TỔNG THUẬT NGÀY 08/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM; CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN; CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG NĂM 2022
Toàn cảnh phiên họp
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu đều thống nhất rằng trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 33/2021/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến đã thể hiện quyết tâm của Quốc hội, Chính phủ trong việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xét xử và được cử tri, Nhân dân đánh giá cao.
Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết, Tòa án nhân dân tối cao cũng đã khẩn trương chủ động chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan ban hành các văn bản và tổ chức hướng dẫn triển khai thực hiện việc xét xử trực tuyến. Mặc dù trong bối cảnh khó khăn, chưa bố trí được kinh phí đầu tư trang thiết bị phục vụ cho phiên tòa trực tuyến, nhưng theo báo cáo đến hết ngày 30/9/2022 toàn hệ thống Tòa án đã tổ chức xét xử trực tuyến được 3.614 vụ án.
Thống nhất, đồng tình với kết quả bước đầu của việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh vấn đề này đã đánh dấu bước đột phá trong cải cách tư pháp của hệ thống tòa án, khẳng định việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 33/2021/QH15 là rất cần thiết và kịp thời.
Đại biểu phân tích thêm, từ khi nghị quyết được ban hành và Thông tư liên tịch số 05 ngày 15/12/2021 giữa các cơ quan quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến được ban hành và chính thức có hiệu lực là sau 11 tháng nhưng đã có 662 tòa án, trong đó có tòa 33 tòa án nhân dân cấp cao, 62 tòa án nhân dân cấp tỉnh và 557 tòa án nhân dân cấp huyện đã tổ chức xét xử trực tuyến đối với 3.614 vụ án. Có thể thấy, so với tổng số vụ việc đã được giải quyết trong năm là 504.681 vụ việc là không cao, chỉ chiếm 0,7% nhưng trong cả nước, số tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện đã tổ chức được phiên tòa trực tuyến là tương đối cao.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh
Bằng việc các phiên tòa xét xử trực tuyến được lên kế hoạch, chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo các điểm cầu hình ảnh, âm thanh rõ ràng, những người tiến hành tố tụng thực hiện đúng trình tự, thủ tục, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh kết quả nổi bật của việc tổ chức các phiên tòa trực tuyến như giảm thiểu tối đa các rủi ro có thể xảy ra cho người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, có thể phát sinh từ việc đi lại, di chuyển hồ sơ, vật chứng đến địa điểm mở phiên tòa; tạo điều kiện để đông đảo người dân quan tâm vụ việc có thể theo dõi quá trình xét xử; giảm các thủ tục và chi phí không cần thiết cho người dân. Các phiên tòa được ghi hình, có âm thanh, lưu trữ hình ảnh, đảm bảo trích cứu khi cần thiết.
Ấn tượng với số liệu báo cáo về tình hình thực hiện, đại biểu Đặng Bích Ngọc – Đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình ghi nhận kết quả trên cho thấy sự quyết tâm của các cơ quan tiến hành tố tụng mà nòng cốt là các tòa án, khắc phục khó khăn trước mắt để đưa Nghị quyết của Quốc hội thực thi trên thực tiễn, góp phần đảm bảo tư pháp không chậm trễ, xét xử nhanh chóng, kịp thời, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, tạo cơ chế thuận lợi để bị can, bị cáo, đương sự, tổ chức và cá nhân tham gia phiên tòa, giảm thiểu thời gian cho người dân, cơ quan, tổ chức khi tham gia phiên tòa, đặc biệt là tiết kiệm chi phí cho xã hội và người dân.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc – Đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình
Đại biểu Đặng Bích Ngọc cho biết thêm, qua trực tiếp theo dõi một số phiên tòa cho thấy việc tổ chức phiên tòa đã đảm bảo tính tôn nghiêm của pháp luật, chất lượng hình ảnh, âm thanh rõ nét. Đặc biệt là việc tổ chức phiên tòa trực tuyến sẽ giúp đương sự, bị can, bị cáo đang cư trú hoặc bị tạm giam ở những vùng có dịch, vùng bị thiên tai hoặc vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc khó khăn dễ dàng tham gia phiên tòa mà không phải đến trực tiếp, giúp bảo vệ quyền và lợi ích của các cá nhân, tổ chức, góp phần trong công tác phòng, chống dịch và ổn định trật tự xã hội.
Tuy nhiên, hiện nay các trang thiết bị phục vụ xét xử trực tuyến của các Tòa án, cơ sở giam giữ chưa được đầu tư đồng bộ, phần lớn thiết bị là đi mượn, cho thuê và tận dụng các thiết bị từ phòng họp trực tuyến hiện có, chuyển đổi công năng để tổ chức xét xử. Do vậy, đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần tăng cường nguồn lực đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho hoạt động này. Đồng thời, đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an sớm đề xuất, có giải pháp khắc phục, xử lý triệt để các tồn tại nêu trên, nhằm đảm bảo việc thực thi Nghị quyết 33/2021/QH15 của Quốc hội hiệu quả hơn.
Có cùng phản ánh, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cho biết, một số vụ án lớn đặc biệt nghiêm trọng được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử, nhiều vụ án hàng trăm người tham gia tố tụng, có những vụ án lên tới gần 700 người, gồm có bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác, trong khi cơ sở vật chất, phòng xét xử tại các Tòa án được xây dựng từ những năm 90 đã xuống cấp nghiêm trọng, việc ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số, vận hành hiệu quả phần mềm trợ lý ảo giám sát, điều hành của Tòa án còn gặp nhiều khó khăn, do thiết bị công nghệ thông tin chưa được trang bị đầy đủ và thiếu đồng bộ. Vụ việc ngày càng tăng, tính chất ngày càng phức tạp, trong khi đó, nguồn lực hiện tại về con người cũng như cơ sở vật chất của tòa án các cấp và các cơ quan tư pháp còn thiếu, vì vậy gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.
Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh
Đại biểu đề nghị Quốc hội tiếp tục có cơ chế phân bổ nguồn lực để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp trụ sở các tòa án cấp tỉnh, cấp huyện, các trại tạm giam các tỉnh, các kho vật chứng của cơ quan thi hành án để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Riêng tòa án, đến thời điểm này có hơn 20 tòa án cấp tỉnh và hơn 100 tòa án nhân dân cấp huyện có nhu cầu cấp bách về xây dựng hoặc sửa chữa mới.
Mặt khác, việc thực hiện chuyển đổi số quốc gia, xây dựng tòa án điện tử, tổ chức phiên tòa trực tuyến còn gặp một số khó khăn, hạ tầng kỹ thuật chưa đảm bảo, trang thiết bị phục vụ xét xử trực tuyến tại các tòa án và điểm cầu thành phần tại các cơ sở giam giữ chưa được đầu tư đồng bộ, phần lớn các thiết bị phải thuê mượn hoặc chuyển đổi từ phòng họp để tổ chức xét xử trực tuyến. Đại biểu đề nghị Bộ Công an, Tòa án tối cao kịp thời trang bị cơ sở vật chất, thiết bị công nghệ thông tin, phòng xét xử tại điểm cầu trung tâm tòa án và điểm cầu thành phần tại các trạm tại trại tạm giam và các cơ quan tư pháp tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nhiệm vụ của mình.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Quốc hội xem xét tăng số lượng thẩm phán, thư ký cho Tòa án các cấp, đặc biệt là thẩm phán sơ cấp, trung cấp cho các tòa án. Từ năm 2017 đến nay các tòa án phải giải quyết tăng 5.000 vụ án một năm, với áp lực công việc rất lớn, trong khi thời hạn tố tụng phải đảm bảo theo quy định pháp luật. Số lượng biên chế Quốc hội giao và cho phép giữ nguyên như năm 2012, đến thời điểm này là không còn phù hợp và không đáp ứng yêu cầu.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị Tòa án nhân dân tối cao cần đánh giá đầy đủ hơn về kết quả thực hiện phiên tòa trực tuyến, đặc biệt những khó khăn, bất cập hiện nay trong việc thực hiện để có giải pháp thực hiện đồng bộ.Kiến nghị với Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao quan tâm phát huy hiệu quả của tòa án điện tử, trợ lý tòa án ảo, khai thác có hiệu quả kho dữ liệu lớn của Tòa án nhân dân tối cao, cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ cho công tác xét xử. Tập trung đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị xét xử trực tuyến cho hệ thống Tòa án nhân dân các cấp, đảm bảo đồng bộ về công nghệ, đường chuyền theo đúng yêu cầu kỹ thuật của Tòa án nhân dân tối cao. Tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về xét xử trực tuyến như đã nêu ở trên. Xây dựng quy định pháp luật về tổ chức đối thoại, hòa giải trực tuyến cũng như các quy định về xét xử trực tuyến đối với các vụ án hành chính dân sự./.