THẢO LUẬN TỔ 12 VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤU THẦU (SỬA ĐỔI): BẢO ĐẢM ĐỒNG BỘ, BÌNH ĐẲNG, THUẬN LỢI TRONG HOẠT ĐỘNG ĐẤU THẦU

07/11/2022

Chiều 07/11, theo chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), tại Tổ 12 gồm Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang, Bình Dương và Tp.Hải Phòng, các đại biểu đều tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu; kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập.

THẢO LUẬN TỔ 12: KHẲNG ĐỊNH SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ VỚI ĐẦY ĐỦ CƠ SỞ CHÍNH TRỊ, PHÁP LÝ VÀ THỰC TIỄN

THẢO LUẬN TỔ 12: QUY ĐỊNH CHẶT CHẼ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI TRÚNG ĐẤU GIÁ BIỂN SỐ XE ĐỂ TRÁNH TRỤC LỢI, ĐẦU CƠ

THẢO LUẬN TỔ 12: TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI 9 THÁNG ĐẦU NĂM 2022 LÀ MINH CHỨNG RÕ RÀNG VỀ HIỆU QUẢ CỦA CÁC CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐÃ BAN HÀNH

Tổ 12 gồm Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang, Bình Dương và Tp.Hải Phòng thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi)

Thảo luận tại Tổ, các đại biểu tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu; kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành; nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, khắc phục tình trạng đấu thầu hình thức; cắt bỏ một số thủ tục trình, thẩm định, phê duyệt ở cấp trung gian không cần thiết; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân định rõ trách nhiệm trong đấu thầu; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong đấu thấu, lựa chọn nhà thầu và quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước; phòng chống hiệu quả gian lận, tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đấu thầu..

Các đại biểu cho biết Luật Đấu thầu có liên quan đến rất nhiều Luật như Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Dầu khí và nhiều luật chuyên ngành khác…Tuy nhiên, một số quy định hiện hành về quy trình thực hiện đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, quy định các trường hợp đặc biệt liên quan đến nhiều luật chuyên ngành chưa thực sự phù hợp, thống nhất giữa các Luật. Các đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, đảm bảo thống nhất, đồng bộ các nội dung của dự thảo Luật và giữa Luật Đấu thầu với các luật khác.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương 

Đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng dự thảo Luật tiếp tục quy định “việc lựa chọn nhà thầu thuộc dự án có sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài theo quy định của điều ước quốc tế thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó” là chưa phù hợp bởi trên cùng một lãnh thổ Việt Nam có các dự án ODA thực hiện khác mà có các dự án vốn ngân sách lại thực hiện khác.

Ngoài ra, khi góp ý về phạm vi điều chỉnh, đại biểu Nguyễn Quang Huân nêu rõ, dự thảo Luật quy định đối với “Dự án đầu tư có sử dụng đất thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đất đai”.

Đại biểu phân tích, Luật Đấu thầu quy định cho đấu thầu cả về cung cấp hàng hóa, mua sắm thiết bị vật tư, thi công xây lắp và đấu thầu cả những dự án đầu tư phát triển. Thực tế trong các dự án đầu tư phát triển có sử dụng đất khác với các dự án chuyên về bất động sản nhưng lại đều phải đấu thầu theo Luật Đất đai. Trong khi tại điều 97 dự thảo Luật cũng lại quy định: “Trong thời gian từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành đến ngày Luật Đất đai năm 2023 có hiệu lực thi hành, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13.” Đại biểu cho rằng điều này sẽ gây ra tình trạng “luật này vướng luật kia”.

Đại biểu Nguyễn Văn Dành – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương 

Cùng góp ý về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Văn Dành – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng việc phạm vi điều chỉnh của Luật bỏ “dự án đầu tư phát triển sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng” so với Luật hiện hành sẽ thu hẹp phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu và điều này có thể dẫn đến thiếu chặt chẽ trong quản lý vốn của nhà nước tại doanh nghiệp, sẽ có khoảng trống pháp lý nếu không khéo sẽ dẫn đến tùy tiện trong quá trình tham gia thực hiện việc quản lý tại doanh nghiệp.

Trong khi đó, góp ý về việc bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu, đại biểu Nguyễn Văn Dành - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho biết Điều 6 dự thảo Luật quy định: “1. Nhà thầu nộp hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các nhà thầu tư vấn lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển; đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển; thẩm định kết quả mời quan tâm, kết quả sơ tuyển. 2. Nhà thầu tham dự thầu phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các bên sau đây: Chủ đầu tư, bên mời thầu; Các nhà thầu tư vấn quản lý dự án; nhà thầu tư vấn lập, thẩm tra, thẩm định hồ sơ thiết kế, dự toán; lập, thẩm định nhiệm vụ khảo sát, thiết kế; lập, thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu đó; Các nhà thầu khác cùng tham dự thầu trong một gói thầu đối với đấu thầu hạn chế.

Đại biểu Nguyễn Văn Dành cho rằng cần phải giải thích rõ thêm tính độc lập về pháp lý cũng như độc lập về tài chính trong quy định này. Đại biểu phân tích, thời gian qua, một số dự án đầu tư có doanh nghiệp nhà nước tham gia phần lớn là theo hợp đồng hợp tác công tư hoặc mua sắm mà doanh nghiệp nhà nước có thể do Ủy ban nhân dân tỉnh đại diện chủ sở hữu. Với quy định như dự thảo là hạn chế các doanh nghiệp nhà nước tham gia việc đấu thầu là không bình đẳng.

 Đại biểu Lã Thanh Tân – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng

Trong khi đó, một số doanh nghiệp nhà nước hiện nay có năng lực tài chính rất mạnh, có năng lực tham gia vào các nội dung liên quan thực hiện các dự án của nhà đầu tư có liên quan tới vốn nhà nước thì sẽ rất hạn chế. Do đó, đại biểu đề nghị cần làm rõ thêm độc lập về tài chính, độc lập pháp lý như thế nào để huy động được tất cả các doanh nghiệp tham gia đấu thầu.

Cùng quan điểm về việc cần cân nhắc vấn đề độc lập tài chính liên quan đến quy định bảo đảm cạnh tranh trong đầu thầu, đại biểu Lã Thanh Tân – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng cho biết thêm, thực tế còn có các trường hợp nhà thầu tư vấn, các công ty đại chúng đã niêm yết hoặc công ty cổ phần đã có cổ phần chào bán sàn khi tập trung hoặc trường hợp sở hữu chéo yếu tố độc lập… cần phải làm rõ. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị là cơ quan soạn thảo có rà soát, chỉnh lý về các hành vi cấm trong dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp với các chế tài của pháp luật hình sự, pháp luật hành chính.

Đại biểu Hoàng Hữu Chiến – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang 

Đại biểu Hoàng Hữu Chiến – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang thì đề nghị nghiên cứu thêm những quy định kỹ hơn, sâu hơn về hồ sơ cũng như giá trị pháp lý của các loại hồ sơ mời thầu, đấu thầu số, chữ ký số…trong quá trình đấu thầu, lựa chọn nhà thầu để phục vụ cho xây dựng Chính phủ điện tử. Đồng thời cho biết trong đại dịch COVID-19 các dự án đấu thầu mua sắm trực tiếp đều không thực hiện được, do đó cần nghiên cứu để có thêm quy định về đàm phán trực tuyến, đặc biệt là với các đối tác quốc tế.

Về chỉ định thầu, đại biểu Hoàng Hữu Chiến cho biết dự thảo Luật sửa đổi nhiều quy định so với hiện hành nhằm tháo gỡ khó khăn nhất là trong lĩnh vực về y tế, song cũng đề nghị rà soát làm rõ một số trường hợp để bảo đảm thống nhất với pháp luật chuyên ngành, xác định trường hợp bất khả kháng, dự án cấp bách để bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, an ninh quốc gia./.

Bảo Yến - Phạm Thắng