ĐBQH HOÀNG VĂN CƯỜNG: VIỆT NAM KHÔNG THỰC HIỆN NHỮNG GIẢI PHÁP QUÁ VỘI VÀNG

09/11/2022

Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường- Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội, trong 2 năm qua, Việt Nam đã rất thành công trong điều hành chính sách tài khóa. Đó là chúng ta không thực hiện những giải pháp quá vội vàng, không giật cục, để tạo ra những “cú sốc” đối với nền kinh tế.

QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN KẾT QUẢ PHÁT TRIỂN KT-XH NĂM 2022, DỰ KIẾN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KT-XH NĂM 2023

Tình hình kinh tế trên thế giới đang được đánh giá là có mức lạm phát rất cao. Những  đồng tiền lớn như đồng đô la Mỹ, đồng tiền chung Châu Âu liên tục được tăng lãi suất. Từ tháng 3/2022 đến nay, Ngân hàng Dữ trữ Liên bang Mỹ đã 6 lần tăng lãi suất để thu hút dòng tiền từ trong Nhân dân vào ngân hàng. Đồng đô la Mỹ lên giá mạnh, gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất, tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát.

Để đối phó với tình trạng lạm phát tăng cao, Ngân hàng Nhà nước vừa thông báo điều chỉnh mức lãi suất trần tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm đồng loạt tăng từ 0,5 - 1%/năm. Ngay sau động thái nâng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, cuộc đua huy động tiền gửi tiếp tục tăng nhiệt khi nhiều ngân hàng nâng lãi suất lên các mức cao mới, trung bình 8 - 9%/năm.


Trong bối cảnh tăng lãi suất để cân đối được tỷ giá khá ổn định và đảm bảo chống được lạm phát là điều cần thiết.

Liệu việc tăng lãi suất khiến chúng ta cần có những chính sách linh hoạt ra sao để điều hành kinh tế vĩ mô, chống được lạm phát và hỗ trợ tốt cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh? Xung quanh vấn đề này, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội phỏng vấn đại biểu Hoàng Văng Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Tp.Hà Nội.

Phóng viên: Đại biểu đánh giá như thế nào về việc Ngân hàng Nhà nước liên tục tăng lãi suất trong thời gian gần đây?

ĐBQH Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hộiTình hình kinh tế trên thế giới đang được đánh giá là có mức lạm phát rất cao. Những  đồng tiền lớn như đồng đô la Mỹ, đồng tiền chung Châu Âu liên tục được tăng lãi suất. Khi các đồng tiền lớn tăng lãi suất thì vô hình chung đẩy đồng tiền Việt Nam sẽ mất giá theo và tỷ giá của Việt Nam ngay lập tức phải tăng nhanh. Nếu như chúng ta để cho tỷ giá tăng cao sẽ dẫn đến các hoạt động về xuất nhập khẩu, ảnh hưởng ngay đến vấn đề cân đối ngân sách, ngoại tệ cho các doanh nghiệp. Như vậy là rất rủi ro, buộc chúng ta phải có biện pháp để điều chỉnh, không phải là giữ tỷ giá nhưng phải kiểm soát tỷ giá ở mức phù hợp, để làm sao trong bối cảnh lạm phát như thế thì nó cũng không bị ảnh hưởng quá lớn.

Nếu như chúng ta chỉ dùng biện pháp đơn thuần là bán ngoại tệ ra ngoài thị trường hay cung cấp ngoại tệ nhiều hơn để giữ tỷ giá thì các ngân hàng sẽ không thể đủ lượng ngoại tệ lớn để dự trữ. Như vậy, trong trường hợp đó buộc các ngân hàng phải nâng giá đồng tiền VND bằng cách tăng lãi suất. Trong bối cảnh tăng lãi suất để cân đối được tỷ giá khá ổn định và đảm bảo chống được lạm phát như các nước đang làm thì là một điều cần thiết.


Đại biểu Hoàng Văng Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội.

Tuy nhiên, chúng ta đều biết tác động rất lớn của tăng lãi suất dẫn đến chuyện làm cho nguồn vốn cung cấp cho các doanh nghiệp sẽ bị khó khăn. Đặc biệt là các doanh nghiệp đang trong bối cảnh phục hồi sản xuất kinh doanh, hiệu quả chưa cao mà bây giờ phải trả lãi suất vốn cao thì có thể sẽ có nguy cơ đình trệ sản xuất. Do vậy, việc tăng lãi suất là cần thiết để điều hòa nhịp nhàng giữa tỷ giá với lãi suất nhằm khắc phục thấp nhất tác động của việc biến động đồng tiền trên thế giới.

Tôi cho rằng, trong 2 năm qua, Việt Nam đã rất thành công trong điều hành chính sách tài khóa. Đó là chúng ta không thực hiện những giải pháp quá vội vàng, không giật cục, để tạo ra những “cú sốc” đối với nền kinh tế.

Phóng viên: Theo đại biểu, việc tăng lãi suất nên ở mức nào là phù hợp và đến khi nào thì các ngân hàng có thể hạ dần lãi suất xuống được?

ĐBQH Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội: Hiện nay, rất khó nói rằng liệu lãi suất tăng đến đâu thì hạ xuống. Điều đó rất khó để đánh giá mà phải phụ thuộc vào quan hệ thị trường.

Chúng ta phải xem xét đồng tiền Việt Nam đang vận hành ra sao, tham gia vào quan hệ xuất nhập khẩu đang biến động như thế nào. Chúng ta không thể giữ giá đồng tiền của mình không biến động trong khi các đồng tiền khác tăng giá. Phải chấp nhận mất giá đồng tiền ở một giới hạn nào đó, nhưng phải cân nhắc, nếu đồng tiền mất giá quá thì nhà đầu tư, người dân sẽ bị ảnh hưởng.

Chúng ta cũng phải chấp nhận tỷ lệ lạm phát ở một mức độ nhất định, không thể giữ yên tỷ lệ lạm phát trong khi lạm phát thế giới tăng cao. Tuy nhiên, chúng ta phải cân nhắc, nếu để lạm phát tăng cao sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân và sản xuất kinh doanh.

Việt Nam phải căn cứ vào thị trường thế giới để điều hành chính sách trong nước. Khi nào đồng tiền thế giới không tăng giá nữa, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ không nâng lãi suất nữa, cung cầu tiền tệ ổn định, không nhất thiết phải thu hút tiền nhàn rỗi trong Nhân dân nữa thì chúng ta có thể giảm dần lãi suất xuống. Mặc dù tăng lãi suất sẽ hạn chế được dòng tiền vào lĩnh vực đầu cơ và đầu tư chậm, không mang lại kết quả ngay, nhưng tôi vẫn nhấn mạnh rằng tăng quá mạnh sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp và quá trình phục hồi.

Phóng viên: Khi lãi suất đang tăng cao, theo đại biểu, chúng ta cần có thêm những giải pháp căn cơ nào để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19?

ĐBQH Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội: Trong bối cảnh kinh tế thế giới gọi là suy thoái, lạm phát tăng lên, Việt Nam là nước và có quan hệ xuất nhập khẩu với nhiều nước trên thế giới thì chắc chắn doanh nghiệp nào cũng sẽ bị ảnh hưởng và ngân sách Nhà nước cũng bị ảnh hưởng. Hiện nay, Việt Nam đang thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bằng giãn, hoãn các nghĩa vụ thuế, phí. Hiệu quả của nhóm chính sách này là đã giúp làm giảm gánh nặng, chi phí cho doanh nghiệp trong lúc khó khăn. Đặc biệt, Nghị quyết 43 của Quốc hội về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế 2022-2023 cho phép dùng ngân sách hỗ trợ 2% lãi suất tiền vay cho những nhóm ngành được ưu tiên hướng vào mục tiêu phục hồi kinh tế. Tôi cho rằng, đây cũng là những chính sách làm giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp trong môi trường lãi suất tăng.

Phóng viên: Đại biểu có thể cho biết để ổn định kinh tế vĩ mô và dùng ngân sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhiều hơn thì chính sách tài khóa nên được điều hành linh hoạt như thế nào?

ĐBQH Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội: Tất cả những giải pháp chúng ta đưa ra đều nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu lạm phát, tỷ giá tăng lên, đồng tiền mất giá thì nhà đầu tư sẽ không được hưởng lợi, sản xuất sẽ bị thu hẹp lại. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của nền kinh tế.

Hiện nay, chúng ta vẫn đang chủ trương tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh các biện pháp tài khoá để hỗ trợ doanh nghiệp như giãn, hoãn thuế, phí, cấp bù lãi suất. Đặc biệt, trong thời điểm hiện tại, tôi cho rằng, chính sách tài khoá đang có một thuận lợi là chúng ta đang duy trì được mức nợ công khá thấp, khoảng 43 – 44% GDP, so với trần cho phép là 60% GDP. Như vậy, chúng ta đang còn dư địa để sử dụng bội chi nhiều hơn, nghĩa là hướng đến không thu nhiều của doanh nghiệp mà ngược lại vẫn còn ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn. Chính sách tài khoá vẫn là cốt yếu cho điều hành và ổn định nền kinh tế vĩ mô trong bối cảnh hiện nay.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Bích Lan