ĐOÀN ĐBQH TỈNH VĨNH PHÚC GIÁM SÁT VỀ ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA TẠI TRƯỜNG THPT LÊ XOAY

21/12/2022

Chiều 20/12, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành khảo sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại Trường THPT Lê Xoay, huyện Vĩnh Tường. Đồng chí Nguyễn Văn Mạnh, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì buổi khảo sát.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH VĨNH PHÚC KHẢO SÁT VIỆC THỰC HIỆN CÁC NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỀ ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH SÁCH GIÁO KHOA GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Mạnh phát biểu tại buổi khảo sát. Ảnh: Nguyễn Lượng

Năm học 2022-2023 là năm học đầu tiên Trường THPT Lê Xoay triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nhà trường đã được Sở GDĐT bổ sung 28 giáo viên, nên cơ bản đủ giáo viên. Hầu hết các giáo viên đều được tham gia tập huấn, bồi dưỡng theo các mô đun về thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trên cơ sở bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, phân tích kỹ điều kiện thực tiễn của đơn vị, nhà trường đã xây dựng và triển khai kế hoạch giáo dục năm 2022-2023.

Kế hoạch giáo dục đã khai thác các quyền tự chủ của nhà trường, tổ chuyên môn, của từng giáo viên về thời gian, phân phối chương trình, điều tiết định mức môn học theo từng thời điểm... phát huy được các ưu thế cũng như khắc phục, giải quyết được những khó khăn, vướng mắc.

Việc triển khai chương trình và sách giáo khoa mới của nhà trường đã nhận được sự đồng thuận cao của học sinh và phụ huynh. Vì vậy, việc triển khai kế hoạch giáo dục của nhà trường từ đầu năm đến nay đều thuận lợi.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa của nhà trường cũng gặp một số khó khăn như việc chuyển đổi môn Lịch sử từ môn học lựa chọn trở thành môn học bắt buộc làm nảy sinh những bất cập mới; học sinh vào lớp 10 phần lớn đăng ký các môn học lựa chọn theo tư vấn của gia đình hoặc chủ quan cảm tính; trong chương trình mới có các môn lựa chọn như Âm nhạc, Mỹ thuật nhưng nhà trường chưa có giáo viên ở bộ môn này; nhà trường chưa được trang bị thiết bị dạy học theo chương trình mới.

Nhà trường đề nghị tỉnh có những chính sách riêng, ưu tiên đầu tư, hỗ trợ cho ngành GDĐT để phát triển chất lượng giáo dục đại trà; Sở GDĐT cần tuyển và phân bổ giáo viên cho các nhà trường đảm bảo các trường đều có giáo viên ở tất cả các bộ môn. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều thay đổi so với chương trình trước đây, vì thế, Sở GDĐT nên xem xét, ra văn bản chỉ đạo thay thế các văn bản hiện hành về quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu tại buổi khảo sát, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Mạnh đánh giá cao việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới tại Trường THPT Lê Xoay; đồng thời đề nghị nhà trường tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và khắc phục những khó khăn, sắp xếp hợp lý trong công tác giảng dạy.

(Theo Báo điện tử Vĩnh Phúc)