GÓP Ý DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

14/12/2022

Sáng ngày 14/12, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức Hội thảo Góp ý dự thảo Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển chủ trì Hội thảo.

RÀ SOÁT TOÀN DIỆN QUY HOẠCH NGÀNH NÔNG NGHIỆP TÍCH HỢP TRONG HỆ THỐNG QUY HOẠCH QUỐC GIA

TIẾN ĐỘ TRIỂN KHAI 02 QUY HOẠCH QUỐC GIA NGÀNH XÂY DỰNG BỊ CHẬM DO CÒN NHIỀU HẠN CHẾ TRONG QUÁ TRÌNH TỔ CHỨC, THỰC HIỆN

Tại Hội thảo, các chuyên gia nhận định, quy hoạch tổng thể Quốc gia là quy hoạch mang tính chiến lược, là cơ sở để lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên cả nước… Khi chưa có quy hoạch tổng thể quốc gia, việc xây dựng các quy hoạch khác sẽ khó thực hiện. Đồng thời hiện nay, nhiều quy hoạch không còn phù hợp với đều kiện phát triển mới hoặc đã sắp hết hạn, cần nhanh chóng xây dựng để chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển mới của đất nước, của địa phương, của các ngành…


Toàn cảnh Hội thảo Góp ý dự thảo Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Một số ý kiến chuyên gia cho rằng, về cơ bản dự thảo Nghị quyết bám sát nội dung của Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tuy nhiên, cần được cô đọng và ngắn gọn hơn, rà soát lại các mục tiêu phát triển cho phù hợp với Nghị quyết của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội; bổ sung quy hoạch phát triển nguồn nhân lực để bảo đảm nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Trong Quy hoạch tổng thể Quốc gia, những vấn đề đất đai, tài nguyên, nguồn nhân lực cần được xác định cụ thể, bảo đảm cho sự phát triển lâu dài của đất nước, nhất là tài nguyên không tái tạo. Nguồn nhân lực là nguồn lực cơ bản cho sự phát triển nhưng quy hoạch đề cập chưa toàn diện và cụ thể, rất cần có quy hoạch phát triển một cách chi tiết để phát huy và sử dụng nguồn nhân lực của đất nước một cách hiệu quả...

Đóng góp về phương án huy động nguồn lực tài chính để thực hiện, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đề nghị bổ sung quy hoạch mô hình Phát triển theo Định hướng Giao thông (TOD). Mỗi một TOD có thể được quy hoạch để phát triển đô thị hóa các vùng miền, bao gồm khu đô thị - thương mại – khu, cụm công nghiệp hỗn hợp bám sát với các khu vực quanh nhà ga dọc tuyến đường sắt tốc độ cao quốc gia (Tuyến Bắc Nam và các tuyến kết nối), cũng như quanh các nhà ga đường sắt đô thị (tầu điện ngầm) tại các thành phố lớn.

Phát triển theo mô hình TOD là cơ hội để chỉnh trang cải tạo các khu đô thị ổ chuột, phát triển tự phát hiện hữu, không thuận lợi về giao thông (ngõ hẻm), điện nước vá các dịch vụ môi trường, văn hóa, xã hội; đồng thời phát triển hình thành các khu đô thị mới được quy hoạch tính toán chiến lược một cách trật tự và hiệu quả nhờ thuận lợi về giao thông vận tải, logistics. Lợi ích lớn nhất của mô hình TOD là sẽ giúp giảm chi phí và thời gian đi lại của người dân và giảm chi phí logistics thời gian vận chuyển lưu thông hàng hóa, góp phần nâng cao hiệu quả của cả nền kinh tế và toàn xã hội.


Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đóng góp ý kiến tại Hội thảo.

Về phương án huy động nguồn lực tài chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đề nghị bổ sung nguồn lực từ đấu giá đất thuộc quy hoạch dành cho các TOD để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ chính các TOD trên trục tuyến giao thông đó. Mỗi một TOD được quy hoạch chi tiết với đầy đủ chức năng, mục đích sử dụng, hệ số mật độ xây dựng, chiều cao kết hợp với cơ chế đấu giá đất sau khi thu hồi theo quy định mới tại luật đất đai.

Theo tính toán sơ bộ của các chuyên gia, nếu thực hiện tốt, tiền chênh lệch giữa tiền thu từ đấu giá đất trong quy hoạch dành cho TOD một cách công khai minh bạch sau khi thành toán đền bù giải phóng mặt bằng sẽ dư đủ   để thực hiện các dự án đường sắt đô thị (Hà Nội và Tp.HCM) cũng như đường sắt tốc độ cao Bắc Nam mà không phải vay nợ nước ngoài. Phương án huy động nguồn lực từ đất thuộc các TOD như trên là mô hình được chứng minh rất thành công ở Singapore, Hồng Kông và gần đây là Trung Quốc và phân chia hài hòa lợi ích từ chênh lệch địa tô giữa ba bên là người dân có đất bị thu hồi, doanh nghiệp đầu tư các dự án trong TOD và nhà nước là giải pháp hiện thực hóa chủ trương chiến lược như Nghị quyết Trung ương 18 đề ra.

Để tiếp tục hoàn thiện nội dung dự thảo Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tăng tính khả thi của quy hoạch,  phù hợp với các nguồn lực của quốc gia, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, PGS.TS.Hoàng Vĩnh Hưng- Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị nông thôn Quốc gia khẳng định quan điểm phát triển và tổ chức không gian phát triển quốc gia đã đảm bảo các yêu cầu khách quan, đa dạng phong phú, hướng đến việc giải quyết các mẫu thuẫn trong quá trình phát triển và tạo ra sự cân bằng về không gian phát triển giữa các vùng trong cả nước.


PGS.TS.Hoàng Vĩnh Hưng - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị nông thôn Quốc gia nêu quan điểm về hoàn thiện nội dung dự thảo Nghị quyết.

Tuy nhiên, PGS.TS.Hoàng Vĩnh Hưng cũng chỉ ra một số mục tiêu còn chưa thật rõ, cần tiếp tục được cụ thể hoá. Theo đó, vùng động lực phía Bắc gắn với cực tăng trưởng là Thủ đô Hà Nội đã cơ bản hình thành và vận hành tốt nhờ hạ tầng giao thông và các hạ tầng kinh tế - xã hội khác được đầu tư nâng cấp mạnh mẽ trong giai đoạn 2011-2020. Trong giai đoạn 2021-2030, khi nguồn lực đầu tư quốc gia còn khó khăn, nên tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng cho Vùng động lực phía Nam với cực tăng trưởng là Tp.Hồ Chí Minh và hoàn thiện hành lang kinh tế Bắc - Nam, hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Ngoài ra, theo PGS.TS.Hoàng Vĩnh Hưng, một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay được các chuyên gia trong và ngoài nước cùng thống nhất là chất lượng giáo dục cả phổ thông và đại học chưa cao; sức khoẻ và năng lực của lao động phổ thông và lao động đã qua đào tạo của Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động từ các công ty, tập đoàn trong và ngoài nước. Nguồn nhân lực và chất lượng lao động là một trong những tiền đề quan trọng nhất đảm bảo cho việc thực hiện thành công các chiến lược công nghiệp hoá trong giai đoạn 2021-2030. Do đó, mục tiêu về giáo dục cần làm rõ hơn và được ưu tiên cao hơn, đó là: Nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông và đại học Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN (tức là ngang bằng với Malaysia) về tất cả các chỉ số đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông và đại học.

Về phát triển kết cấu hạ tầng, cần xác định cụ thể Khung kết cấu hạ tầng quốc gia cần xây dựng trong giai đoạn 2021-2030 bao gồm những gì để đưa ra giải pháp thực hiện. Hiện nay, không có quốc gia nào có thể công nghiệp hoá mà việc vận chuyển hàng hoá được thực hiện với từng chiếc xe tải chở từng công te nơ (container) rong ruổi trên các tuyến đường với chi phí vận chuyển rất cao, tạo nhiều rủi ro mất an toàn giao thông. Vì vậy, cần cân nhắc thay đổi từ mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ một cách dàn trải để tập trung xây dựng được tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam chở hàng và chở người (tốc độ 150-200 km/giờ, có công nghệ, chi phí và thời gian xây dựng phù hợp với các yêu cầu và điều kiện mà đất nước ta đang và sẽ có).


Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển phát biểu kết luận Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển nhấn mạnh: Góp ý dự thảo Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nhiệm vụ quan trọng trong sự phát triển kinh tế-xã hội. Theo dự kiến, Quốc hội sẽ thông qua Quy hoạch Tổng thể Quốc gia vào kỳ họp bất thường đầu tháng 1/2023. Với chức năng là cơ quan nghiên cứu lập pháp của Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp được giao trách nhiệm tổng hợp, lắng nghe các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp về dự thảo Nghị quyết.

Sau Hội thảo, Viện Nghiên cứu lập pháp sẽ tổng hợp các ý kiến, đề xuất của các chuyên gia, nhà khoa học cũng như lấy thêm ý kiến đóng góp của các cơ quan hữu quan khác để gửi cho lãnh đạo, đại biểu Quốc hội tham khảo, có cơ sở để thảo luận về dự thảo Nghị quyết này trước khi thông qua./.

Bích Lan