ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP THÁO GỠ VƯỚNG MẮC TRONG ĐẤU THẦU MUA SẮM TẬP TRUNG, ĐẤU THẦU THUỐC VÀ TRANG THIẾT BỊ Y TẾ

16/11/2022

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XV thảo luận tại Hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất một số giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động đấu thầu mua sắm tập trung, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế như cần quy định rõ tiêu chuẩn của tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp; vai trò của đơn vị mua sắm thuốc tập trung...

QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤU THẦU (SỬA ĐỔI)

Thực hiện Kỳ họp thứ 4, Quốc hội vừa thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội đối với dự án Luật này là đề xuất một số giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động đấu thầu mua sắm tập trung, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế..

Đối với đấu thầu mua sắm tập trung, đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho rằng, đấu thầu mua sắm tập trung nhằm mục tiêu, nếu từng đơn vị có thể mua sắm số lượng nhỏ, có một số hàng hóa rất đặc thù, không thể mua sắm được hoặc nhiều đơn vị cùng mua sắm một loại hàng hóa thì mua sắm tập trung sẽ ưu việt hơn, giá rẻ hơn, chọn được nhà cung cấp tốt hơn. Như vậy, đấu thầu mua sắm tập trung không có nghĩa là chúng ta triệt tiêu các đơn vị không được tự đấu thầu mua sắm. Kết quả đấu thầu mua sắm tập trung theo tôi được dùng vào 2 mục đích.


Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội.

Mục đích thứ nhất, để mua sắm thay cho đơn vị đã đăng ký bây giờ không cần phải tự mua sắm nữa, đăng ký rồi thì sẽ dựa vào kết quả đó để nhận sản phẩm. Mục đích thứ hai là khi chúng ta đã có được thông tin về giá cả, chủng loại hàng hóa thông qua đấu thầu mua sắm tập trung. Đây chính là thông tin tham chiếu để những đơn vị khác khi chưa đăng ký đấu thầu mua sắm tập trung có thể dùng các thông tin này để mua sắm hàng hóa của những đơn vị khác cung cấp với điều kiện là hàng hóa đó phải cung cấp với giá không được vượt quá, tiêu chuẩn kỹ thuật không được thấp hơn, thời gian không được kéo dài hơn. Như thế, sẽ giải quyết được tất cả những chờ đợi phải đến kỳ mới được mua sắm tập trung.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, đấu thầu mua sắm là công việc hết sức phức tạp, tính chuyên môn rất sâu, không phải ai cũng hiểu được kỹ thuật đấu thầu như thế nào, hàng hóa ra làm sao, thị trường trong nước, thế giới như thế nào. Do vậy, đấu thầu cần phải có những người rất chuyên nghiệp. Trong quy định của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), chỉ có 1 điều duy nhất nói về tổ chuyên gia về đấu thầu, không nói rõ tổ chuyên gia này tiêu chuẩn ra làm sao mà chỉ nói tổ chuyên gia trách nhiệm làm gì. Do vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị trong dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) cần phải quy định rõ tiêu chuẩn của tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp, người nào là đủ tiêu chuẩn để tham gia đấu thầu chuyên nghiệp. Tổ chức này sẽ trở thành một tổ chức có thể làm thay thế cho những đơn vị không quen trong đấu thầu, có thể thông qua tổ chức này sẽ nhận trách nhiệm tổ chức đấu thầu. Nếu làm được việc đấy, sẽ tránh được tình trạng như thời gian vừa qua, rất nhiều đơn vị như y tế, như giáo dục không mua sắm được hàng hóa bởi chúng ta không quen đấu thầu, thậm chí nếu không quen như thế mà đấu thầu có khi làm sai, là vi phạm. Với những lý lẽ như trên, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, trong dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) cần có tổ chức này, giống như chúng ta đã quy định tổ chức định giá chuyên nghiệp ở trong Luật Giá.

Đóng góp ý kiến về đấu thầu mua sắm thuốc tập trung, đại biểu Trần Thị Nhị Hà – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội cho rằng, theo Điều 51 dự thảo Luật Đấu thầu quy định việc lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc được thực hiện theo quy định tại Chương II, Chương III, Chương IV, Chương V, Chương VI, chương VII của luật này. Như vậy, được hiểu quy định đấu thầu thuốc được áp dụng giống như mua sắm thường xuyên khác mà không có quy định riêng cho lĩnh vực hết sức đặc thù như mua sắm thuốc. Đối chiếu các quy định tại khoản 1 Điều 51, tôi nhận thấy có rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện đấu thầu mua thuốc. Theo tiết b khoản 1, theo tiết b khoản 2 Điều 33 quy định: "Căn cứ lập kế hoạch nhà thầu đối với mua sắm thường xuyên, dự toán được giao hoặc nguồn vốn được phê duyệt".


Đại biểu Trần Thị Nhị Hà – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội.

Theo khoản 3 Điều 36 quy định: "Đối với mỗi gói thầu phải được nêu rõ nguồn vốn đã được xác định hoặc phê duyệt, trừ trường hợp đối với gói thầu, đấu thầu trước quy định tại Điều 39 của luật này". Tuy nhiên, đối với các gói thầu mua sắm thuốc tập trung thì không thể nêu rõ nguồn vốn như các gói thầu mua sắm tập trung hàng hóa phục vụ hoạt động thường xuyên của đơn vị. Hiện nay, nguồn vốn mua sắm thuốc của các đơn vị phụ thuộc vào hợp đồng với bảo hiểm y tế lại được ký vào thời điểm giữa năm. Chính vì vậy, đơn vị được giao đấu thầu thuốc tập trung cấp địa phương thường lúng túng, gặp khó khăn trong việc nêu rõ nguồn vốn. Mặt khác, theo quy định tại khoản 2 Điều 32 quy định: "Trường hợp gói thầu có thời hạn dài hơn 1 năm trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải nêu rõ thời gian thực hiện gói thầu, người phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải chịu trách nhiệm trong việc đảm bảo bố trí kinh phí để thanh toán hợp đồng trong từng năm”.

Theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, trong thực tế, khi Hà Nội tổ chức đấu thầu mua sắm thuốc tập trung ở cấp địa phương, không những tổ chức cho các cơ sở y tế trực thuộc Sở Y tế mà phải tổ chức đấu thầu cho cả các bệnh viện, Bộ, ngành trung ương, cả các bệnh viện tư nhân có ký hợp đồng bảo hiểm y tế đóng trên địa bàn Hà Nội. Hoạt động đấu thầu thuốc tập trung thường dài hơn 1 năm, thường là từ 2 đến 3 năm. Quy định này thực sự gây khó khăn cho các cơ quan có thẩm quyền khi phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, vì Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố hoặc Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nếu được ủy quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu thì không thể chịu trách nhiệm trong việc đảm bảo bố trí kinh phí để thanh toán hợp đồng mua thuốc của các bệnh viện, bộ, ngành trung ương.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho rằng, hoạt động đấu thầu thuốc tập trung có nhiều điểm khác biệt, như căn cứ lập kế hoạch trong đấu thầu thuốc tập trung nhu cầu thuốc đều là dự kiến, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là tình hình dịch bệnh, cơ cấu, mô hình bệnh tật, sự thay đổi về quy mô và cập nhật hướng dẫn điều trị. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cần đưa ra nguyên tắc xác định nguồn vốn, căn cứ lập kế hoạch đối với gói thầu mua sắm thuốc tập trung. Đồng thời, cần làm rõ vai trò của đơn vị mua sắm thuốc tập trung trong quá trình đấu thầu, chủ đầu tư, bên mời thầu.


Đại biểu Trần Khánh Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình.

Băn khoăn về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt có gói thầu thuộc dự toán mua sắm sử dụng vốn Nhà nước nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan Nhà nước, đại biểu Trần Khánh Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, tại Mục 2 Chương II với 3 điều mới, Điều 27, 28, 29 trong dự án Luật đề nghị quy định về các trường hợp đặc biệt lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, hiện có một số quy định còn chưa hợp lý, khó thực hiện, như tại điểm d Điều 27 quy định "lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt có gói thầu thuộc dự toán mua sắm sử dụng vốn Nhà nước nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan Nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo quy định của Chính phủ".

Đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị xem xét lại quy định như trên vì nếu quy định như vậy sẽ khó khăn trong thực hiện. Ví dụ, một hệ thống máy chụp cắt lớp vi tính hay một hệ thống máy chụp cộng hưởng từ nằm trong định mức tiêu chuẩn của đơn vị công lập tự chủ thì có được tính là mua sắm thường xuyên hay không? Nếu như vậy thì gần như tất cả các gói mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên đều thực hiện theo hình thức lựa chọn trong trường hợp đặc biệt và với nội dung như thế này thì quá rộng và chưa phù hợp với mục tiêu là nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế.


Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Trước những ý kiến, đề xuất của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Việc tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động đấu thầu mua sắm tập trung, đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, có rất nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này như đề nghị rà soát, bổ sung những quy định để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay trong lĩnh vực y tế có tính chất đặc thù, đặc biệt và đề nghị tách ra thành một chương riêng đối với lĩnh vực này.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, thuốc, trang thiết bị y tế là loại hình hàng hóa đặc biệt, đặc thù và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người dân. Do đó, việc cần có quy định rõ ràng, cụ thể là hết sức cần thiết và cấp bách. Chia sẻ và tán thành với rất nhiều ý kiến của các đại biểu đã nêu về vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trong dự án Luật đã thiết kế một chương đề cập về các quy định mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế và có một số điều khoản ở các chương khác cũng đã đề cập về quy định những vấn đề về y tế. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ rà soát để làm sao cho đầy đủ, bao quát, thuận lợi trong quá trình mua sắm các trang thiết bị y tế, thuận lợi cho quá trình thực hiện, tổ chức thực hiện./.

Bích Lan