ĐOÀN ĐBQH TỈNH BÌNH THUẬN GIÁM SÁT VIỆC HUY ĐỘNG, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG CÁC NGUỒN LỰC PHỤC VỤ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19
Đoàn giám sát của đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận làm việc với Sở Y tế Bình Thuận
Theo Sở Y tế, ngành y tế tỉnh Bình Thuận chấp hành nghiêm việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật trong huy động, phân bổ, quản lý và sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19; chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng đầy đủ, chính xác, kịp thời. Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và cấp bách, cần có ngay nhân lực, thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch, nên đấu thầu mua sắm không kịp thời. Vì vậy, đơn vị y tế mua, mượn hàng để đáp ứng tình thế cấp bách; đến thời điểm này, vướng các thủ tục thanh toán.
Tuyến y tế cơ sở, toàn tỉnh có 10 trung tâm y tế tuyến huyện, 12 phòng khám đa khoa khu vực, 112 trạm y tế xã, phường, thị trấn đều hoạt động hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe người dân. Tuy nhiên, phần lớn các trạm y tế thiếu bác sĩ cơ hữu, sự đầu tư trang thiết bị y tế chưa đáp ứng với nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, nên không thu hút người bệnh đến khám, điều trị tại trạm. Với y tế dự phòng ở tuyến huyện, số lượng định biên làm việc còn thấp, một nhân viên y tế đảm nhận nhiều nhiệm vụ, ít nhiều ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động. Lương, phụ cấp theo quy định với nhân viên y tế còn thấp.
Để đảm bảo nhân lực cho trạm y tế, Sở Y tế đề xuất điều chỉnh tăng mức trần biên chế của Thông tư liên tịch số 08, thay vì tối đa không quá 10 biên chế/trạm nâng lên thành tối đa không quá 20 biên chế/trạm; cần tăng cường nguồn nhân lực, cơ chế thu hút nguồn nhân lực cho trạm y tế; ban hành chính sách hỗ trợ cán bộ y tế làm công tác y tế dự phòng.
Đồng thời, Sở Y tế kiến nghị Quốc hội, Chính phủ ban hành một cơ chế, chính sách riêng cho phòng, chống dịch ở từng thời kỳ khác nhau, thời kỳ bình thường và khi có dịch xảy ra với các mức độ dịch khác nhau. Nhiều văn bản pháp lý ở thời kỳ bình thường thì không thể áp dụng được cho phòng chống dịch cấp bách. Hướng dẫn về thanh toán nợ cho các đơn vị trong việc thực hiện mua, mượn nợ trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm ... phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Cần có quy định riêng cho công tác thanh tra, kiểm toán trong công tác phòng chống dịch đặc biệt là mua sắm trang thiết bị, hóa chất, vật tư y tế...phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác.
Kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông ghi nhận kết quả trong công tác khám chữa bệnh và phòng chống dịch của ngành y tế trong thời gian qua. Đồng thời, sẽ tổng hợp các kiến nghị trên đến Quốc hội, Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho ngành y tế.