LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ (SỬA ĐỔI): TRÁNH XUNG ĐỘT VỚI CÁC LUẬT CÓ LIÊN QUAN

30/11/2022

Thảo luận về Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4, cơ bản các đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật. Đồng thời cần tiếp tục rà soát để đảm bảo sự thống nhất của Luật này trong hệ thống pháp luật hiện hành.

QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ (SỬA ĐỔI)

Tránh xung đột với Luật Công chứng

Cho ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Đồng Ngọc Ba – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định chir ra rằng, Dự thảo luật này đang có xung đột với Luật Công chứng. Tại khoản 3 Điều 11 của dự thảo luật quy định là "trường hợp pháp luật yêu cầu văn bản phải được công chứng thì thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật về công chứng". Trong khi Luật Công chứng, đối với việc xác định tính hợp pháp, tính xác thực, vấn đề không trái đạo đức của các giao dịch, các hợp đồng là vấn đề mang tính chuyên môn rất cao và luật nội dung đã quy định, phải có nghề mới làm được. Công chứng viên và hoạt động trong một tổ chức hành nghề công chứng mới được thực hiện việc này và phải theo quy trình, nghiệp vụ rất chặt chẽ, với các yêu cầu nghề nghiệp rất cao. Nếu chúng ta quy định như khoản 3 Điều 11 sẽ dẫn đến cách hiểu là có thể văn bản dưới dạng điện tử theo luật này, trường hợp pháp luật yêu cầu phải công chứng thì coi như đã đáp ứng yêu cầu của pháp luật công chứng, như thế thì nó đương nhiên hợp pháp, đương nhiên không trái đạo đức xã hội, điều đó xung đột với Luật Công chứng. Đại biểu cho rằng vấn đề này cần rà soát, quy định hợp lý, đảm bảo sự chặt chẽ.

Đại biểu Phạm Thị Kiều – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Tham gia ý kiến tại phiên họp, đại biểu Phạm Thị Kiều – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông nêu rõ, tại khoản 3 Điều 29 của Dự thảo luật, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ hơn đối với loại hình dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử. Bởi vì theo như khoản 1 Điều này thì dịch vụ tin cậy chỉ bao gồm có 3 loại dịch vụ, đó là dịch vụ cấp dấu thời gian, dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu và dịch vụ chữ ký số công cộng. Mặt khác, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ hơn về khái niệm "chứng thực" để tránh nhầm lẫn với quy định về chứng thực được quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/2/2015 của Chính phủ về các bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng giao dịch và Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ về chứng thực thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Đại biểu Võ Mạnh Sơn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá

Cũng quan tâm đến vấn đề công chứng, chứng thực hợp đồng điện tử, đại biểu Võ Mạnh Sơn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá cho biết, Luật Giao dịch điện tử quy định về hợp đồng điện tử và trên thực tế, hợp đồng điện tử đã và đang được áp dụng để giao kết rộng rãi. Tuy nhiên, pháp luật về công chứng, chứng thực, đăng ký giao dịch đảm bảo chưa có quy định hướng dẫn các hoạt động này cho các loại hình hợp đồng điện tử, dẫn đến hạn chế trong các bên quá trình lựa chọn phương thức giao kết hợp đồng. Đề nghị cần cân nhắc, xem xét bổ sung thêm các điều khoản, nguyên tắc về công chứng, chứng thực đăng ký hợp đồng điện tử để làm khung pháp lý cho các hoạt động này và là căn cứ để sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng hoặc các văn bản liên quan đến công chứng.

Rà soát 26 luật liên quan, đảm bảo tính thống nhất

Liên quan đến tính thống nhất, đồng bộ của dự thảo Luật Giao dịch điện tử với các luật liên quan, đại biểu Đồng Ngọc Ba – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng Luật này có nhiều nội dung rất lớn và rất khó. Đại biểu đánh giá cao Ban soạn thảo đã rất kỳ công rà soát 26 luật liên quan, trong nội dung rà soát đã làm rõ được một số vấn đề tương thích với dự thảo luật này, tuy nhiên đi sâu chúng ta vẫn cần phải tiếp tục rà soát kỹ hơn nữa.

Theo đại biểu, Luật này chỉ đưa ra những quy định mang tính kỹ thuật để chúng ta sử dụng phương tiện điện tử trong việc xác lập thực hiện các giao dịch, còn hầu hết những nội dung kinh tế - xã hội của các giao dịch đó lại nằm ở các luật chuyên ngành, các luật cụ thể, nếu như có những sự thay đổi về nội dung thể hiện trong luật này thì phải rất thận trọng.

Đại biểu Đồng Ngọc Ba – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định 

Đưa ra ví dụ liên quan đến Luật Đầu tư, đại biểu cho biết, trong luật này có đưa ra một dịch vụ mới, với tính chất là một hoạt động đầu tư kinh doanh, ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đó là dịch vụ tin cậy. Với các ngành nghề cụ thể là dịch vụ cấp dấu thời gian, dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu, dịch vụ chữ ký số công cộng. Trong Dự thảo luật cũng dự kiến sẽ sửa phụ lục ban hành kèm theo Luật Đầu tư để đưa dịch vụ tin cậy vào Phụ lục số 4 của Luật Đầu tư, với tính chất là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Đại biểu nhận thấy, phải xem xét thêm là hiện nay trong Luật Đầu tư đã quy định kinh doanh dịch vụ chứng thực chữ ký số, kinh doanh dịch vụ định danh và xác thực điện tử là 2 ngành nghề cụ thể được coi là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, trên cơ sở quy định này Chính phủ sẽ có quy định cụ thể với các điều kiện kinh doanh.

Nội hàm của dịch vụ tin cậy cần phải được cụ thể ra khi chúng ta đưa vào danh mục của Luật Đầu tư, không nên để là dịch vụ tin cậy một cách chung chung như vậy mà phải xác định rõ là dịch vụ cấp dấu thời gian, dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu, dịch vụ chữ ký số công cộng. Nếu như vậy cần phải rà soát rõ ràng, minh bạch, không xung đột với các dịch vụ như là kinh doanh dịch vụ chứng thực chữ ký số hay là kinh doanh dịch vụ định danh và xác thực điện tử, chúng ta đã quy định ở trong Luật Đầu tư hiện hành.

Đại biểu cũng đề nghị khi thể hiện trong Dự thảo Luật Giao dịch điện tử về những ngành, nghề đầu tư kinh doanh mới cần phải làm rất rõ, nếu đã là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì các tổ chức, cá nhân đều có quyền tiếp cận, nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện. Chỉ có những hoạt động nào chúng ta không coi là hoạt động đầu tư kinh doanh thì cơ quan nhà nước có thể thực hiện và như thế thì minh bạch, tránh chuyện có những hoạt động mang tính chất là ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, các tổ chức cá nhân nếu đáp ứng thì đều được thực hiện. Nhưng đến khi quy định, nhất là trong các quy định cụ thể có thể quy định chỉ có doanh nghiệp hay chỉ có tổ chức trong một ngành hay một cơ quan nào đó được thực hiện thì không đảm bảo yêu cầu về quyền tự do kinh doanh của các nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân đã được quy định trong Hiến pháp, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.

Liên quan đến Luật Lưu trữ, tại khoản 2 Điều 15 của Dự thảo luật quy định cơ quan tổ chức, cá nhân được phép thay thế việc lưu trữ các văn bản, chứng từ, hồ sơ, tài liệu hoặc thông tin dưới dạng văn bản giấy theo yêu cầu của pháp luật bằng việc lưu trữ dưới dạng thông điệp dữ liệu. Nếu thông điệp dữ liệu đáp ứng các quy định tại khoản 1 Điều 14 và khoản 1 điều này, tức là nếu được phép thay thế việc lưu trữ các văn bản bằng văn bản điện tử thì có giá trị và chúng ta không cần lưu trữ bản giấy.

Đại biểu cho rằng, quy định này chưa thống nhất với quy định của Luật Lưu trữ, tại khoản 3 Điều 13 của Luật Lưu trữ quy định tài liệu được số hóa từ tài liệu lưu trữ trên các vật mang tin khác không có giá trị thay thế tài liệu đã được số hóa, đây là quy định hiện hành. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng lưu trữ số là vấn đề mới và chúng ta cũng cần phải nghiên cứu để có những đổi mới, để phục vụ quá trình chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, kinh tế số hiện nay và lưu trữ số cũng giúp cho hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng các tài liệu được thuận lợi, kịp thời hơn. Để đảm bảo tính khả thi cũng như tính thống nhất với pháp luật về lưu trữ thì cơ quan soạn thảo cần đánh giá, bổ sung, làm rõ các điều kiện bảo đảm, việc này tôi nghĩ phải đặt trong tổng thể sửa đổi các quy định của Luật Lưu trữ. Cho nên, trong thời gian tới khi Chính phủ xem xét để đề xuất sửa Luật Lưu trữ thì cũng phải tính toán rất kỹ vấn đề này.

Toàn cảnh phiên thảo luận

Cũng liên quan đến tính đồng bộ, trong luật này có giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết khá nhiều nội dung, như ở các Điều 28, Điều 29, Điều 49, nhưng trong hồ sơ chưa có kèm theo dự thảo các thông tư quy định chi tiết các nội dung này, đề nghị Ban soạn thảo cần phải hoàn thiện để đảm bảo yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ngoài ra, một số đại biểu cũng đánh giá, về cơ bản, dự thảo Luật đã phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 2013 và các văn bản khác trong hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, Luật này chỉ là luật khung, quy định những nguyên tắc chung làm cơ sở pháp lý cho việc giao dịch trên môi trường điện tử, còn việc giao dịch trực tiếp, truyền thống thì vẫn phải tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành trong từng lĩnh vực. Do đó, tính đồng bộ, thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật hiện hành phải được hết sức chú trọng.

Đồng thời, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) cần xây dựng cơ sở pháp lý theo nguyên tắc bảo đảm thuận tiện, an toàn, kịp thời, tin cậy cho tổ chức, cá nhân trong quá trình giao dịch trên môi trường điện tử. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, toàn diện để hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với pháp luật hiện hành, chỉ phát sinh thêm thủ tục hành chính khi thực sự cần thiết nhưng không được gây ra khó khăn, cản trở các giao dịch điện tử.

Minh Hùng