DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI): NHIỀU QUY ĐỊNH MỚI VỀ CHUYỂN MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG ĐẤT

28/12/2022

Theo Ths. Lê Thị Lệ Thu, Vụ Pháp chế, Bộ NN&PTNT, chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang sử dụng vào mục đích khác là vấn đề tất yếu khách quan. Trong lần sửa đổi quan trọng này, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng về chuyển mục đích sử dụng đất.

TỔNG THUẬT SÁNG 14/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần hai vào kỳ họp thứ 5 (5/2023)

Chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang sử dụng vào mục đích khác là vấn đề tất yếu khách quan đặt ra trong quá trình thực hiện sự nghiệp đô thị hóa, công nghiệp hóa đất nước, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giải quyết hợp lý vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Tuy nhiên, cơ sở khoa học và thực tiễn của chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp chưa được xác định một cách cụ thể, rõ ràng; pháp luật về chuyển mục đích sử dụng đất chưa phù hợp, còn nhiều hạn chế, bất cập; thực thi pháp luật về chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp còn nhiều vướng mắc, nhiều sai phạm phát sinh.

Ths. Lê Thị Lệ Thu, Vụ Pháp chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, chuyển mục đích sử dụng đất nói chung và chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp nói riêng hiện được quy định trong Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản quy định chi tiết. Theo đó, gồm các nội dung trọng tâm, bao gồm: Luật Đất đai quy định các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Pháp luật quy định các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất không phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng phải đăng ký biến động; Pháp luật quy định về điều kiện để chuyển mục đích sử dụng đất; Về trình tự thủ tục và thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất hoặc đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất.

Ngoài ra, chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp còn được quy định tại các luật khác có liên quan như: Luật Đầu tư năm 2020; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công;…

Ths. Lê Thị Lệ Thu nhấn mạnh, trong những năm qua, Nhà nước ta đã không ngừng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đất đai theo tinh thần của Hiến pháp. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật pháp luật đã lần lượt ra đời điều chỉnh hầu hết các lĩnh vực đất đai từ vấn đề quản lý nhà nước đối với đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, chế độ sử dụng các loại đất đến việc định giá đất, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế đất; chuyển mục đích sử dụng đất,… Cùng với các văn bản do cơ quan Nhà nước ở trung ương ban hành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trugn ương cũng đã ban hành nhiều văn bản tổ chức thi hành ở địa phương. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do trung ương và địa phương ban hành đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong việc tổ chức thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về đất đai nói chung, hoạt động chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp nói riêng.

Tuy nhiên, trong quá trình thực thi pháp luật về chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp đã phát sinh những hạn chế, bất cập như: Nội hàm về chuyển mục đích sử dụng đất chưa được làm rõ trong pháp luật đất đai hiện hành, chưa bao quát được hết các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất. cụ thể:

Thứ nhất, nội hàm về chuyền mục đích sử dụng đất chưa được làm rõ trong pháp luật đất đai hiện hành, chưa bao quát được hết các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất.

Thứ hai, về chủ thể là người sử dụng đất trong quan hệ chuyển mục đích sử dụng đất chưa rõ ràng và chưa phù hợp

Thứ ba, về căn cứ chuyển mục đích sử dung đất nông nghiệp. Các quy định này gặp khó khăn trong thực tế triển khai khi quy đinh: việc chuyển mục đích sử dụng đất phải phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm của UBND cấp huyện đã phê duyệt (Điều 52 Luật Đất đai 2013). Tuy nhiên, áp dụng quy định tại Điều 40 Luật Đất đai năm 2013 về kế hoạch sử dụng đất hàng năm cho thấy, thực tế gặp một số khó  khăn là kỳ họp HĐND cấp tỉnh, huyện cuối năm mới phân bổ vốn đầu tư cho các công trình, dự án và phát triển KT-XH năm sau.

Thứ tư, về điều kiện đầu tư hiện còn nhiều vấn đề chung chung, gây nhiều cách hiểu khác nhau và dẫn đến lúng túng trong quá trình áp dụng.

Thứ năm, quy định nghĩa vụ tài chính đối với hoạt động chuyển mục đích sử dụng đất còn chưa hợp lý và gây nhiều khó khăn đối với chủ thể sử dụng đất, với quá nhiều hệ thống văn bản quy định như: Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp năm 1993; Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2010; Luật thuế thu nhập cá nhân;...

Đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật, Ths. Lê Thị Lệ Thu cho biết, Nghị quyết 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa đấ nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao đã đề ra định hướng, trong đó cần tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất, đặc biệt là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, đất của các doanh nghiệp nhà nước thoái vốn, cổ phần hóa và các loại đất được sử dụng đa mục đích; tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong chuyển mục đích sử dụng đất. Trên cơ sở đó, trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã có những sửa đổi quan trọng về chuyển mục đích sử dụng đất như: Bổ sung khái niệm chuyển mục đích sử dụng đất; căn cứ chuyển mục đích sử dụng đất;

Ngoài ra, các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất bổ sung các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, trong đó có sự kiểm soát chặt chẽ đối với chuyển đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên. Đồng thời, sửa đổi tiêu chí, điều kiện chuyển mục đích;….

Luật Đất đai (sửa đổi) được xác định là luật khó, phức tạp và có tầm quan trọng đặc biệt bởi phạm vi  tác động sâu rộng, tính phức tạp, chuyên sâu. Từ năm 1987 tới nay, Luật Đất đai đã qua 7 lần điều chỉnh, sửa đổi để bảo đảm phù hợp với thực tiễn phát triển. Tuy nhiên, với sự phát triển không ngừng của thực tiễn đời sống xã hội, yêu cầu ngày càng cao của công tác quản lý, đòi hỏi phải kịp thời sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai hiện hành nhằm phát huy hiệu quả và khơi thông nguồn lực đất đai. Trong đó, việc chú trọng và cân nhắc sửa đổi quy định về mục đích sử dụng đất phù hợp với thực tiễn, khắc phục triệt để những vướng mắc trong quy định hiện hành là cần thiết./.

Lê Anh