minh Hùng