SỬA ĐỔI LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ: ĐÁP ỨNG XU THẾ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ SỐ

11/11/2022

Sáng nay (11/11), Quốc hội tiến hành thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Cho rằng đây là dự án Luật quan trọng, có ảnh hưởng rộng tới các doanh nghiệp và người dân, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu hy vọng việc sửa đổi Luật sẽ tháo gỡ những vướng mắc trong quy định hiện hành, tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho nền kinh tế số, đáp ứng xu thế phát triển của công nghệ số.

TỔNG THUẬT SÁNG 11/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ (SỬA ĐỔI)

Các đại biểu Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) tại phiên họp tổ

Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 4, Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) được thảo luận tại Hội trường sáng ngày 11/11. Đây là dự án Luật quan trọng, cập nhật linh hoạt với xu thế phát triển, được nhiều chuyên gia, nhà quản lý, người tiêu dùng, cử tri và nhân dân quan tâm theo dõi. Từ các phiên thảo luận tổ, đã có 77 lượt ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Trong đó, đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội thống nhất với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Giao dịch điện tử, đánh giá cao và bày tỏ sự đồng thuận với báo cáo của Cơ quan thẩm tra dự án Luật.

Theo đó, nhiều đại biểu cho rằng, việc ban hành Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sẽ khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật hiện hành và giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, góp phần ngăn chặn kịp thời tác động tiêu cực về kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, thể chế hóa cụ thể hơn chủ trương “ngăn chặn kịp thời các tác động tiêu cực cả về kinh tế và xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng” nêu trong Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Các đại biểu Quốc hội nghiên cứu dự án Luật

Có ý kiến cho rằng, để thúc đẩy công nghệ số phát triển, việc sửa đổi, bổ sung những quy định của Luật về quy trình thủ tục cần bảo đảm nguyên tắc đơn giản, thân thiện, thuận lợi, chính xác, an toàn và hiệu quả hơn so với phương thức giao dịch truyền thống, tránh phát sinh những quy trình, thủ tục mới trong giao dich điện tử làm phức tạp hơn so với phương thức giao dịch truyền thống, đồng thời hạn chế làm thay đổi những quy định của hệ thống pháp luật hiện hành trong các lĩnh vực kinh tế, dân sự, hành chính...

Về trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động giao dịch điện tử, có ý kiến đề nghị xác định rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động giao dịch điện tử; đề nghị bổ sung một khoản quy định trách nhiệm của Ban Cơ yếu Chính phủ giúp Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước để nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng mật mã trong hoạt động giao dịch điện tử, quản lý dịch vụ chữ ký số chuyên dùng của Chính phủ trong hoạt động công vụ”.

Cùng với đó, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về việc Chính phủ thống nhất giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức thực hiện việc đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ thông tin, mà nên xem xét giao cho doanh nghiệp chủ động thực hiện. Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị bổ sung trách nhiệm quản lý nhà nước về nền tảng số cho toàn diện với xu thế hiện đại.

Quan tâm đến dự án Luật này, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đánh giá cao việc thực hiện sử đổi Luật Giao dịch điện tử để đáp ứng xu thế phát triển và những đổi mới không ngừng về hình thức giao dịch trong nền kinh tế. Các nhà quản lý hy vọng Luật sửa đổi sẽ quy định cụ thể về giá trị pháp lý và đảm bảo độ tin cậy cho một số yếu tố quan trọng trong giao dịch điện tử như: thông điệp dữ liệu, chữ ký điện tử, tài khoản giao dịch điện tử, hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, dịch vụ tin cậy...,  làm rõ giá trị pháp lý của việc chuyển đổi từ bản giấy sang bản điện tử và ngược lại.

Cùng với đó, các chuyên gia cho rằng, sửa đổi Luật lần này cần bổ sung các quy định cụ thể như các loại hình giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước, các hoạt động của cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử, các chính sách hỗ trợ giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước… để bảo đảm các hoạt động của cơ quan nhà nước được ưu tiên thực hiện toàn trình trên môi trường điện tử bao gồm công tác: quản trị nội bộ, chỉ đạo điều hành, cung cấp dịch vụ công, giám sát, kiểm tra, thanh tra.

Nhiều chuyên gia nhấn mạnh, cần có quy định về an ninh, an toàn, bảo vệ thông điệp dữ liệu đảm bảo đồng bộ với các nội dung về an toàn thông tin mạng và an ninh mạng quy định tại Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 và Luật An ninh mạng năm 2018.

Ông Phạm Đức Tiến - Giám đốc Marketing, Công ty cổ phần phát triển nguồn mở Việt Nam

Tham gia ý kiến về dự án Luật này, ông Phạm Đức Tiến - Giám đốc Marketing, Công ty cổ phần phát triển nguồn mở Việt Nam nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử sẽ bảo đảm tính công khai, minh bạch, tiết giảm các chi phí về giấy tờ, in ấn, nhân công, thời gian đi lại, công chứng, chứng thực… của tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử.

Đi vào một số nội dung cụ thể, Giám đốc Marketing Công ty cổ phần phát triển nguồn mở Việt Nam cho rằng Điều 47 trong Dự thảo Luật về dữ liệu mở còn chưa đẩy đủ, chặt chẽ, cần bổ sung khái niệm “Dữ liệu mở”, đồng thời phân loại rõ dữ liệu mở nói chung và dữ liệu mở của cơ quan nhà nước; bổ sung nội dung quy định về giấy phép sử dụng và quyền tương ứng cho dữ liệu mở để doanh nghiệp và người dân dễ dàng sử dụng, khai thác dữ liệu mở của cơ quan nhà nước và phát triển kinh tế số, bổ sung thêm điều mới, quy định việc thúc đẩy dữ liệu mở của cơ quan nhà nước, có lộ trình cấp phép và ban hành dữ liệu mở rõ ràng. Điều này sẽ giúp thúc đẩy dữ liệu mở phát triển và toàn dân có thể dễ dàng khai thác, ứng dụng dữ liệu mở vào phát triển kinh tế.

Đối với quy định về chữ ký điện tử Giám đốc Marketing Công ty cổ phần phát triển nguồn mở Việt Nam kiến nghị bổ sung nội dung quy định bắt buộc Tổ chức chứng thực điện tử quốc gia công bố và ban hành Phương thức, phương tiện kiểm tra. Các công cụ kiểm tra này phải cung cấp miễn phí để người dân và doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng.

Giám đốc Marketing Công ty cổ phần phát triển nguồn mở Việt Nam cũng cho biết, dự thảo Luật đã có chương riêng quy định về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước, tuy nhiên chưa có quy định cụ thể về việc giao dịch điện tử giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Trong thực tế, việc ký hợp đồng điện tử giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp vẫn chưa thể thực hiện, chủ yếu vướng mắc ở phía kho bạc nhà nước không chấp nhận giao dịch điện tử. Do vậy, Giám đốc Marketing Công ty cổ phần phát triển nguồn mở Việt Nam đề nghị bổ sung các nội dung cụ thể để giải quyết vướng mắc trên.

Minh Hùng