ĐOÀN ĐBQH TỈNH TIỀN GIANG TIẾP XÚC CỬ TRI CÁC HUYỆN CÁI BÈ, TÂN PHƯỚC

16/11/2022

Chiều 16/11, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Danh cùng các ĐBQH tỉnh gồm: Nguyễn Hoàng Mai, Nguyễn Thanh Cầm, Nguyễn Kim Tuyến, Nguyễn Văn Dương đã đến tiếp xúc cử tri huyện Cái Bè và huyện Tân Phước.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH TIỀN GIANG: MỘT NHIỆM KỲ HOẠT ĐỘNG TÍCH CỰC

Tại các điểm tiếp xúc, ĐBQH tỉnh Tiền Giang báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Sau 21 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với kết quả: Thông qua 6 luật, 14 nghị quyết, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý 1 dự án luật, cho ý kiến lần đầu đối với 7 dự án luật khác; giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề về nhân sự, kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; xem xét các báo cáo về kiến nghị của cử tri, công tác tư pháp, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án, phòng, chống tham nhũng và giải quyết các kiến nghị của cử tri cùng một số nội dung quan trọng khác…

ĐBQH tỉnh Tiền Giang lắng nghe và ghi nhận ý kiến cử tri.

Các ĐBQH tỉnh Tiền Giang cũng đã thông tin đến cử tri về hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang tại kỳ họp này. Cụ thể, tại 6 buổi thảo luận ở tổ, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang có 16 lượt đại biểu tham gia phát biểu với 69 nội dung đóng góp ý kiến. Đối với các phiên thảo luận tại hội trường, có 7 lượt các vị đại biểu tham gia đóng góp đối với các nội dung quan trọng trình ra Quốc hội. Các vị đại biểu trong Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cũng đã chất vấn trách nhiệm trong lãnh đạo điều hành đối với Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Bộ Nội vụ…

Tiếp đó cử tri phản ánh, kiến nghị một số vấn đề còn bất cập, hạn chế ở địa phương.

Nhiều giải pháp kéo giảm tình trạng "tín dụng đen"

Tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Cái Bè, nhiều cử tri cho rằng, thời gian qua tình trạng cho vay lãi nặng đang ngày càng biến tướng, tác động xấu đến tình hình an ninh trật tự xã hội, đây là nguồn gốc phát sinh ra nhiều loại tội phạm khác. Mặc dù các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành Công an đã quyết liệt vào cuộc tấn công, trấn áp, triệt phá rất nhiều vụ cho vay lãi nặng, nhưng tình hình vẫn không thuyên giảm, chính vì vậy cần có giải pháp mạnh hơn. Ngành Ngân hàng cần có các chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp để vay vốn, nhằm hạn chế tối đa tình trạng cho vay lãi nặng, "tín dụng đen".

Cử tri huyện Cái Bè phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc.

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Kim Tuyến, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Tiền Giang cho rằng, các vấn đề cho vay lãi nặng, "tín dụng đen" là vấn đề bức xúc của người dân trong thời gian qua và đã được Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang phản ánh tới Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Theo Bộ Công an, thời gian qua nhất là thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp vào năm 2020 và 2021, đời sống người dân rất khó khăn, nhu cầu về tiền bạc rất lớn, chính vì vậy, nhiều người tìm đến "tín dụng đen", với lãi suất từ 100% đến 200%/tháng, cao rất nhiều so với lãi suất quy định.

Ngành Công an đã phối hợp, tăng cường chỉ đạo công an các địa phương phòng ngừa, tấn công, trấn áp tội phạm "tín dụng đen"; theo đó, từ đầu năm 2020 cuối năm 2021, lực lượng công an đã phát hiện trên 1.700 vụ "tín dụng đen"; thu giữ nhiều hồ sơ, chứng cứ vi phạm. Tuy nhiên, hoạt động "tín dụng đen" lại rất phức tạp với nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người dân để lừa đảo, chính vì vậy, công an các địa phương đang tiếp tục điều tra để triệt phá loại tội phạm này.

Đại biểu Nguyễn Kim Tuyến trả lời ý kiến cử tri

Song song với tấn công, trấn áp tội phạm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã mở ra nhiều chính sách vay vốn cho doanh nghiệp và người dân, trong đó chú trọng liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trong 6 tháng đầu năm 2022, hệ thống ngân hàng đã mở rộng tín dụng, tăng dư nợ, giảm bớt tình trạng "tín dụng đen" đa dạng hóa các dịch vụ vay vốn, đơn giản hóa các thủ tục cho vay, tăng cường hướng đến cho vay không bảo đảm; triển khai chiến lược toàn diện tài chính quốc gia…

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm trả lời ý kiến cử tri.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cho biết, bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ, tăng cường vốn vay ngân hàng, cải thiện nâng cao chất lượng cho vay vốn, ngày 7-10-2022 vừa qua, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang đã có cuộc tiếp xúc chuyên đề ngành Ngân hàng tỉnh Tiền Giang. Trong cuộc tiếp xúc này, ngành Ngân hàng đã trình bày thuận lợi, khó khăn trong quá trình hoạt động để lãnh đạo các cấp, các ngành tìm giải pháp tháo gỡ. Các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang luôn ưu tiên các chính sách cho vay vốn một cách thuận tiện để người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận với nguồn vay. Vì vậy, cử tri có nhu cầu nên liên hệ các ngân hàng trên địa bàn tỉnh để được hỗ trợ vốn vay, đảm bảo an toàn, tránh vay "tín dụng đen" gây ra nhiều hệ lụy cho bản thân, gia đình và xã hội.

Cần có giải pháp bình ổn nguồn nhiên liệu xăng

Cử tri huyện Tân Phước kiến nghị các vấn đề liên quan đến giá xăng, dầu. Nguồn cung cấp xăng, dầu thiếu hụt, giá cả không ổn gây khó khăn trong việc mua nhiên liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp; từng lúc, từng nơi trực tiếp gây thiệt hại cho vườn cây ăn trái. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan chứng năng cần mạnh tay xử lý các cở sở kinh doanh xăng, dầu nếu phát hiện có dấu hiệu ngưng bán không lý do chính đáng, tạo tâm lý hoang mang cho người dân.

Cử tri huyện Tân Phước phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc.

Trả lời ý kiến cử tri về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội khóa XV tiếp thu các ý kiến đề xuất, kiến nghị của bà con cử tri. Đồng thời cho biết, đây là vấn đề “nóng” trên phương tiện thông tin đại chúng, cũng như trong các cuộc họp Chính phủ, trên diễn đàn Quốc hội cũng thảo luận rất mạnh mẽ vấn đề này trong thời gian qua, đặc biệt tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV mới đây các ĐBQH cũng đã có ý kiến thảo luận sôi nổi vấn đề này.

Tuy nhiên, đây không phải vấn đề riêng ở Việt Nam, mà còn là tình hình chung của thế giới. Quốc hội cũng nhìn thấy được các vấn đề chủ quan, khách quan và vấn đề điều chỉnh giá xăng, dầu gặp nhiều khó khăn hiện nay. Nhà nước cũng đã sử dụng các công cụ để điều tiết giá xăng như từ quỹ bình ổn giá xăng, thuế, chính sách tài chính… Quốc hội tiếp tục giao cho Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, có giải pháp, đề xuất các cơ quan thẩm quyền bình ổn giá xăng phù hợp điều kiện nước ta để đảm bảo bình ổn nguồn nhiên liệu xăng cho nhân dân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới...

(Theo Báo Ấp Bắc)